(CLO) Theo khảo sát của PV, các loại giấy vệ sinh nhái thương hiệu được các chủ tiệm tạp hóa “chuộng hơn” vì giá rẻ, lợi nhuận cao. Nhiều lô hàng nhái có dán cả tem chống hàng giả đã bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ.
Hàng nhái được phân phối tận cửa hàng
Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu tràn lan trên thị trường không chỉ khiến người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp bức xúc. Đối với mặt hàng giấy vệ sinh, với mẫu mã đa dạng và in ấn rất tinh vi, người tiêu dùng rất khó để phân biệt được giữa hàng thật và hàng nhái. Thậm chí, trên các sản phẩm này đều có “Tem chống hàng giả” được làm giả tem của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.
[caption id="attachment_146316" align="aligncenter" width="640"]
Hiện trường vụ hàng giả tại Đông Anh[/caption]
Tại cửa hàng tạp hóa H.T. ở chợ Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), theo quan sát của PV, có khoảng 30 cuộn giấy nhãn hiệu H.N. của một công ty có trụ sở ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi dùng nước lã xoa nhẹ lên tem chống hàng giả, mọi người không thấy chữ C54 hiện lên.
Chủ cửa hàng trên thừa nhận, đây là hàng nhái, giá rẻ hơn hàng thật của công ty chưa đầy 10 nghìn đồng một dây. “Họ chở hàng bằng xe máy đến tận cửa chào mời, giá rẻ hơn lại dễ bán”. - bà chủ tiệm tạp hóa H.T. cho hay.
Từ số điện thoại của chủ tiệm tạp hóa trên cung cấp, PV liên hệ được với một người tên H. ở Bắc Ninh và nhận được lời hứa hẹn “muốn lấy bao nhiêu hàng cũng có”.
[caption id="attachment_146317" align="aligncenter" width="450"]
Hiện trường vụ hàng giả tại Đông Anh[/caption]
Tiếp tục khảo sát một số đại lý, cửa hàng tạp hóa khác, PV vẫn nhận được sự thờ ơ của các chủ cửa hàng đối với vấn đề hàng giả, hàng nhái. Các chủ đại lý như cửa hàng H.Đ. (xóm Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức), cửa hàng trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và một số tiểu thương khác ở chợ Xốm (quận Hà Đông) đều cho biết, họ không phân biệt được hàng giả, hàng thật. Một số khác thì không ngần ngại trả lời, cứ sản phẩm nào đem lại lợi nhuận cao hơn thì họ sẽ mua để kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị H., một tiểu thương ở chợ Xốm, cho biết, chị là người từng bán phải hàng giả, hàng nhái nên biết lợi nhuận sẽ cao hơn. “Thường thì một dây gồm 10 cuộn giấy vệ sinh giả lợi nhuận sẽ cao gấp 2, gấp 3 so với hàng thật. Tất nhiên, chất lượng hàng giả, hàng nhái kém hơn rồi. Chất độc hại trong giấy thì không ai biết như thế nào cả. Giá bán hàng nhái cũng xấp xỉ hàng thật, mẫu mã thì nhái gần như không sai chi tiết nào nên rất dễ để đánh lừa người tiêu dùng” - chị H. chia sẻ.
Khó phát hiện, xử lý
Bức xúc trước tình trạng hàng hóa của công ty bị làm nhái, bà Đinh Thị K.Đ., Giám đốc một công ty sản xuất giấy vệ sinh, cho hay, việc hàng giả, hàng nhái tràn lan đã khiến công ty bà tổn thất nặng nề về uy tín, thương hiệu và doanh thu giảm đến 30%.
[caption id="attachment_146318" align="aligncenter" width="640"]
Tem chống hàng nhái bị làm giả[/caption]
“Các mặt hàng giấy vệ sinh mang nhãn hiệu đã được đăng ký bản quyền của chúng tôi đều bị làm giả…” - bà Đ. lắc đầu và cho biết, công ty bà đã làm đơn gửi lên nhiều cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường nhưng tình trạng này vẫn không suy giảm.
Theo tìm hiểu của PV, với công nghệ in ấn hiện nay, các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm, thậm chí làm nhái cả “Tem chống hàng giả” rất tinh vi. Một số chủ doanh nghiệp truyền tai nhau cách phân biệt “Tem chống hàng giả” thật và nhái. Theo đó, đối với sản phẩm có “Tem chống hàng giả”, để phân biệt sản phẩm thật, người tiêu dùng chỉ cần lấy nước lã xoa nhẹ lên mặt “Tem chống hàng giả” sẽ thấy nổi lên dòng chữ C54 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an. Tem giả sẽ không hiện lên chữ C54.
Một cách khác là dùng máy soi tiền chiếu lên thì trên mặt tem sẽ nổi lên dòng chữ C54. Ngoài ra, ở khu vực thể hiện mã vạch, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái sẽ in màu mã vạch trùng với màu bao bì, trong khi mã vạch của hàng thật là màu đen.
Chia sẻ với PV, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, rất khó để phát hiện hàng nhái, hàng giả nếu chỉ thông qua “Tem chống hàng giả”. Đối với các trường hợp nghi làm giả “Tem chống hàng giả”, lực lượng quản lý thị trường phải trưng cầu giám định mới có căn cứ xử lý.
Cũng theo vị cán bộ này, các công ty, doanh nghiệp nếu phát hiện cơ sở, công ty khác làm nhái hàng hóa, sản phẩm của công ty mình thì nên làm đơn khởi kiện để lực lượng chức năng thuận lợi hơn trong xử lý.
Ghi nhận của PV, trong tháng 12/2016, hàng loạt vụ vận chuyển và buôn bán giấy vệ sinh giả, nhái thương hiệu đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Mới đây nhất, ngày 23/12, Công an huyện Gia Lâm phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển hơn 90 nghìn cuộn giấy vệ sinh giả.
Trước đó, ngày 12/9/2016, Công an phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) bắt được 1 xe tải vận chuyển giấy vệ sinh giả. Ngày 18/11/2016, Công an huyện Đông Anh bắt được một xe ô tô chở giấy vệ sinh nhái, trị giá lô hàng khoảng 50 triệu đồng, có gắn cả tem giả.
PV
Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017. Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường công tác chỉ đạo đấu tranh trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý.