Hàng không Việt Nam: Hành trình phục hồi còn lắm gian nan

Thứ sáu, 01/07/2022 07:47 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hiện ngành hàng không đang ghi nhận sự phục hồi ấn tượng, đặc biệt là dịp cao điểm vận tải hè 2022. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức mà ngành hàng không Việt Nam phải đối mặt để phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Hàng không dần lấy lại phong độ

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, kể từ thời điểm khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ từ tháng 1/2022; hiện đã có hơn 2,37 triệu lượt khách quốc tế trên các chuyến bay đi/đến Việt Nam.

Lượng khách di chuyển qua các cảng hàng không Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Lượng khách di chuyển qua các cảng hàng không Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Lượng khách quốc tế đã tăng dần với 103,5 nghìn khách (tháng 1), 127 nghìn khách (tháng 2), 224,6 nghìn khách (tháng 3), 445,7 nghìn khách (tháng 4), 650 nghìn khách (tháng 5) và ước đạt 826 nghìn khách trong tháng 6.

Đến cuối tháng 6/2022, thị trường hàng không quốc tế có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines khai thác các đường bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh.

So với thời điểm trước dịch COVID-19 vẫn còn có 4 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa mở lại các đường bay thường lệ đi/đến Việt Nam gồm Brunei, Indonesia, Myanma, Macao và một số thị trường có các chuỗi thuê chuyến theo từng giai đoạn trong năm như Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.

“Mặc dù các thị trường chưa mở rộng thêm nhưng các thị trường hiện tại đã và đang được các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài từng bước triển khai tăng tần suất, mở lại/mở mới các đường bay”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.

Thị trường Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng và Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam; IndiGo, Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya. Đồng thời tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7.

Với thị trường Singapore đã được các hãng hàng không Việt Nam và Singapore từng bước tăng tần suất trên các đường bay giữa Singapore và Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Mở mới đường bay kết nối Đà Nẵng và Nha Trang trong tháng 5 và 6/2022.

Tại thị trường Hàn Quốc ngoài việc tăng tần suất trên các đường bay giữa Seoul và Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh thì các hãng hàng không Hàn Quốc như Air Seoul, Air Busan, Korean Air cũng như Việt Nam là Vietjet Air đã từng bước khai thác trở lại các đường bay giữa Việt Nam và Busan cũng như giữa Hàn Quốc và Đà Nẵng, Nha Trang trong tháng 6.

Vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức

Trong Quý II/2022, sản lượng vận chuyển khách nội địa liên tục tăng từ 10 - 15% qua từng tháng cũng như tăng gần 30% so với cùng thời điểm các tháng cao điểm vận tải du lịch hè 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).

Với sự hồi phục của các đường bay cũng như các chính sách thu hút khách du lịch quốc tế, sản lượng vận chuyển khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2,37 triệu lượt khách quốc tế đã góp phần đạt lượng khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 43,35 triệu lượt hành khách.

Tương ứng với mức tăng 65,5% so với 6 tháng đầu năm 2021 nhưng giảm 24,6% so với 6 tháng đầu năm 2019 (quốc tế giảm 88,3%). Thị phần vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam đạt 38,2% về hành khách và 12,8% về hàng hóa.

Nhiều khó khăn, thách thức cản trở việc phục hồi của ngành hàng không Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19.

Nhiều khó khăn, thách thức cản trở việc phục hồi của ngành hàng không Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19.

Sự hồi phục của thị trường trong các tháng gần đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động của ngành hàng không, góp phần giảm nhẹ khó khăn và tạo đà cho sự hồi phục và phát triển trong các năm tới. Mặc dù vậy giai đoạn trước mắt, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành hàng không…; Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.

Đơn cử như thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế - nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019).

Lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh trong khi khách du lịch bao gồm khách vào (inbound) và khách ra (outbound) là nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế.

Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế trong khi thị trường khách Nga bị đóng băng.

Ngoài ra, giá nhiên liệu bay sau một giai đoạn giữ ổn định ở mức thấp thì giá xăng dầu hàng không liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt.

Việc giá nhiên liệu Jet A1 trên 170 USD/thùng (tăng gần 30% so dự kiến) và chiếm trên 40% chi phí khai thác của các hãng hàng không, áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không đang rất nặng nề. Đây là một thách thức không nhỏ đến các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung.

Do ảnh hưởng của COVID-19, trên bình diện quốc tế, thu nhập của người dân bị tác động lớn. Vì vậy người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.

Bảo đảm nguồn vốn để phát triển giai đoạn hậu COVID-19 là một thách thức không nhỏ đối với các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn và khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, tình hình chiến sự giữa Nga với Ukraine,...

Thế Anh

Bình Luận

Tin khác

Đã có đường dây nóng tiếp nhận phản ánh trên các tuyến cao tốc

Đã có đường dây nóng tiếp nhận phản ánh trên các tuyến cao tốc

(CLO) Để phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn, ùn tắc hoặc cần trợ giúp, hỗ trợ trên các tuyến cao tốc; lái xe có thể liên hệ với đường dây nóng 19008099 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).

Giao thông
TP HCM xem xét lấy tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt cho 4 tuyến quốc lộ

TP HCM xem xét lấy tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt cho 4 tuyến quốc lộ

(CLO) Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, việc đặt tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến đường là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giao thông
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón gần 690.000 lượt khách dịp lễ 30/4-1/5

Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón gần 690.000 lượt khách dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Dịp lễ này, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác mỗi ngày khoảng 115.000-120.000 khách. Riêng 2 ngày cao điểm nhất 26/4 và 1/5, đơn vị dự kiến đón 125.000 khách/ngày.

Giao thông
ACV dự kiến phục vụ trên 1,5 triệu hành khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

ACV dự kiến phục vụ trên 1,5 triệu hành khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến sản lượng khai thác các chuyến bay nội địa khoảng 9.000 lượt cất hạ cánh với trên 1,5 triệu khách; trung bình 218.600 hành khách/ngày (tăng 15 - 20% so với ngày bình thường tháng 4/2024).

Giao thông
Tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa đạt tỷ lệ đặt chỗ từ 90% - 100%

Tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa đạt tỷ lệ đặt chỗ từ 90% - 100%

(CLO) Tin từ Cục Hàng không cho biết, cơ quan này tiếp tục có văn bản gửi các hãng hàng không Việt Nam xem xét bổ sung ngay tải cung ứng trên các đường bay nội địa từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến các địa phương dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giao thông