(NB&CL) Năm 2005, sau khi được UBND huyện Tri Tôn ra Quyết định giải tỏa, bồi hoàn đất để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ N1, ông Mùi đứng ra kê khai xin cấp GCN QSDĐ cho phần đất còn lại (nằm giữa phần đất trên và phần đất của ông đã chuyển nhượng cho UBND xã Vĩnh Gia làm tuyến dân cư vượt lũ), nhưng đến nay không được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vì phát sinh tranh chấp. Ông Mùi cho biết, đã hơn 10 năm qua, các cấp chính quyền huyện Tri Tôn vẫn “đá bóng” trách nhiệm hòa giải theo kiểu “vận động” khiến ông và các hộ dân phải khổ sở trăm bề!
Nguồn gốc tranh chấp
Liên quan đến phần đất đang tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn Mùi (SN 1951, ngụ ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn - An Giang) với một số hộ dân khác được xác định nguồn gốc do ông Mai Văn Muốn khai mở sản xuất nông nghiệp từ trước giải phóng với diện tích hơn 2,25 ha (cặp lộ Vĩnh Gia - lúc này chỉ là đường mòn rộng 2m, sau này là tỉnh lộ 55A rồi nâng cấp thành Quốc lộ N1). Năm 1978, ông Muốn chia lại cho 2 người con, trong đó có bà Mai Thị Lực (khoảng 4 công tầm cắt) là vợ ông Mùi.
Năm 1998, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tôn nền tuyến dân cư vượt lũ, UBND xã Vĩnh Gia đã thỏa thuận sang nhượng 2.282,3m2 đất của ông Nguyễn Văn Mùi (đất được ba vợ cho) để làm tuyến dân cư. Phần đất chuyển nhượng trên là đất ruộng, nằm cách tim lộ 30,5m (hành lang lộ giới), được phân bổ cho 6 hộ dân. Tuy nhiên, trong năm 1998, chỉ có hộ ông Mai Văn Ly cất nhà ở, còn lại bỏ trống. Từ năm 2003 trở đi, những hộ không cất nhà lần lượt sang nhượng nền cho bà Trần Thị Luyến, bà Nguyễn Thị Nhẫn, bà Huỳnh Thị Sạn, ông Mai Văn Hoàng và ông Mai Văn Nhánh.
[caption id="attachment_125349" align="aligncenter" width="628"]
Ông Mùi trên phần đất một thập kỷ giải quyết khiếu nại chưa xong![/caption]
Năm 2004, khi Quốc lộ N1 được nâng cấp, mở rộng thêm 11,5m hướng vào đất ruộng, ông Mùi đã kê khai phần diện tích mở rộng này (922,1m2) và được UBND huyện Tri Tôn ra Quyết định (QĐ) số 1818/QĐ.UB ngày 28/9/2005 hỗ trợ đền bù với giá 12.000đ/m2.
Ông Mùi cho biết, phần đất ông được đền bù và phần đất còn lại tính từ cột mốc lộ giới vào đến trước phần đất của 6 hộ dân trên tuyến dân cư (khoảng 19m) là do ông khai phá từ năm 1985. Do vậy, sau khi UBND huyện Tri Tôn đền bù phần đất cặp lộ, ông Mùi đã cắm cọc và rào lưới B40 để bảo vệ phần đất còn lại của mình, đồng thời làm đơn xin UBND huyện công nhận phần đất trên. Trong quá trình chờ giải quyết, năm 2006, ông Mùi dời nhà từ mé sông lên cất trên phần đất trước đất bà Nguyễn Thị Nhẫn. Lúc này, do các hộ phía sau nhà ông Mùi không có lối ra nên phát sinh tranh chấp.
Hơn 10 năm vẫn nhiều khuất tất, bất cập
Ngày 12/2/2009, UBND huyện Tri Tôn ban hành QĐ số 659/QĐ-UBND, bác yêu cầu xin được công nhận đất của ông Mùi, với lý do đất nằm trong hành lang lộ giới. Tuy nhiên, không hiểu do đâu, mãi đến hơn 3 năm sau, ngày 15/5/2012, Thanh tra huyện Tri Tôn mới tống đạt QĐ trên cho ông Mùi?! Ngay sau đó, ông Mùi khởi kiện QĐ trên nhưng hai cấp Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn và tỉnh An Giang đều đình chỉ giải quyết do hết thời hiệu khởi kiện.
Ông Mùi tiếp tục khiếu nại. Ngày 23/9/2013, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 3783/TDTW yêu cầu UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Ngày 17/6/2014, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn đã ra QĐ số 2402/QĐ-UBND thu hồi và bãi bỏ QĐ 659 với lý do “… chưa phù hợp với quy định của pháp luật, do có phát sinh tình tiết mới…”.
Những tưởng, sau khi thu hồi QĐ trên, UBND huyện sẽ nhanh chóng xác minh lại vụ việc và xử lý dứt điểm, tuy nhiên kể từ đây, cách giải quyết của chính quyền huyện Tri Tôn lại bộc lộ hàng loạt khuất tất, bất cập, thậm chí “mờ ám” gây bất bình trong dân và dư luận.
Theo đó, cũng như từ năm 2006 đến nay, trong các buổi làm việc với lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng huyện Tri Tôn, ông Mùi đều bị “vận động” hiến 10m (ngang) đất để làm lối đi công cộng cho 6 hộ dân trên. Đáng nói, vị trí hiến đất lại nằm ngay nhà ông Mùi đang ở.
Ông Mùi bức xúc: “Đất tôi khai mở, có nhân chứng xác nhận, trong đó phần đất mặt tiền cặp lộ đã được chính quyền công nhận và đền bù, phía hậu thì UBND xã đã sang nhượng của tôi để làm tuyến dân cư… Vậy hà cớ gì phần giữa đất của tôi lại không được công nhận? Nếu không phải đất của tôi thì tại sao từ huyện tới xã lại vận động tôi hiến đất? Đất của tôi thì các hộ dân phải thương lượng chuyển nhượng lại như bao người khác, hoặc Nhà nước thu hồi và đền bù như quy định của pháp luật chứ! Làm vậy là ép tôi quá!...”.
Ngày 27/10/2015, UBND huyện Tri Tôn đã có Công văn số 1017/VP-NC (CV 1017) giao Thanh tra huyện chủ trì phối hợp Phòng TN-MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND xã Vĩnh Gia xử lý hành vi ông Mùi bao chiếm đất công, xây dựng trái phép và tranh chấp đất với 6 hộ dân… CV 1017 cũng ghi hướng xử lý “vận động ông Mùi để lại phần đất ngang từ 6-10m… làm lối đi công cộng” và “Trường hợp ông Mùi không đồng ý thì xã Vĩnh Gia tiến hành hòa giải tranh chấp và hướng dẫn làm đơn gửi Tòa án (Phần đất chưa bồi hoàn không có cơ sở xác định là đất công)”.
“Như vậy, ngay cả UBND huyện lúc này cũng thừa nhận đất tôi xin cấp Giấy chứng nhận đã “không có cơ sở xác định là đất công” - Vậy, UBND huyện dựa vào đâu để vận động tôi hiến đất? Còn đơn của bà Nhẫn cũng bị Tòa án huyện trả về từ tháng 3/2015 vì theo Tòa thì thẩm quyền giải quyết thuộc UBND huyện rồi còn gì!...”, ông Mùi phân tích.
Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nguyên Pháp – Phùng Hiệu