(NB&CL) Đã 13 năm nay, kể từ khi dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt được khởi động, là từng đó năm hàng trăm hộ dân tại tổ 41 phường Thịnh Liệt và tổ 68 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải sống trong cảnh tạm bợ với muôn vàn khó khăn bởi ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và tệ nạn xã hội…Những tưởng khi dự án được tái khởi động người dân sẽ vui mừng, nhưng thay vào đó là rất nhiều sự lo lắng, bức xúc... Nổi khổ của dân ai thấu hiểu? Theo đơn kêu cứu của các hộ dân tại tổ 68 phường Tương Mai và tổ 41 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai: Người dân sống tại 2 khu vực trên nằm trong dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, do Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ năm 2004. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án chưa hề triển khai được hạng mục nào. Việc “ngâm” dự án, không chỉ làm lãng phí tài nguyên quốc gia, mà còn đẩy cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khốn khổ. Có mặt tại khu vực quy hoạch khu đô thị mới Thịnh Liệt, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà xập xệ không được phép sửa sang. Chia sẻ về cuộc sống ở đây, ông Trường Sinh, người dân tại tổ 41, Thịnh Liệt cho biết dự án treo quá lâu đã đẩy cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn. “Mái nhà dột nát chúng tôi không được phép sửa chữa, đường đi xuống cấp, lầy lội cũng không được quan tâm, quyền lợi của người dân thì không được chính quyền để ý, nhưng mọi nghĩa vụ thì họ vẫn bắt chúng tôi phải thực hiện đầy đủ”, ông Sinh bức xúc. Theo người dân ở đây, ngay cả điều kiện sống cơ bản nhất, họ cũng không được bảo đảm, cụ thể là vấn đề nước sạch cũng chỉ mới được giải quyết hơn 1 năm trở lại đây Trước đó, để có nước sinh hoạt, họ phải sử dụng nhờ các hộ lân cận với giá tới 15.000đ/1m3 nước. [caption id="attachment_173861" align="aligncenter" width="640"]
Người dân tổ 41 Thịnh Liệt và tổ 68 Tương Mai (Hoàng Mai) khổ sở vì phải sống trong khu vực dự án treo.[/caption] Rõ ràng, từ khi có quy hoạch đến nay, điều kiện sống của người dân gặp quá nhiều khó khăn; thắc mắc, khiếu nại thì chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền bảo rằng đất thuộc dự án nên các công trình dân sinh không được đầu tư.
“Nhưng chờ đợi đền bù, giải tỏa suốt chừng ấy năm vẫn chưa thấy gì, trong khi hàng ngày dân chúng tôi vẫn phải sống. Thử hỏi, ở giữa thủ đô mà có người dân nào khổ như chúng tôi hay không?”, bà Vũ Thị Nga, tổ 68, phường Tương Mai đặt câu hỏi. Dự án bị “ngâm” 13 năm qua, điều kiện sinh hoạt của người dân không được đảm bảo. Trong khi đó, các căn nhà ở tạm ngày một xập xệ không được sửa chữa. Nhiều gia đình ngao ngán rao bán nhà nhưng chẳng có người mua. Bi đát hơn, một số hộ “nhanh tay” nhận tiền đền bù từ chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết các chế độ liên quan như nhà tái định cư, đất canh tác…
"Hậu quả là số tiền đền bù năm nào đã hết sạch sành sanh, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn...", bà Nga nói
Chưa có nhà đã bị yêu cầu di chuyển 13 năm bị “sống treo” cùng với dự án, nhưng sự việc bức xúc nhất khiến hàng trăm hộ dân ở đây buộc phải viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan có thẩm quyền là ngày 20/3/2017, họ nhận được thông báo từ UBND phường Tương Mai và UBND phường Thịnh Liệt yêu cầu khẩn trương nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi. Trong khi đó, chính quyền không hề đưa ra một văn bản, giấy tờ nào chứng minh về việc Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi, là chủ đầu tư dự án mới. Theo quy định của Luật đất đai 2013 “việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư”. Trong khi đó chủ đầu tư hiện chưa có nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Để chứng minh việc chủ đầu tư chưa hề có nhà tái định cư, bà Nga và ông Sinh đã đưa chúng tôi ra nơi mà chủ đầu tư quy hoạch xây nhà tái định cư. Theo ghi nhận của chúng tôi, tới thời điểm này, khu đất dành xây dựng nhà tái định cư hiện nằm giáp bờ rào nghĩa trang làng Giáp Tứ vẫn là một khu đất được quây tôn, cỏ mọc um tùm. Thực tế này cho thấy trong 2 năm nữa, dự án nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất cũng chưa chắc đã hoàn thành. Ngoài ra, theo bà Nga và người dân tại khu vực tổ 41 Thịnh Liệt và tổ 68 Tương Mai: rất nhiều hộ gia đình đã bị chủ đầu tư thu hồi đất và yêu cầu bàn giao nhà để di dời, nhưng không hề có phương án về khu vực tái định cư, cũng như nhà tái định cư cho họ. Thậm chí, ngay cả mức giá đền bù cũng không thỏa đáng. “Chúng tôi chỉ được đền bù đất ruộng với mức 500 nghìn đồng/1m2 (tính cả tiền hỗ trợ), nếu áp dụng mức đền bù này thì người dân sẽ không đủ tiền để có thể tạo lập được nơi ở mới, trong khi đó, đất canh tác bị thu hồi và nhiều gia đình không có công ăn, việc làm, phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi... Cuộc sống ở đây đang gặp muôn vàn khó khăn”, bà Nga bức xúc chia sẻ với chúng tôi.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này. Đắc Nguyên