Hành trình về thăm 2 Nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc và Tân Ấp

Thứ sáu, 20/07/2018 20:15 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong 2 ngày 7 và 8/7/2018, tôi cùng anh Nguyễn Bá Thơm, Trưởng ban liên lạc Ban Xây dựng 67 xuất phát từ Đồng Hới để đến thăm 2 địa điểm ghi dấu ấn lịch sử là nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc và nghĩa trang liệt sĩ TNXP Tân Ấp.

Nghĩa trang Đông Dương- Thọ Lộc

Nghĩa trang Thọ Lộc còn gọi là nghĩa trang Đông Dương. Sở dĩ gọi là nghĩa trang Thọ Lộc vì nghĩa trang tọa lạc trên một đồi thông, ven quốc lộ 2B, tại thôn Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi an nghỉ của gần 700 liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ công nhân viên ngành giao thông và dân công hỏa tuyến trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Còn người dân địa phương quen gọi là nghĩa trang Đông Dương- có vẻ đúng hơn. Bởi lẽ, rất nhiều liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh ở bên đất bạn Lào, Campuchia trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đều được quy tập về nghĩa trang này... Quả là cách gọi tên “nghĩa trang Đông Dương” của người dân rất sâu sắc, thâm thúy!

Từ cổng chính thẳng vào nghĩa trang- ngay phía ngoài là ngôi đền thờ được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc truyền thống dân gian rất gần gũi. Đền thờ là nơi dâng hương, dâng hoa theo nghi thức quốc gia cho anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang này. 

 

Báo Công luận
 

 

Đây là nơi an nghỉ của các liệt sĩ là con em của 25 tỉnh, thành phố hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Do nhiều lý do khác nhau mà đến nay một số liệt sĩ vẫn “chưa biết tên” hoặc chưa tìm ra gia đình, quê hương bản quán... Việc các anh, các chị được quy tụ về đây để hòa vào mảnh đất đã từng cưu mang đơn vị trong những năm chiến tranh thật là điều đáng quý và thiêng liêng.

Những ngôi mộ thẳng hàng cùng hướng về tượng đài Tổ quốc ghi công. Dưới những tán cây xanh, tượng trưng cho những cánh rừng đã che chở các anh, các chị năm xưa- thật yên lòng! Ban liên lạc cựu cán bộ công nhân viên Ban 67 Thanh niên xung phong có sáng kiến trồng cây ăn quả và các loại hoa, đặc biệt là hoa hồng- tượng trưng cho ý nghĩa “ăn quả nhớ người trồng cây”. Hy vọng rằng, hàng trăm cây bưởi năm roi, vú sữa, nhãn, xoài... rồi đây sẽ sum suê, xanh tốt, đơm hoa kết trái như ý tưởng của những người thành tâm. Hàng trăm khóm hoa hồng được trồng lâu nay, sẽ là những bó hoa thơm ngát của thân nhân các gia đình liệt sĩ mỗi lần đến viếng các anh, các chị...

Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng thanh niên xung phong và 71 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay. Ban liên lạc cựu cán bộ, công nhân viên, Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến Ban 67 anh hùng- đã khởi công xây dựng tòa nhà công vụ của nghĩa trang do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) công đức cho nghĩa trang. Đây là nghĩa cử rất đáng ghi nhận và lưu danh của đồng bào địa phương đối với các anh hùng liệt sĩ...

Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Tân Ấp

Đúng 5 giờ sáng ngày 8/7/2018, tài xế của chiếc xe tải 1 tấn rưỡi đã đến gọi chúng tôi theo hẹn. Anh Nguyễn Bá Thơm - Trưởng ban liên lạc cựu thanh niên xung phong (TNXP) Ban 67 cùng tôi rời Cự Nẫm theo xe lên đường ra nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong Tân Ấp.

Xe bon bon trên đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn thẳng ra phía Bắc. Phải nói là suốt chặng đường hơn 100 cây số phong cảnh núi non hùng vĩ của miền Tây Quảng Bình làm cho mỗi người đều vô cùng cảm xúc về giang sơn gấm vóc của Tổ quốc. 

Có thể nói, không thể có một họa sỹ tài danh nào có thể vẽ được bức tranh hoành tráng và hùng vĩ đến thế này. Những “Hạ Long khổng lồ” cứ trùng trùng, điệp điệp suốt chiều dài hơn 100 cây số dọc hai bên đường. Tổ quốc ta giàu và đẹp quá! Giá như những ngọn đồi, quả núi hùng vĩ kia cứ giữ mãi màu xanh nguyên thủy, đừng bị “cạo trọc”, đừng bị đào bới thì tốt biết mấy!

Dừng xe tại ngã ba khe Ve - đường lên cửa khẩu Cha Lo để chụp ảnh tấm bia di tích lịch sử quốc gia. Cảm xúc lâng lâng tự hào về giang sơn gấm vóc của Tổ quốc... bỗng bị chùng xuống bởi tấm bia khắc ghi một di tích lịch sử quốc gia mà bị nham nhở xiêu vẹo trông rất phản cảm. Càng đau lòng hơn khi người ta đang tâm san cả một quả núi để làm trạm xăng!

