Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Thứ ba, 17/09/2024 10:52 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hành lang Philadelphi, một dải đất nhiều bụi rậm và cồn cát hẹp ở phía nam Gaza, giáp biên giới với Ai Cập đang nổi lên như trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel - Hamas và giải thoát hàng loạt con tin.

Hành lang Philadelphi là gì và tại sao tranh cãi?

Hành lang Philadelphi là một dải đất trống - chỉ rộng 100 mét ở một số nơi - chạy dọc theo chiều dài 14 km của phía Gaza giáp biên giới với Ai Cập. Nó bao gồm cửa khẩu Rafah, là lối thoát duy nhất của Gaza ra thế giới bên ngoài không do Israel kiểm soát cho đến khi quân đội Israel chiếm được toàn bộ hành lang vào tháng 5.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này phải duy trì quyền kiểm soát hành lang Philadelphi để ngăn Hamas bổ sung kho vũ khí thông qua các đường hầm buôn lậu dưới biên giới với Ai Cập. Ông khẳng định điều đó là cần thiết để đảm bảo Hamas không bao giờ có thể tấn công Israel như ngày 7 tháng 10 năm ngoái.

hanh lang bien gioi philadelphi rao can thoa thuan ngung ban o gaza hinh 1

Biên giới giữa Gaza và Ai Cập nhìn từ Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhiều người Israel, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cho rằng Israel nên từ bỏ hành lang này, ít nhất là trong một thời gian ngắn, để đảm bảo một thỏa thuận giải cứu khoảng 100 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza, trong đó khoảng một phần ba được cho là đã chết.

Hamas đã yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza và cho rằng ông Netanyahu đưa ra yêu cầu về hành lang Philadelphi trong những tuần gần đây chỉ để làm chệch hướng các cuộc đàm phán. Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu đổ lỗi cho Hamas về việc không đạt được thỏa thuận và cho biết yêu cầu về hành lang Philadelphi không phải là mới.

Tại cuộc họp báo ngày 2 tháng 9, Thủ tướng Netanyahu cho biết Hamas đã sử dụng các đường hầm dưới biên giới với Ai Cập để nhập khẩu vũ khí, cho phép lực lượng Palestine này xây dựng cỗ máy quân sự mà họ triển khai vào ngày 7 tháng 10. Ông Netanyahu khẳng định, việc buôn lậu dưới hành lang Philadelphi đã cung cấp "oxy" cho Hamas.

hanh lang bien gioi philadelphi rao can thoa thuan ngung ban o gaza hinh 2

Thủ tướng Netanyahu diễn giải cách mà ông cho rằng Hamas tuồn vũ khí vào Gaza qua hành lang Philadelphi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Ai Cập phủ nhận cáo buộc của ông Netanyahu, đồng thời tuyên bố rằng họ đã phá hủy hàng trăm đường hầm ở phía biên giới của mình cách đây nhiều năm, dựng các rào cản và thiết lập vùng đệm quân sự riêng để ngăn chặn nạn buôn lậu. Theo phía Ai Cập, họ trấn áp nạn buôn lậu ở hành lang Philadelphi vì lợi ích an ninh của chính mình chứ không chỉ của Israel.

Ai Cập, quốc gia đóng vai trò trung gian quan trọng đối với các cuộc đàm phán ngừng bắn, cũng phản đối bất kỳ sự hiện diện nào của Israel dọc theo biên giới phía Gaza và cho biết việc Israel kiểm soát hành lang Philadelphi sẽ đe dọa đến hiệp ước hòa bình đã có từ nhiều thập kỷ giữa hai nước.

Đối với Cairo, việc chấp nhận để quân đội Israel kiểm soát khu vực biên giới này sẽ đe dọa an ninh quốc gia và chính quyền Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi sẽ bị công chúng chỉ trích, theo các nhà phân tích cho biết.

Hamas có thể đã lén vận chuyển gì qua biên giới?

Người ta vẫn chưa biết chính xác Hamas đã có thể chuyển lậu bao nhiêu hàng vào Gaza qua biên giới Gaza-Ai Cập, trên mặt đất hoặc qua đường hầm.

hanh lang bien gioi philadelphi rao can thoa thuan ngung ban o gaza hinh 3

Các binh sĩ Israel đang hiện diện ở hành lang Philadelphi để kiểm soát khu vực biên giới này. Ảnh: GI

Các quan chức an ninh hiện tại và trước đây của Israel thường nói rằng các đường hầm và việc kiểm tra không đầy đủ tại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Israel đã tạo điều kiện cho Hamas tích trữ vũ khí, trang thiết bị có thể chế tạo thành vũ khí. Theo một quan chức an ninh Israel yêu cầu giấu tên, Hamas đã tuồn lậu các bộ phận của tên lửa tầm xa, lựu đạn, súng bắn tỉa, súng máy, đạn và các loại vũ khí khác.

Nadav Argaman, cựu Giám đốc cơ quan an ninh Shin Bet của Israel, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chỉ có “một lượng rất nhỏ vũ khí” được tuồn lậu vào Gaza qua các đường hầm kể từ khi Ai Cập hành động để dọn sạch khu vực biên giới. Thay vào đó, hầu hết các vụ tuồn lậu đều diễn ra trên mặt đất tại cửa khẩu Rafah và “không có mối liên hệ nào giữa vũ khí ở Gaza và hành lang Philadelphi”.

Ba quan chức quốc phòng khác của Israel cho biết Hamas cũng phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường khác, bao gồm cả các tàu đánh cá nhỏ đi bằng đường biển và qua cửa khẩu Kerem Shalom giữa miền nam Gaza và Israel. Hamas cũng không nhập khẩu được tên lửa chống tăng tinh vi, một dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Ai Cập nhằm dập tắt nạn buôn lậu đã thành công.

Những người chỉ trích ông Netanyahu nói gì về hành lang này?

Trong nhiều tuần, các phương tiện truyền thông Israel đã dẫn lời các quan chức an ninh giấu tên chỉ trích Thủ tướng Netanyahu, nói rằng hành lang này không thiết yếu đối với an ninh của Israel và không nên trì hoãn thỏa thuận trao trả con tin. Một số người đã đề xuất một lực lượng quốc tế có thể tuần tra biên giới.

Một quan chức Israel giấu tên nói với tờ hãng tin AP rằng, những bất đồng quan điểm về hành lang Philadelphi đã gây ra một cuộc cãi vã tại cuộc họp Nội các về an ninh vào cuối tháng 8, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cáo buộc Thủ tướng Netanyahu ưu tiên các thỏa thuận biên giới hơn mạng sống của các con tin.

Bộ trưởng Gallant là tiếng nói phản đối duy nhất trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo ủng hộ việc duy trì quyền kiểm soát hành lang Philadelphi và ông vẫn đang nỗ lực kêu gọi chính phủ Israel đảo ngược quyết định này.

hanh lang bien gioi philadelphi rao can thoa thuan ngung ban o gaza hinh 4

Người Israel tại các thành phố như Tel Aviv và Jerusalem biểu tình yêu cầu Thủ tướng Netanyahu đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và đưa các con tin trở về. Ảnh: Times of Israel

Gia đình của các con tin đã dẫn đầu nhiều tháng biểu tình quần chúng kêu gọi Thủ tướng Netanyahu thực hiện một thỏa thuận với Hamas để trả lại những người thân của họ. Và việc 6 con tin bị sát hại mới đây càng khiến các cuộc biểu tình phát triển thành quy mô lớn hơn, nhằm phản đối cách Thủ tướng Netanyahu xử lý đàm phán ngừng bắn với Hamas.

Với người Palestine, bất kỳ sự hiện diện nào của Israel bên trong Gaza đều được coi là hành động chiếm đóng quân sự, có khả năng kéo dài xung đột. Nó cũng có thể kéo dài, có lẽ là vô thời hạn, việc đóng cửa khẩu Rafah, vốn là tuyến đường huyết mạch của Gaza kể từ khi Ai Cập và Israel bắt đầu áp đặt nhiều mức độ phong tỏa khác nhau đối với lãnh thổ này vào năm 2007.

Trong 16 năm qua, Rafah là con đường duy nhất để hầu hết người Palestine ra vào Gaza. Trong 7 tháng đầu của cuộc chiến Israel-Hamas, đây cũng là tuyến đường duy nhất có thể di tản y tế và là điểm vào chính cho viện trợ nhân đạo đang rất cần thiết.

Israel đã chiếm Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, những vùng lãnh thổ mà người Palestine muốn có cho quốc gia của riêng họ. Tel Aviv đã rút binh lính và người định cư khỏi Gaza vào năm 2005 nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát không phận, bờ biển và tất cả các cửa khẩu biên giới của lãnh thổ này ngoại trừ Rafah.

Do vậy, Hamas đến nay vẫn kiên quyết từ chối bất kỳ sự hiện diện nào của Israel tại hành lang Philadelphi và hành lang Netzarim, một khu vực do Israel phân chia tách phía bắc và phía nam Gaza.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

(CLO) Một tháng rưỡi sau cuộc tấn công vào khu vực Kursk phía tây nước Nga, Ukraine phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc nên triển khai lực lượng hạn chế của mình ở đâu. Bởi Nga bắt đầu phản công tại Kursk trong khi vẫn tiến quân mạnh mẽ ở mặt trận phía đông Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

(CLO) Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Tiêu điểm Quốc tế
Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.

Tiêu điểm Quốc tế
Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024: Các cuộc tranh luận có làm thay đổi quyết định của cử tri không?

Bầu cử Mỹ 2024: Các cuộc tranh luận có làm thay đổi quyết định của cử tri không?

(CLO) Các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa vẫn gần như ngang bằng trước thời điểm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ hôm 10/9 diễn ra.

Tiêu điểm Quốc tế