Hành trình tự hào của nền giáo dục Việt Nam mới và những thách thức đặt ra phía trước

Thứ hai, 02/09/2024 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những bậc tiền bối cách mạng Việt Nam đã đặt nền móng xây dựng nền giáo dục nước ta ngay sau khi giành được độc lập với tôn chỉ “phụng sự lý tưởng quốc gia”. Từ một dân tộc với 95% người dân mù chữ nay giáo dục Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, có chỗ đứng vững chắc trong các kỳ thi quốc tế, bảng xếp hạng toàn cầu và nay đang trên hành trình phấn đấu đưa “dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái” – như lời Bác Hồ căn dặn.

Đơm hoa kết trái từ trong gian khó

Đối với giáo dục, cách mạng tháng Tám thành công đã đặt dấu mốc đánh dấu chấm dứt nền giáo dục thực dân chuyển sang xây dựng nền giáo dục với nguyên tắc: “dân chủ, dân tộc, khoa học và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia”.

Nền giáo dục sau cách mạng tháng Tám mà các bậc tiền bối cách mạng nước ta muốn xây dựng đã mang những triết lý và hơi thở thời đại mới. Nền giáo dục đó hướng tới phát huy tinh thần dân tộc khác hẳn nền giáo dục dưới chế độ thực dân. Trước kia, chế độ thống trị thực dân muốn cho dân ta quên cội rễ và không thể phát triển được những khả năng đặc biệt của nòi giống, đã áp dụng chính sách đồng hóa trong việc giáo dục, mong cho dân ta thành một lũ vong bản, quên cả tổ tiên anh dũng, quên cả lịch sử vẻ vang, cam tâm làm nô lệ. Trong khi, nền giáo dục mới của những nhà cách mạng, những trí thức Việt Nam yêu nước muốn kiến tạo là xây dựng trên nguyên tắc dân tộc, một mặt mở mang những đặc tính, những năng lực của giống nòi, một mặt đào tạo nên tinh thần quốc gia mạnh mẽ sáng suốt, để quốc dân biết đem toàn lực phụng sự Tổ quốc.

Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

79 năm qua, trên hành trình phụng sự lý tưởng của Tổ quốc, Nhân dân, giáo dục Việt Nam luôn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách mà chắc chắn khủng khiếp nhất từ sự phá hoại trong hai cuộc chiến tranh do Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đem đến. Nhưng dù đối diện với thử thách khốc liệt đến nhường nào thì sự nghiệp xây dựng nền giáo dục Việt Nam mới vẫn được kiên trì thực hiện, giáo dục vẫn “nở hoa” ngay cả trong những năm tháng chiến tranh gian nguy nhất.

hanh trinh tu hao cua nen giao duc viet nam moi va nhung thach thuc dat ra phia truoc hinh 1

Hành trình phụng sự lý tưởng Tổ quốc, Nhân dân trong 79 năm qua của ngành giáo dục rất đỗi tự hào!

Câu chuyện về “cậu bé vàng” đầu tiên của Toán học Việt Nam - tiến sĩ Hoàng Lê Minh là một minh chứng sống động. Năm 1974, trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, Việt Nam lần đầu tham dự kỳ thi Toán quốc tế IMO và cũng là nước châu Á đầu tiên đi thi. Năm đó, đoàn Việt Nam có 5 thí sinh tham dự gồm có 4 thí sinh có huy chương, thí sinh Hoàng Lê Minh đoạt huy chương Vàng. Thành tích của học sinh Việt Nam được xác lập trong hoàn cảnh học tập ở lớp sơ tán tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên rất đỗi tự hào. Tất cả thí sinh phải ở nhờ nhà dân, trong đình chùa, ăn cơm độn với rau rừng nhưng đã đạt nhiều huy chương cho thấy học sinh Việt Nam không hề kém các bạn bè năm châu.

Đất nước thống nhất, giáo dục Việt Nam có điều kiện để phát triển tốt hơn. Hiện tượng “cậu bé vàng” Hoàng Lê Minh không còn hiếm. Trong 50 năm tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, có 288 học sinh Việt Nam tham gia và giành được 271 huy chương. Trong đó có 69 Huy chương Vàng. Tỷ lệ học sinh đoạt huy chương ở sân chơi toán học quốc tế đạt 94%. Với thành tích này, học sinh Việt Nam đứng thứ 8 trên toàn thế giới. Nếu tính 10 năm lại đây, số huy chương vàng của học sinh Việt Nam đạt được 23, xếp thứ 5 thế giới.

Mới đây nhất, năm 2024 đã chứng kiến những cột mốc vinh quang mới khi đoàn học sinh thi Olympic Hóa Học quốc tế Việt Nam xếp thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Olympic Hóa học quốc tế; Đoàn học sinh Olympic Sinh học Việt Nam đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ dự thi… Những thành tích vang dội như vậy đã khẳng định vị thế của học sinh Việt Nam trên đấu trường các kỳ thi quốc tế.

Không chỉ đối với giáo dục mũi nhọn mà giáo dục đại trà cũng có những bước tiến vững chắc. Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi về toán, đọc, khoa học, do OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) thực hiện đã xếp Việt Nam ở vị trí 34/81 quốc gia. Giáo dục đại học cũng có những bước tiến lớn, nhiều trường đại học nước ta có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế… Tất cả đều minh chứng về giá trị tốt đẹp từ nền giáo dục với nguyên tắc: “Dân chủ, dân tộc, khoa học và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia” mang lại.

Những thách thức phía trước

79 năm qua, khởi đầu của nền giáo dục với 95% người dân mù chữ, nay chúng ta đang hướng đến cho mục tiêu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025: “Kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước”.

Sự nghiệp “đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thống thái” chắc chắn đó phải là một quá trình lâu dài với sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều chuyên gia giáo dục đã phân tích, trong bối cảnh hiện nay, lợi thế cạnh tranh lớn nhất không phải tài nguyên, công nghệ mà là con người. Ai có nhân tài, sẽ nắm trong tay lợi thế cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới. Con người trong thời đại mới phải được giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) cơ bản. Bên cạnh đào tạo kiến thức và kỹ năng, cần tăng cường thực hành thực tập, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, trang bị tư duy tầm nhìn, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững... các giá trị nhân văn, giá trị truyền thống và sự hài hòa phải là bệ đỡ và nền tảng cho sự phát triển.

Đòi hỏi của thời đại đối với ngành giáo dục lớn như vậy, nhưng có một thực tế, muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như vậy thì khó kỳ vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi thực trạng giáo dục nước ta lại đang tồn tại nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, thiếu nguồn đầu tư cho giáo dục trong đó có giáo dục đại học, nhiều cơ chế chính sách còn trói buộc chưa giúp giáo dục đại học có thể cất cánh, trong khi đời sống của giáo viên còn thấp…

Trong 9 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong năm học mới 2024-2025 này có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các lĩnh vực mới như là công nghiệp chip bán dẫn, AI, hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam … Nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là việc làm của tương lai nữa mà là công việc cần phải làm ngay của ngành giáo dục. 

Hy vọng, với bản lĩnh vượt khó vươn lên, ngành giáo dục sẽ hoàn thành sứ mệnh “Đưa dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc Thông thái” – như lời Bác Hồ căn dặn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Hà Nam: Hàng vạn học sinh, trẻ em ở 32 trường, điểm trường nghỉ học để tránh lũ lụt

Hà Nam: Hàng vạn học sinh, trẻ em ở 32 trường, điểm trường nghỉ học để tránh lũ lụt

(CLO) Từ ngày 10/9 đến nay, hàng vạn học sinh, trẻ em mầm non ở 32 trường, điểm trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam phải tạm thời nghỉ học để tránh lũ lụt.

Giáo dục
Hải Phòng tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ 12/9 để bảo đảm an toàn

Hải Phòng tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ 12/9 để bảo đảm an toàn

(CLO) Ngành Giáo dục Hải Phòng vừa yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 12/9/2024 (thứ Năm) cho đến khi bảo đảm an toàn về thời tiết, giao thông, khắc phục thiệt hại sau bão.

Giáo dục
Phát động toàn ngành giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại trong bão số 3

Phát động toàn ngành giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại trong bão số 3

(CLO) Chiều 11/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.

Giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học thống kê thiệt hại do bão số 3

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học thống kê thiệt hại do bão số 3

(CLO) Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu, cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập.

Giáo dục
Cảnh giác với nguy cơ ngộ độc khí CO do sử dụng máy phát điện sau bão số 3

Cảnh giác với nguy cơ ngộ độc khí CO do sử dụng máy phát điện sau bão số 3

(CLO) Mới đây nhất, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện, 2 trường hợp nguy kịch.

Giáo dục