9 giờ sáng xe đã đến điểm cần đến. Chiếc biển báo giao thông màu xanh chỉ rõ mũi tên nghĩa trang “Liệt sỹ thanh niên xung phong di tích cấp quốc gia”. Xe rẽ vào gần 200m là nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn Tân Ấp thuộc xã Hương Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Báo Công luận
Di tích LSQG nham nhở xiêu vẹo 

 

Nghĩa trang Tân Ấp tọa lạc dưới chân một quả đồi, cây cối xanh tươi. Đây là nơi an nghỉ của 324 liệt sỹ thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước. Nhìn những tấm bia mộ ghi năm sinh của các anh, các chị liệt sĩ là 1946-1947 hy sinh vào những năm 1965-1966 và những chị, những anh sinh năm 1953-1954 và họ hy sinh những năm 1970,1971,1972 - Họ đã hóa thân vào lòng đất mẹ và mãi mãi tuổi 20.

Tân Ấp - nơi tôi đang đứng đây là nơi bắt đầu của dãy Hoành Sơn hùng vĩ chạy thẳng ra biển Đông. Với chiều dài khoảng 50km - Hoành Sơn là bức tường thành vững chãi, là "long mạch” của đất nước, là địa danh huyền thoại và là kết cấu địa tầng vật lý kỳ diệu của lãnh thổ đất nước Việt Nam!

Ga Tân Ấp là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh. Khu vực này có đường 15 (nay là đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn Đông) chạy song song với đường sắt xuyên Việt. 

Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn khởi điểm từ ngã ba Tân Kỳ Nghệ An chạy suốt vào đến Quảng Bình để rồi rẽ sang đường 12, đường 20 Quyết Thắng và nhiều nhánh đường khác để sang đường Hồ Chí Minh - Tây Trường Sơn thuộc lãnh thổ nước bạn Lào.

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là một chiến lược, sách lược huyền thoại trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Lào và Campuchia. Con đường huyền thoại này là"động mạch chủ” của mạch máu giao thông trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Suốt từ năm 1965 đến năm 1972, không quân và hải quân Mỹ đã trút vào cung đường này hàng triệu tấn bom đạn nhằm phá hủy và chặn đứng sự chi viện sức người và vũ khí, khí tài quân trang, quân dụng của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt! Hãy cứ hình dung, mỗi km của tuyến đường này phải hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn của Mỹ. Những loại vũ khí tối tân nhất lúc bây giờ đều được Mỹ “ưu tiên” cho tuyến đường này như bom từ trường, bom bi, bom sát thương, bom phá, bom tấn kể cả bom la-de.

Đường giao thông “giặc cứ phá ta cứ làm”. Vì đường không thông thì xe ô tô không thể đi được. Những đoàn xe chở bộ đội, chở vũ khí hằng ngày, hằng giờ thẳng ra chiến trường. Giao thông phải thông suốt đó là mệnh lệnh, là lương tâm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lớp lớp thanh niên tuổi 18, 20 lần lượt lên đường tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong. Đợt đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là năm 1965. Sau đó bổ sung liên tục từ các tỉnh thành phố trong cả nước. Suốt thời kỳ từ 1965 đến 1972 có 10 vạn lượt Thanh niên xung phong trực tiếp phục vụ tại tuyến đường Đông Trường Sơn - Hồ Chí Minh!

Báo Công luận
 

 

Bác Đinh Tân Tiến (1946) - Chủ tịch hội Cựu Thanh niên xung phong xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: bác vào lực lượng thanh niên xung phong năm 1965. Sau ba năm đối diện với bom đạn và cái chết ở tuyến đường khói lửa này, bác được cử đi học Đại học Hàng hải ở Hải Phòng vào năm 1969. Còn bác quản trang Nghĩa trang Tân Ấp tên là Trương Đình Lương (1946), tham gia lực lượng Thanh niên xung phong cũng vào năm 1965. Sau ba năm hoàn thành nhiệm vụ, bác được cử đi học ngành Vỏ tàu của trường Đại học Hàng hải. Sau đó bác lại chuyển về làm lái xe của ngành Lâm nghiệp Quảng Bình cho đến khi về hưu. Nhớ thương những đồng đội, những chàng trai cô gái tuổi 18, 20 năm xưa, bác tình nguyện xin làm quản trang cho Nghĩa trang này.

Ngồi trò chuyện với hai bác, người viết những dòng này giàn giụa nước mắt bởi sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong, cũng như các bác - những người may mắn còn sống, để ngày nay được chăm lo phần mộ của đồng đội mình....

Biết ơn, chăm lo cho gia đình thương binh liệt sỹ đó là bổn phận của từng công dân. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho lực lượng thanh niên xung phong qua các thời kỳ, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà một số trường hợp vẫn còn bị thiệt thòi. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các ngành hữu quan để chăm lo cho thương binh và gia đình liệt sỹ. Ngoài ra, cần đưa vào sách giáo khoa để nhắc nhở cho muôn đời con cháu mai sau về lực lượng Thanh niên xung phong, để họ biết ơn và tự hào về cha ông họ đã từng có những thế hệ xả thân, hy sinh cống hiến vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Đón đọc kỳ 5: Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn và Huyền thoại 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc

Bài và ảnh: Trần Thúc Hoàng

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương