(NBCL) Việc cổ phần hóa chóng vánh Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) cuối tháng 4 vừa rồi gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Có lẽ điều gây bất ngờ lớn đối với nhiều người là giá trị doanh nghiệp của VFS được tính để cổ phần hóa chỉ trên 50 tỷ đồng. Và chỉ bỏ ra 32,5 tỷ đồng, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) đã trở thành người nắm giữ 65% cổ phần. Điều mà mọi người đặc biệt ngạc nhiên là những mảnh đất vàng, diện tích lớn do công ty cổ phần mới sẽ được sử dụng làm trụ sở lại không được đưa vào danh mục để định giá.
[caption id="attachment_99752" align="aligncenter" width="600"]
Cổ phần hóa hãng phim cần có sự minh bạch.[/caption]
Cổ phần hóa để thoát khỏi sự èo uột, phá sản
Câu chuyện cổ phần hóa các hãng phim được tính đến từ năm 2003. Đến tháng 7/2010, thay vì cổ phần hóa như dự định thì Nhà nước quyết định chuyển đổi mô hình 5 hãng phim thành các công ty TNHH một thành viên. Việc chuyển đổi này được coi là giải pháp tạm thời, là bước đệm để tiến hành cổ phần hóa. Hy vọng của bước đệm đã không đem lại kết quả như mong muốn.
Trong hơn 5 năm qua, chưa một năm nào VFS có lãi. Lề lối làm việc của VFS vẫn theo "truyền thống" là nhận các phim đặt hàng của Nhà nước hàng năm. Có phim đặt hàng, VFS mới có tiền trang trải hoạt động và trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ. Nhiều năm nay, cán bộ của VFS chỉ được lĩnh 50% lương. Trao đổi với báo chí, đạo diễn Vương Đức– Giám đốc VFS- nói: Trước và sau khi tôi làm giám đốc đến nay, VFS luôn thua lỗ. Nếu không cổ phần hóa sẽ phải phá sản theo luật doanh nghiệp.
Ông Trần Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTT DL- cũng cho biết: Nhà nước cũng không thể tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp thua lỗ. Hơn 20 năm qua, VFS rơi vào cảnh thua lỗ triền miên. Cho tới thời điểm này, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, VFS có khoản lỗ lũy kế lên tới 39,6 tỷ đồng, chủ yếu do các bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước (trong giai đoạn 2004 - 2014 lỗ 34,3 tỷ đồng). Hiện nay, công ty còn nợ tiền thuê đất 5,7 tỷ đồng...
Rõ ràng, việc cổ phần hóa là một chủ trương lớn và đúng đắn của Nhà nước và là xu hướng tất yếu đối với các đơn vị, doanh nghiệp để thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ trì trệ. Tuy nhiên, nó luôn thực sự phức tạp với các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa bởi với những đơn vị này, đôi khi lợi nhuận chưa chắc đã phải là mục tiêu duy nhất.
Trong lĩnh vực điện ảnh, có 5 doanh nghiệp là Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hoạt hình, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Khoa học - Tài liệu Trung ương thì duy nhất có Hãng phim Khoa học - tài liệu Trung ương không được Chính phủ đồng ý cổ phần vì đây là doanh nghiệp đặc thù nên giữ là Công ty TNHH một thành viên với 100% vốn nhà nước. Còn tất cả các đơn vị khác đều bước và con đường cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa VFS thực ra đã được tiến hành từ khá lâu trong xu hướng tất yếu với các công ty TNHH một thành viên như VFS.
Nhưng sự việc chỉ thật sự bùng nổ, gây tranh cãi khi nhà đầu tư chiến lược của Hãng được gọi tên bởi Tổng công ty Vận tải Thủy (VIVASO) - một đơn vị không liên quan gì tới điện ảnh và họ chỉ phải bỏ 32,5 tỷ đồng đã có thể nắm giữ 65% cổ phần trong Hãng. Số cổ phần còn lại được chia theo phương án: 20% do Nhà nước nắm giữ, 4,5% do cán bộ, công nhân viên nắm giữ vào đấu giá công khai 10,5%.
