Thời gian qua xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam có vui, nhưng vui chưa nhiều, điệp khúc được mùa mất giá liên tiếp xảy ra. Chúng ta phải giải cứu hết lợn, gà, dưa, chuối..., bởi sản xuất nông nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường, tiêu dùng, nên chuỗi giá trị chưa phát huy tác dụng.
Chính sách của chúng ta đứt đoạn. Chúng ta mới quan tâm nhiều cho khâu hỗ trợ sản xuất, chưa gắn với quyết định để thúc đẩy sản xuất, nông nghiệp ở khâu bảo quản, tiêu thụ...
Để tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ57) thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với rất nhiều điểm mới.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN và phát triển DN, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với quan điểm là giảm thủ tục “chính là hỗ trợ tiền” cho DN.
Cụ thể như: doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại điều 55 luật Đất đai, được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp thuộc diện khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Các thủ tục trước đây đã được cắt giảm gồm 03 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, cấp phép quy hoạch, cấp phép thẩm định thiết kế), giảm 01 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, giảm 01 thủ tục về thẩm tra công nghệ; các thủ tục còn lại cho phép thực hiện lồng ghép, nội dung trong từng bước thực hiện cũng được quy định minh bạch và đơn giản hơn.
ernetDN đặc biệt được ưu đãi từ chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp để đào tạo nghề cho lao động. Nguồn ảnh minh hoạ inttrnet
Về hỗ trợ tín dụng đầu tư, Nghị định cũng tạo thuận lợi cho địa phương về hành lang pháp lý khi hỗ trợ DN vay tín dụng thực hiện các dự án nông nghiệp. Nghị định mới cũng đề cập đến vấn đề hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; hỗ trợ trực tiếp một số sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia…
Chính sách khuyến khích cũng cho thấy nhiều sự đổi mới hơn: DN đầu tư vào dự án nông nghiệp - nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư, tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, thời gian tối đa 8 năm.
Bên cạnh đó, DN đặc biệt được ưu đãi từ chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp để đào tạo nghề cho lao động, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/lao động trong thời gian 3 tháng. Đồng thời, DN này cũng được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia triển khai hội chợ trong nước, ngoài nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn phi nông nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai… Những đơn vị này áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt. Khi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là “bà đỡ” giúp nông nghiệp, nông thôn nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Hiện bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành rà soát để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, việc làm này sẽ tác động tốt đến các doanh nghiệp thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, lâu nay các chính sách ra đời đều cho thấy để có thể đưa vào thực tiễn hữu hiệu là khó khăn rất lớn, đòi hỏi một cơ chế vận hành và áp dụng linh hoạt, sự am hiểu của nhà quản lý lẫn người dân.
Nếu không, tình trạng "giải cứu" nông sản, hay khủng hoảng trong nghề chăn nuôi vẫn lặp lại mà không thể thiết lập giải pháp khơi thông dài hạn phục vụ cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.
Với mô hình nông dân góp ruộng cho doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, lợi ích nhiều mặt, tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, cần có những quy định để mối quan hệ này chặt chẽ hơn trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi bên.
Sự liên kết giữa các nhà như Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng) và nhà chế biến, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của nhà nước điều hành mối quan hệ này sẽ được thể hiện rõ hơn trong 2 dự luật về trồng trọt và chăn nuôi mà Quốc hội vừa ban hành./.
Bảo Anh