Mới đây, Giám đốc một doanh nghiệp tại KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng đã có đơn kêu oan gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan ngôn luận sau nhiều tháng bị tạm giam vì đối tác chuyển từ vụ kiện dân sự đòi tiền mua hàng sang tố cáo chiếm đoạt tiền mua hàng. Và cuối cùng là tố cáo chiếm đoạt 4.213.444 kg lúa mì (tương đương số tiền nợ 37.922.627.762 đồng).
Trong đơn kêu oan, Giám đốc Công ty TNHH Thái Nguyên I (KCN Bàu Xéo, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom - Đồng Nai) – ông Nguyễn Văn Sinh (SN: 1957) tường trình: Trong quá trình hoạt động, Cty Thái Nguyên I có quan hệ hợp tác, làm ăn với rất nhiều đối tác doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, cung cấp nguồn hàng lúa mì đầu vào, tiêu thụ lúa mì và thành phẩm bột mì, cám mì đầu ra. Riêng Cty TNHH Khâm Thiên (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu hợp tác mua bán từ năm 2012.
Về quy trình mua bán, ông Sinh trình bày: “Cty Khâm Thiên mua lúa mì từ một đơn vị nhập khẩu tại cảng và bán lại cho Cty Thái Nguyên I. Việc vận chuyển hàng từ cảng về kho của Cty Thái Nguyên I do Cty Khâm Thiên đảm nhận nhưng tất cả các chi phí phát sinh đều do Cty Thái Nguyên hoàn trả. Sau khi Cty Thái Nguyên I nhận hàng, Cty Khâm Thiên xuất các hóa đơn GTGT cho tất cả số lượng lúa mì đã giao, hai bên cùng nhau lập các Bảng đối chiếu công nợ để dựa vào đó Cty Thái Nguyên I thanh toán dần tiền mua lúa mì cho Cty Khâm Thiên, nếu chậm thanh toán sẽ phải trả thêm lãi. Trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán trong năm 2012 – 2013, tổng cộng các khoản nợ còn lại chưa tính lãi chậm trả mà Cty Thái Nguyên I phải thanh toán cho Cty Khâm Thiên tính đến ngày 19/5/2014 còn nợ 38.072.627.662 đồng. Từ năm 2012 – 2013, Cty Thái Nguyên 1 và Cty Khâm Thiên đã hoàn tất hàng chục hợp đồng theo quy trình này. Theo đó, Cty Thái Nguyên I khi thanh toán tiền, không thanh toán riêng cho bất cứ hợp đồng mua bán nào mà căn cứ vào số tiền còn nợ trong bảng đối chiếu công nợ để chuyển trả tiền theo khả năng thanh toán từng thời điểm. Và đối với việc thanh toán này, Cty Khâm Thiên cũng không thắc mắc hay khiếu nại gì, đồng thời vẫn tính lãi chậm thanh toán đối với khoản nợ còn lại và buộc Cty Thái Nguyên 1 phải trả số tiền lãi đó. Riêng năm 2013, giữa hai công ty đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng mua bán lúa mì khác nhau, chứ không chỉ có hợp đồng liên kết kinh doanh lúa mì. Cụ thể, theo các hợp đồng này, Cty Khâm Thiên đã giao hàng cho Cty Thái Nguyên I là 13.585.781kg lúa mì, trị giá 110.718.401.331đồng. Số hàng này Cty Khâm Thiên đã xuất hóa đơn GTGT, giao chứng từ cho Cty Thái Nguyên I và đối chiếu công nợ. Và số nợ 37.922.627.762 đồng chưa thanh toán là tổng công nợ còn lại trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán trong hai năm 2012-2013 tính đến ngày 22/11/2014 (nợ gốc là 28.287.706.323 đồng và các khoản chi phí, lãi, thuế…) chứ không phải là giá trị của số lượng hàng 4.213.444kg lúa mì theo hai Hợp đồng mua bán lúa mì số 63-13/HĐ-KT và số 71-13/HĐ-KT.