Chờ đợi sự minh bạch
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, việc tư nhân tham gia có thể tạo thêm sự phong phú, sôi động cho thị trường điện ảnh, song nếu buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến những chuyện “chướng tai gai mắt”. Về vấn đề chuyên môn nghiệp vụ (ảnh hưởng quyết định đến số lượng, chất lượng phim), các bên liên quan đều đã có giải trình.
Cụ thể, dù doanh nghiệp tư nhân làm chủ nhưng bản quyền phim vẫn thuộc Nhà nước, không thể sử dụng tùy tiện. Đội ngũ đạo diễn, diễn viên, thiết kế quay phim, hóa trang… vẫn thuộc hãng và hoạt động nghệ thuật bình thường. Còn việc sản xuất phim như thế nào, còn phải tiếp tục chờ đợi. Bên cạnh vấn đề chuyên môn được đặt ra, gây lo lắng hơn cả còn là câu chuyện quyền sử dụng đối với bốn mảnh đất của VFS, bao gồm khoảng 5.000m2 ở số 4 Thụy Khuê; khu đất hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội); trường quay 6.000m2 tại Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) và một khu đất tại đường Thái Văn Lung (TP. Hồ Chí Minh).
Mặc dù những mảnh đất này không thuộc sở hữu của hãng mà là đất thuê của Nhà nước, phải trả tiền hằng năm và khi cổ phần hóa, đất đai không được tính vào giá trị doanh nghiệp; nhưng nếu hợp đồng thuê đất có thời hạn lâu năm, mức giá lại được ưu đãi thì vẫn có thể dựa vào đó để kiếm lợi nếu ai đó có chủ đích. Những lo lắng này là có cơ sở, bởi lâu nay, tình trạng chiếm dụng đất công diễn ra trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, không riêng gì điện ảnh.
Không ít đơn vị văn hóa, sau khi cổ phần hóa đã bị xé nhỏ mặt bằng để cho thuê, làm nhiều việc riêng, gây tình trạng lộn xộn, lãng phí tài sản Nhà nước. Để xử lý vi phạm này không dễ dàng, trong khi nếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo thì hầu như không hiệu quả, người sử dụng đất sai mục đích vẫn cứ chây ỳ. Trong trường hợp này, phía VIVASO đã có thông báo, sau này, ngoài hoạt động sản xuất phim, hãng sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh nhà hàng, dịch vụ và bán các sản phẩm của công ty.
Như vậy, trong 5 năm đầu theo cam kết, có thể tạm yên tâm với nhà đầu tư này nếu họ tuân thủ các quy định. Nhưng sau đó sẽ ra sao là điều mà đại diện các bộ và doanh nghiệp, người làm nghề điện ảnh và công chúng đều chưa thể hình dung được(?!). Có ý kiến cho rằng: Nếu không nhìn vào cơ sở đất đai mà VFS đang sử dụng có lẽ VIVASO sẽ không đầu tư 65% cổ phần. Vì với số tiền bỏ ra, VIVASO hoàn toàn có thể thành lập mới một doanh nghiệp điện ảnh và có thể thuê các máy móc, nghệ sĩ để sản xuất phim như các hãng phim tư nhân đã và đang làm.
