Hát xoan Phú Thọ là di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO năm 2011. Sau 6 năm thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Đây là di sản thuộc lại hình nghệ thuật trình diễn bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Hát xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Những người lưu giữ và thực hành hình thành nên bốn phường xoan, trong đó, trùm nam và nữ đóng vai trò quan trọng nhất: họ giữ gìn các bài hát, lựa chọn đệ tử, truyền dạy phong cách hát và các tiết mục và tổ chức thực hành. Họ cũng tích cực giới thiệu và giảng dạy hát xoan tại các phường xoan và trong các câu lạc bộ.
Là một hình thức nghệ thuật trình diễn cộng đồng, hát xoan cung cấp cho cư dân tỉnh Phú Thọ cảm giác gắn kết, hoà hợp, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện sự kế tục của di sản qua việc kết nối di sản sống với nhu cầu thực hành ngày nay. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn tồn tại như sự đe doạ từ việc đồng nhất các buổi biểu diễn; những người trẻ tuổi vẫn rời bỏ làng nghề để tìm kiếm việc làm và học tập nên mất đi cơ hội để thực hành.
Trình diễn Hát xoan Phú Thọ. Ảnh minh hoạ
Dự án bảo vệ và phát huy Hát Xoan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thực hiện từ năm 2013 và sẽ được tiếp tục cho đến năm 2020, đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng.
Đây là lần đầu tiên, Uỷ ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình xem xét của Uỷ ban về đề nghị này của Việt Nam, Uỷ ban sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo hướng dẫn và xác định các thủ tục rõ ràng để rút một di sản ra khỏi danh sách và đưa một di sản từ danh sách này sang danh sách khác.
Cùng với đó, Uỷ ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện mà cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản như đã được đề cập trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2011 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016.
Bích Việt