"Hát giữa gió mưa" gọi yêu thương ở lại!

Thứ bảy, 24/10/2020 19:22 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sân khấu dập dềnh con nước, khán giả là những phận người lao đao giữa vòng xoáy thiên tai nhưng vẫn lấp lánh tin yêu. Lời ca là một gói mì tôm, một bao gạo, một cây cầu gẫy, một đoạn đường sạt lở hòa quyện với điệu nhạc là suối nguồn yêu thương chảy tràn đất mẹ Miền Trung.

Ca sỹ Thủy Tiên được ví như cô Tiên xuất hiện ở tâm lũ Miền Trung hỗ trợ đồng bào. Ảnh: FB nhân vật.

Ca sỹ Thủy Tiên được ví như cô Tiên xuất hiện ở tâm lũ Miền Trung hỗ trợ đồng bào. Ảnh: FB nhân vật.

1. "Hát giữa gió mưa" là tên một bài thơ vừa được sáng tác bởi nhà thơ Thanh Thảo. Tác giả của nó đã đề tặng ca sỹ Thủy Tiên với lòng cảm phục. Bài thơ gây xúc động mạnh mẽ đối với nhiều người.

"như chiếc lá xoáy trong vùng lũ dữ

người ca sỹ ấy

hát giữa gió mưa

hát với bèo bọt

hát cho những người cùng khổ"

(Trích đoạn bài thơ: Hát giữa gió mưa của Thanh Thảo)

Thi ca với quyền năng đặc biệt của nó đã dựng một chiếc “sân khấu nghệ thuật” giữa tâm lũ, biến Thủy Tiên thành một... Diva. Không có Pop Ballad hào nhoáng, sang trọng dưới những ánh đèn, sân khấu dập dềnh con nước, khán giả là những phận người lênh đênh giữa vòng xoáy thiên tai nhưng vẫn lấp lánh tin yêu. Lời ca là một gói mì tôm, một bao gạo, một cây cầu gẫy, một đoạn đường sạt lở hòa quyện với điệu nhạc là suối nguồn yêu thương chảy tràn đất mẹ miền Trung.

Không chỉ có Thủy Tiên và câu chuyện trăm tỷ lấp lánh yêu thương giữa miền Trung bão lũ, tuần qua, hàng trăm nghệ sỹ, thông qua hình ảnh, thương hiệu của mình đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, khơi dậy những trái tim yêu thương cùng sẻ chia với đồng bào. Những Trấn Thành, Thanh Lam, Bằng Kiều, Trọng Tấn, Hồng Nhung, NSND Hoàng Dũng, Việt Anh, Thụy Vân… hoặc tổ chức đêm nhạc, hoặc trực tiếp kêu gọi ủng hộ qua trang cá nhân đã huy động được nhiều tỷ đồng hướng về dải  đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Họ dường như đã tạm dừng đóng phim, quay MV ca nhạc hay đại diện thương hiệu, nhãn hàng; không còn nói chuyện cát-xê, thu nhập để đi tìm lẽ sống đích thực của một nghệ sĩ với sứ mệnh làm đẹp cho đời theo cả hai nghĩa.

Người ta không thấy xe sang, nhà đẹp, váy đính kim cương, vương miện, hột xoàn gắn với thị phi, tuần qua, Showbiz Việt ngập tràn yêu thương, chia sẻ. Nghệ sỹ Việt đã cất tiếng hát từ trái tim để chạm tới những trái tim. Họ thực sự là sứ giả nhân ái.

Đêm nhạc

Đêm nhạc "Thương về Miền Trung" được tổ chức đêm 22/10 tại TP. Hồ Chí Minh quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng. Ảnh: TL

2. Trở lại với câu chuyện “thần tiên” của ca sĩ Thủy Tiên. Cuối cùng thì những ồn ào thị phi xung quanh việc huy động cả trăm tỷ ủng hộ đồng bào của cô cũng qua đi, còn lại sau cơn lũ chỉ là những yêu thương. Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng lũ miền Trung kịp thời và cũng lặn lội đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ là đáng hoan nghênh, trân trọng. Việc làm của nữ ca sỹ này không vi phạm Nghị định 64 của Chính phủ.

Đặc biệt, mới nhất, ngày 23/10, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng nghị định để thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trình Chính phủ.

Cũng trong sáng 24/10, làm việc với các tỉnh Miền Trung và thăm bà con vùng bị ảnh hưởng bão lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu các địa phương phải giải quyết tốt hơn nữa vấn đề cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, không được gây khó khăn cho họ. Đồng thời biểu dương tinh thần của các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho người dân Miền Trung, bởi "đi trên đường thấy cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ".

3. Rõ ràng, câu chuyện kêu gọi hỗ trợ đồng bào Miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên đã trở thành một “hiện tượng xã hội” và có ảnh hưởng đến việc thay đổi thói quen, nếp nghĩ, tư duy của xã hội trong hoạt động từ thiện. Rồi đây nó sẽ phải thay đổi bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để yêu thương được lan tỏa, chảy tràn mạnh mẽ hơn nữa trong huyết quản của một dân tộc được sinh ra từ “cái bọc trăm trứng”, từ hai tiếng thiêng liêng đồng bào.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn gọi các hoạt động nhân đạo, từ thiện là hoạt động "xã hội từ thiện". Nghĩa là không có chuyện "độc quyền" từ thiện từ nhà nước. Vấn đề là Nhà nước cần có hành lang pháp lý đầy đủ để người làm từ thiện được thực hiện công việc đầy ý nghĩa này đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Cuộc chống chọi với thiên tai của người dân dải đất như “đòn gánh cong hai đầu” sẽ còn kéo dài. Khi chưa thể “bắt mạch”“điều trị” được thảm họa thiên nhiên thì những tiếng hát từ trái tim nghệ sỹ sẽ như là liều thuốc giảm đau kịp thời.

Nghệ sỹ nếu không lay động trước nỗi đau của đồng bào mình, làm sao có thể “hát cho đồng bào tôi nghe”. Người của công chúng không thể đứng bên lề nỗi đau của công chúng.

Như ví von của nhà thơ Thanh Thảo:

"một người ca sĩ

không chỉ hát mà còn biết khóc

biết cái gì quý nhất trên đời

một buổi sáng tâm hồn xanh màu trời".

(Trích đoạn bài thơ: Hát giữa gió mưa của Thanh Thảo)

Showbiz hay quen gọi là làng giải trí hào nhoáng luôn đi liền với thị phi. Sân khấu và cuộc đời luôn tồn tại một khoảng cách nhất định. Nhưng khi nghệ sỹ đã biến sân khấu thành cuộc đời, biết hát bằng cả trái tim giữa mùa nước lũ nghĩa là họ đang có một tấm lòng để… gió cuốn đi, để lũ cuốn đi còn tình người ở lại.

Quang Duy

Tin khác

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn
Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

Kiểm soát nguy cơ lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội để gian lận

(NB&CL) Theo dự kiến, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024) tới đây. Đây là dự án Luật được đánh giá có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau.

Góc nhìn