Cũng tại thời điểm này, Cty Thái Nguyên I gặp khó nên số tiền thu được từ bán hàng, Cty Thái Nguyên I ưu tiên dùng để chi trả lương cho người lao động, duy trì hoạt động nhà máy, thanh toán nợ cho các đối tác, trong đó có Cty Khâm Thiên (một phần Cty Khâm Thiên lấy cám mì để cấn trừ)… nên không thể thanh toán nợ đúng hạn như cam kết. Đó cũng chính là lý do khiến Cty Khâm Thiên căn cứ vào các bảng đối chiếu công nợ để khởi kiện Cty Thái Nguyên I ra TAND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để đòi 38.072.627.753 đồng cùng với lãi chậm trả vào năm 2014”.
Ông Sinh trình bày tiếp:
“Trong quá trình Tòa thụ lý giải quyết, Cty Khâm Thiên đã tự nguyện rút đơn kiện khi TAND huyện Trảng Bom đưa vụ án ra xét xử vào 5/9/2014, để Cty Thái Nguyên I có thêm thời gian để trả nợ. Sau khi TAND huyện Trảng Bom đình chỉ vụ án, Cty Thái Nguyên I đã chuyển trả cho Cty Khâm Thiên 150.000.000 đồng. Theo đó, số nợ còn lại là 37.922.627.762 đồng (ngày 22/11/2014). Cũng tại thời điểm này, Cty Thái Nguyên I đã đưa ra bảng cam kết trả nợ theo một lộ trình chi tiết, thế nhưng Cty Khâm Thiên bất ngờ chuyển vụ việc sang một hướng khác. Cụ thể, từ kiện ra tòa yêu cầu Cty Thái Nguyên I thanh toán 38.072.627.753 đồng tiền mua lúa mì chuyển sang tố giác tội phạm chiếm đoạt số tiền 38.072.627.753 đồng, sau đó chỉnh sửa lại còn 37.922.627.762 đồng. Và cuối cùng, tố cáo việc chiếm đoạt 4.213.444 kg lúa mì - tương đương 37.922.627.762 đồng (từ hành vi “giao nhận theo hợp đồng mua bán” chuyển thành hành vi “gửi giữ theo hợp đồng liên kết kinh doanh”), cho rằng doanh nghiệp đối tác “lợi dụng Hợp đồng liên kết kinh doanh lúa mì số 27-13/HĐ-KT ngày 10/01/2013, Hợp đồng mua bán lúa mì số 63-13/HĐ-KT ngày 05/07/2013 và số 71-13/HĐ-KT ngày 08/08/2013, lợi dụng sự tin tưởng của Cty Khâm Thiên giao hàng hóa gửi vào kho của Cty Thái Nguyên I, Giám đốc Cty Thái Nguyên I đã chiếm đoạt 4.213.444kg lúa mì, tương đương 37.922.627.762 đồng của Cty Khâm Thiên mang đi tiêu thụ. Số tiền thu được không thanh toán cho Cty Khâm Thiên mà sử dụng cho mục đích cá nhân dẫn đến không còn khả năng thanh toán. Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Giám đốc Cty Thái Nguyên I”.
Ở một diễn biến khác, sau khi ông Sinh bị tạm giam để điều tra, chị gái của ông Sinh đã tự nguyện giao toàn bộ tài sản nhà và đất của cha mẹ để lại cho Cty Khâm Thiên để cấn trừ nợ. Ngoài ra, con trai ông Sinh cũng xin bán căn nhà của mình để thanh toán nợ cho cha… Tổng giá trị tài sản ước tính trên 20 tỷ đồng.
Từ vụ việc trên có thể thấy, việc hình sự hóa các tranh chấp thương mại là một xu hướng không lành mạnh nhưng vẫn đang được nhiều doanh nghiệp chọn để thu hồi nhanh các khoản nợ phát sinh trong giao dịch hàng hóa. Trong tình hình đó, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu thận trọng, không làm hết trách nhiệm của mình thì thương trường quả thật là “đáng sợ” đối với những người làm kinh tế hiện nay.
Sau nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, hiện vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử. NB&CL sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến và thông tin đến bạn đọc.
Thanh Hải