Tại cuộc họp báo ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ VHTT DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Nếu doanh nghiệp sau khi cổ phần mà sử dụng đất sai mục đích thì sẽ bị Bộ kiến nghị thu hồi. Cam kết của nhà đầu tư chiến lược được đưa vào Điều lệ Công ty cổ phần gồm 7 điểm: 90% doanh thu phải từ phim không phải từ mặt hàng khác; Cam kết trả tiền thuế đất hãng phim nợ; Cam kết đầu tư cơ sở vật chất phục vụ làm phim; Cam kết tuân thủ phương pháp sử dụng đất sau cổ phần hóa để phục vụ sản xuất phim; Cam kết sử dụng toàn bộ số lao động của hãng phim có nguyện vọng về công ty cổ phần, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ; Cam kết sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ CPH đầu tư sản xuất phim, còn lại 20% đấu thầu sản xuất phim; Nhà nước sẽ cử 3 người vào vị trí lãnh đạo gồm: Thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát.
Có thể Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam sẽ không vi phạm cam kết để tránh bị xử lý theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, thế nhưng, sau khoảng thời gian ngắn ngủi 5 năm của cam kết và giám sát thì sao?. Có ai chắc 90% doanh thu của Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam còn đến từ phim?. Hay là đến từ thu nhập từ nhà hàng, khách sạn hay cho thuê... ?. Lúc đó, có ai nỡ trách phạt doanh nghiệp kiếm tiền từ thu nhập khác để nuôi phim?
Việc cổ phần hóa VFS vẫn đang được tiến hành, chưa xong, với 8/10,5% cổ phần bán ra ngoài chưa có chủ. Tư duy một cách khách quan như đạo diễn Phan Đăng Di là: “Không nên tranh cãi chuyện tốt hay xấu, mà đây là chuyện đương nhiên phải xảy ra. Nên nhìn nhận với thái độ tích cực và có sự chuẩn bị thật tốt”.
Nhưng để giữ được uy tín, để nghệ sĩ an tâm tiếp tục đam mê, cống hiến và khán giả được thỏa lòng mong chờ, hy vọng, phía đơn vị chủ quản và nhà đầu tư nhất thiết phải có chiến lược hoạt động rõ ràng, minh bạch; hài hòa giữa yếu tố lợi ích kinh doanh và phát triển nghệ thuật. Mọi vấn đề về nhân sự, kế hoạch sử dụng đất, dự án làm phim… phải thực hiện theo đúng các quy định và cần được công khai. Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm minh để tránh những bất cập kéo dài.❏
NSƯT VƯƠNG ĐỨC, GIÁM ĐỐC HÃNG PHIM TRUYỆN VIỆT NAM:
Bản thân tôi không thích thú gì việc cổ phần hóa, bản tính tôi bi quan, rất thận trọng trước tất cả những đổi mới, nhưng nếu không làm, VFS chắc chắn sẽ phá sản. Mười năm nay thua lỗ rồi. Một là ôm nhau ra Hồ Tây cùng chết chìm, hai là phải làm gì đó. Kế hoạch cổ phần hóa được nêu ra từ mấy năm nay. Tôi đã hỏi rất nhiều bạn bè của mình, nhờ họ tư vấn cho cổ phần hóa là như thế nào, các ví dụ cổ phần hóa trước đó… Dần dần tôi nhận ra, trong thời điểm này, cổ phần hóa tích cực nhiều hơn tiêu cực, cho đời sống cán bộ, cho tương lai của hãng.
[su_divider style="dotted"][su_divider][/su_divider]
NHÀ PHÊ BÌNH NGÔ THẢO:
Đối với cơ sở văn hóa nghệ thuật việc cổ phần hóa chẳng ăn thua gì cả. Đáng lí, hết sứ mệnh phải giải tán. Anh để tượng đài ở đấy thôi. Còn hôm nay tất cả những người mới vào, phải đi làm việc khác, làm từ đầu. Còn nói về cổ phần cho anh em trong hãng phim nhưng cổ phần không đảm bảo có lãi, bây giờ có phải hãng phim nào cũng có lãi đâu? Tại sao tất cả các bạn trẻ hôm nay nếu có điều kiện đều đứng lên lập hãng phim mới, họ chẳng mua lại hãng phim truyện Việt Nam làm gì. Có ai cấm làm phim đâu? Có kịch bản hay, có tiền, sẽ có dàn diễn viên mới vào phim, thay thế gương mặt cũ. Việc gì phải "ăn bám" mãi cơ chế cũ?
[su_divider style="dotted"][su_divider][/su_divider]
ĐẠO DIỄN TRẦN LỰC:
Tôi từng làm việc ở VFS một thời gian, bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở đây cũng nhiều, khi nghe tin hãng phải bán, tôi buồn. Nhưng nghĩ lại, có lẽ cũng đến lúc phải dẹp tình cảm sang bên mà nhìn thẳng vào sự thật. Vấn đề của VFS bây giờ là phải thay đổi tư duy kinh doanh nên cổ phần hóa theo tôi chỉ có tốt hơn. Bao nhiêu năm nay nó cứ giữ mãi bộ máy cồng kềnh đông nghịt, trông chờ Nhà nước đặt hàng để duy trì sự tồn tại của mình.
[su_divider style="dotted"][su_divider][/su_divider]
NSND PHẠM NHUỆ GIANG:
Tôi mong rằng, việc cổ phần hóa hãng phim để cho công việc tốt hơn chứ không phải tệ hơn. Chi tiết về việc cổ phần hóa của hãng Phim truyện Việt Nam thì tôi không rõ nhưng tôi chỉ thấy là công ty Vận tải thủy thì không liên quan đến nghệ thuật để được bán lại. Hãng phim đã có lịch sử gần 60 năm, làm nhiều bộ phim kinh điển, từng có địa vị lớn trong đời sống nghệ thuật sao có thể giao cho một đơn vị như vậy? Cần có một câu trả lời rõ ràng cho các nghệ sỹ, diễn viên…
[su_highlight background="#e6fc99"]BÌNH LUẬN[/su_highlight]
CỔ PHẦN HÓA LÀ XU THẾ TẤT YẾU NHƯNG CÁCH LÀM KHÔNG ỔN
Cổ phần hóa là con đường tất yếu đưa điện ảnh thoát khỏi tư duy bao cấp, phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước và sống một cách èo uột với những bộ phim làm ra chỉ để… xếp kho. Nhưng việc Hãng phim truyện Việt Nam được mua lại bởi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) vốn không có kinh nghiệm về lĩnh vực điện ảnh, khiến nhiều nghệ sĩ hoang mang. Thậm chí, nhiều đạo diễn, nghệ sĩ phản ứng gay gắt rằng không phải cứ có tiền là “nhảy” được vào ngành nghề đặc thù như điện ảnh. Dù Vivaso cam kết tiếp tục sản xuất phim trong 5 năm nhưng họ có thực hiện, xem đó là công việc chính hay không lại là vấn đề khác. Đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ:
Điều đầu tiên tôi muốn nói là về thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam. Tôi thấy không có một quốc gia nào người ta hủy hoại thương hiệu một cách phi văn hóa như vậy.
Cổ phần hóa là xu thế tất yếu của thời đại nhưng cách làm của họ không ổn, đó là một sự vô trách nhiệm. Bàn đến giá trị thật và giá trị ảo của khu đất của Hãng phim truyện Việt Nam, đến một đứa trẻ lên ba nó cũng hình dung ra đó là một sự lừa đảo. Bởi vì với một diện tích như thế, với những cơ sở của hãng phim, cả trong Nam ngoài Bắc như thế, với giá tiền thực tế một mét vuông đất ở Hà Nội, kể cả trong ngõ hẻm thôi đã vài chục triệu đồng.
Khu đất vàng như Hãng phim truyện, tính tầm 200 triệu đồng/m2, đã ra bao nhiêu tiền?
