Hải Phòng: Cần đầu tư và khai thác hiệu quả khu du lịch Đồ Sơn

Thứ tư, 31/10/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đồ Sơn là khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên gần đây các hoạt động chưa mang tính tổng thể, bền vững, chưa xứng tầm của một khu du lịch tầm cỡ. Mọi hoạt động du lịch chủ yếu là ở khu II, nên khu này luôn bị quá tải. Bởi vậy rất cần có phương án điều chỉnh nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh vốn có và để Đồ Sơn mãi là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra tiềm năng du lịch ở Đồ Sơn, đồng thời đã quy hoạch bãi biển nơi đây thành ba bãi tắm là khu I, khu II và khu III, mỗi khu đều mang một vẻ đẹp riêng. Với những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này: Dãy núi Rồng vươn ra biển tới 5 km cùng hàng chục mỏm đồi lớn nhỏ có độ cao từ 25 đến 130m; trên đảo Dấu ngọn hải đăng được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ vẫn còn trường tồn mãi với thời gian; tháp Tường Long trên đỉnh Long Sơn là di tích khảo cổ học được xếp hạng cấp quốc gia và là quần thể kiến trúc Phật giáo lớn nhất vùng Duyên hải Bắc bộ; chùa Hang toạ lạc tại khu I, nơi ghi dấu tích đầu tiên Đạo Phật du nhập vào nước ta và nhiều di tích lịch sử khác được xếp hạng, Đồ Sơn, cảnh đẹp của non xanh, nước biếc thật tuyệt tác.

Thời Vua Bảo Đại đã xây dựng một dinh thự trên triền núi nơi đây để ngắm bình minh lên trong tiếng sóng rì rào. Hiện tại nhiều cơ quan, bộ ngành Trung ương đều có khu nghỉ dưỡng trên mảnh đất Đồ Sơn. Phải chăng nơi đây khéo tạo hoá kết hợp hài hoà giữa một bên là núi non, một bên là biển cả, tạo cho Đồ Sơn một phong cảnh non nước hữu tình. Đó còn là sự giao thoa giữa trời và đất, giữa thiên nhiên với con người. Đặc biệt ở Đồ Sơn với những bãi cát mịn, có mầu đỏ hồng lúc hoàng hôn, nhưng lại óng vàng vào buổi sáng làm cho bãi biển nơi đây mang một vẻ đẹp rất đặc trưng. Đồ Sơn lại nằm cách xa các khu công nghiệp, hơn thế nữa quy hoạch vành đai cây xanh sẽ ôm trọn khu vực này nên vừa có không khí trong lành, vừa bảo toàn được vẻ đẹp tự nhiên vốn có, bởi vậy Đồ Sơn luôn là điểm du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách.

Báo Công luận
Bãi tắm khu II Đồ Sơn những ngày cao điểm 

Tuy nhiên, những năm gần đây mọi hoạt động chủ yếu tập trung ở khu II, nên luôn nằm trong tình trạng quá tải. Đặc biệt vào những ngày cao điểm, bãi tắm khu II luôn chật cứng người, làm cho du khách có cảm nhận như Đồ Sơn bị thu hẹp, không thoáng đãng và thiếu thoải mái cho một kỳ nghỉ dưỡng. Trong khi đó ở Khu I, nơi cửa ngõ du khách đặt chân đến vùng đất du lịch này, trước đây khu I có bãi tắm đẹp và lý tưởng luôn được du khách lựa chọn, cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn, các hoạt động vui chơi, giải trí khá sôi động. 

Nhưng vài năm trở lại đây khu I chỉ còn lại những khách sạn xưa và rất ít những nhà hàng xứng tầm với một khu du lịch tầm cỡ. Mọi hoạt động du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí ở khu I trở nên èo ọt, buồn tẻ. Đồng nghĩa với đó bãi tắm khu I hiện nay chỉ còn là bãi biển bên những bờ kè chắn sóng. Phải chăng là sự lãng quên, hay do cơ chế chính sách, chưa mạnh dạn đầu tư để khai thác hiệu quả các hoạt động du lịch dịch vụ tại nơi này?

Báo Công luận
Bãi tắm khu I Đồ Sơn hiện nay 

Nhìn ra xung quanh ngẫm thấy những địa bàn lân cận như: Đảo Tuần Châu, Đảo Rều tỉnh Quảng Ninh; Cát Bà, Cát Hải của thành phố Hải Phòng… họ luôn nỗ lực để có những đổi thay phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, biết phát huy lợi thế vốn có để đầu tư và phát triển, thậm chí đã tạo ra những bãi tắm nhân tạo đẹp và hấp dẫn. Vậy Đồ Sơn, nơi được cho là “Thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng” trước đây, nay xem ra như có phần chững lại, nếu không muốn nói là tụt hậu. Nhiều người dân địa phương và du khách có suy nghĩ: Trong khi chúng ta đang cố gắng lấn biển mở rộng khu du lịch Đồ Sơn, thì bãi tắm I là nơi có không gian, có độ dài, rộng và đẹp, liệu có thể nghiên cứu và có phương án khôi phục bãi tắm khu I trở lại như những năm trước? Cùng với đó nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ du lịch; hình thành những điểm mua sắm… để phục vụ du khách trong thời gian lưu trú cũng như trước khi kết thúc hành trình du lịch tại Đồ Sơn?

Hiện nay quận Đồ Sơn được thành phố Hải Phòng quan tâm đầu tư với nhiều dự án lớn đã và đang thực hiện. Khi bãi tắm I được đầu tư và hoạt động trở lại cùng với các hoạt động du lịch, dịch vụ phát triển đồng bộ sẽ tạo cho Đồ Sơn thành một khu du lịch sôi động, nhộn nhịp xứng tầm một đô thị du lịch tầm cỡ trên địa bàn thành phố Cảng.

 Kim Cương

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa