Đoàn dâng hương tại Nhà trưng bày HNBVN (Ảnh: Sơn Hải)
Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, lãnh đạo các cơ quan thuộc Hội; lãnh đạo Hội Nhà báo, các Liên chi hội, Chi hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, các cán bộ, nhân viên của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên và các em sinh viên Trường đại học Công nghệ Thái Nguyên. Cùng với đó là sự tham gia của lãnh đạo chính quyền xã Điềm Mặc.
Những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay sẽ giúp cho thế hệ hôm nay hiểu hơn về nguồn cội (Ảnh: Sơn Hải)
Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Tại đây, đoàn đã ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của Báo chí Cách mạng Việt Nam, của Hội Nhà báo Việt Nam; thăm Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay. Cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng bức ảnh lưu niệm cho Hội Nhà báo Việt Nam. Cũng tại chuyến hành hương và tại Địa điểm thành lập HNBVN, Cổng Thông tin điện tử HNBVN đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm tròn 1 năm thành lập ( từ 22/4/2017 đến 22/4/2018).
Đoàn đã đến thăm Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Thành lập HNBVN (Ảnh: Sơn Hải)
Tiếp đó, đoàn đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một nhà báo lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam tại Nhà tưởng niệm Người ở Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã bày tỏ lòng thành kính và báo công với Người về những thành tựu mà báo chí cách mạng nước nhà đã đạt được trong thời gian qua.
Đoàn viên, thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam tham gia dọn dẹp vệ sinh và tôn tạo Bia di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc (Ảnh: Mai Vũ)
Phát biểu tại hành trình về nguồn, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định:
"Chúng ta đều hết sức xúc động khi có mặt tại đây, một địa điểm đặc biệt và ý nghĩa đối với hội viên – nhà báo bởi đây là nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam cách đây 68 năm. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ngồi đây cũng như những người làm báo, gồm hơn 22.000 hội viên cả nước đều cảm thấy tự hào, may mắn khi được đứng trong hàng ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, được làm việc trong cơ quan Trung ương HNBVN... Đó là tình cảm và động lực để chúng ta sẽ tiếp tục cùng với người làm báo cả nước bồi đắp thêm những truyền thống hết sức tốt đẹp, vẻ vang của báo chí Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam".
Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực HNBVN viết cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Sơn Hải)
Chiều cùng ngày, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, một trong những doanh nghiệp lớn có trụ sở tại thành phố Thái Nguyên.Doanh thu của công ty bình quân hàng năm đạt từ 18 đến 20 ngàn tỷ đồng, nộp Ngân sách cho nhà nước từ 450 đến 500 tỷ đồng/ năm. Sau đó Hội Nhà báo Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên đó cuộc giao lưu bóng đá thân tình, hữu nghị…
Hội Nhà báo Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên có cuộc giao lưu bóng đá thân tình, hữu nghị… (Ảnh:Sơn Hải)
Có thể nói rằng, cuộc hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập HNBVN mang nhiều ý nghĩa, không chỉ là dịp để chúng ta nhớ về nguồn cội, biết ơn và trân trọng quá khứ mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay, từ đó tạo động lực để nhà báo – hội viên tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngày 21/4/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất - sự kiện ghi mốc son trong sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam… Từ 300 hội viên sau khi được thành lập Hội tại xã Điềm Mặc, hiện nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có 287 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội với hơn 22.000 hội viên. Có thể nói rằng, dù đã 68 năm trôi qua, trải qua nhiều kỳ đại hội nhưng ngày 21/4 lịch sử này vẫn là dấu ấn không thể nào quên của những người làm báo. Đó là mốc son khẳng định vị trí quan trọng của giới báo chí nước nhà những năm tháng chiến tranh. |
Hà Vân