Bảo là đất thuê của Nhà nước, vậy chúng ta có thể điểm ra được bao nhiêu chỗ đất thuê của Nhà nước và đất của dân chiếm dụng mà trị giá nó như thế nào, không nói thì ai cũng biết. Bây giờ giả sử tất cả mọi chuyện chúng ta rà soát lại từ đầu, đem đấu giá lại từ đầu thì chắc chắn số tiền bán hãng phim không thể là như thế được
. Với cách làm này, với ông chủ mới thế này, tôi chẳng tin một cái gì cả. Chắc chắn nó sẽ chết. Họ không dính dáng đến nghệ thuật, không phải là người làm nghề nghệ thuật, ý thức của họ nhìn thấy rõ rành rành là không có ý thức làm nghệ thuật.
PV
[su_highlight background="#e6fc99"]DIỄN ĐÀN:[/su_highlight]
Cơ hội để điện ảnh Việt phát triển?
Chủ trương cổ phần hóa là đúng, song liệu rằng cách “đổi chủ” của Hãng Phim truyện Việt Nam có khiến cho “cánh chim đầu đàn” của nền điện ảnh nước nhà bị “tan đàn xẻ nghé”? Là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ “cây đa, cây đề” gắn bó cùng Hãng Phim truyện Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên với những bộ phim đã trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt như: “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”…,
NSND Trà Giang bày tỏ trăn trở với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Từ nhiều năm nay, cơ sở vật chất của Hãng Phim Truyện Việt Nam ngày một lụi tàn. Tôi biết hãng phải đầu tư, vay tiền ngân hàng làm phim, mang nợ đến hàng tỷ đồng. Với tình thế như hiện nay, tôi cũng như các nghệ sĩ khác đều hiểu không thể không cổ phần hóa, nhưng tôi không thể tưởng tượng được tại sao hãng phim đầu đàn của điện ảnh Việt Nam, tồn tại hơn nửa thế kỷ bỗng bị “bán” cho một công ty lạc dòng nghệ thuật? Rồi họ sẽ lãnh đạo “anh cả” của điện ảnh nước nhà như thế nào?”.
Điều làm NSND Trà Giang đau đớn nhất là tên gọi Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ bị “khai tử” mà thay vào đó là tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, NSND Minh Châu, NSND Phạm Nhuệ Giang, đạo diễn Đức Việt… cũng đều tỏ ra lo ngại cho tương lai của VFS- ngôi nhà chung của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội trong làng điện ảnh Việt. Tình cảm, tâm tư của các nghệ sĩ với Hãng Phim Truyện Việt Nam không phải không có cơ sở, bởi cứ nhìn vào người tiên phong trong công cuộc cổ phần hóa này là Hãng Phim Truyện 1 sau vài năm tỏ ra hăng hái rồi tồn tại… lay lắt.
Tới giờ, hãng này vẫn phải sống nhờ các đơn đặt hàng “cứu đói” của Nhà nước! Dẫu biết, cổ phần hóa là con đường ngắn nhất đưa điện ảnh thoát khỏi tư duy bao cấp, hoạt động cầm chừng như hiện nay. Về mặt tình cảm, những người làm nghề không khỏi tiếc nuối, sợ rằng các hãng phim Nhà nước sẽ bị lãng quên. Nhưng đây sẽ là bước chuyển cần thiết.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam nêu quan điểm, ông không phản đối việc cổ phần hóa vì đến thời điểm này, cơ cấu các hãng Nhà nước chắc chắn phải có sự thay đổi. Cổ phần hóa là chủ trương tất yếu nhưng lựa chọn một đơn vị duy trì tiếp con đường của Hãng Phim truyện Việt Nam có truyền thống về sản xuất phim hơn nửa thế kỷ thì cần phải suy tính.
“Trong bản cam kết của Vivaso với hãng phim có đưa các điều khoản sẽ tiếp tục sản xuất phim. Còn họ có coi đó là việc làm chính hay không lại là chuyện khác. Tất cả phụ thuộc vào cổ đông chính. Những người đấy mới quyết định vận mệnh của VFS”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.
NGUYỄN HOÀI
(Báo QĐND)