Họa sĩ Bùi Văn Tuất: “Tôi vẽ chính tuổi thơ tôi”

Thứ năm, 29/11/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đầu tháng 12 tới, cuộc triển lãm tranh “Tuổi thơ như thế” của họa sĩ Bùi Văn Tuất sẽ được diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Sự kiện: hoạ sĩ

Đi ra từ làng

Bố mẹ của họa sĩ Bùi Văn Tuất đều là nông dân, nông dân đến nỗi, khi đẻ con ra, cứ theo cái lệ nôm na của xứ Đoài là lấy năm con giáp mà đặt tên. Vì năm ấy là Nhâm Tuất nên cậu bé được mang tên là Tuất.

Từ một cậu bé con nhà nông dân sinh ra ở chân núi Ba Vì trở thành một họa sĩ là hành trình không dễ dàng. Tuất kể, cấp ba anh được gia đình cho đi học trường nội trú. Cùng lớp của Tuất có một bạn cũng thích vẽ. Cả hai thường xuyên vẽ báo tường cho lớp. Đến năm lớp 11 thì cả hai cùng đạp xe đi tìm thầy học vẽ.

Tuất nói: “Ở chỗ em không có nhiều lựa chọn, nhiều khi chỉ đi mua giấy vẽ, mua bút chì phải đạp xe cả chục cây số. Đường khá đẹp nhưng là đường núi, lên xuống cũng khá mệt”.

Tuất may mắn gặp được một người thầy mà như anh nói: Đấy là người thầy của hàng trăm họa sĩ vùng Sơn Tây, Ba Vì. Hết cấp ba, Tuất đỗ một trường cao đẳng. Học xong cao đẳng, Tuất tiếp tục thi đỗ và theo học khoa Sư phạm, Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Đến xưởng vẽ của họa sĩ Bùi Văn Tuất, tôi thấy có hai mảng tranh được anh dành nhiều thời gian vẽ. Đó là phong cảnh sinh hoạt vùng miền núi phía Bắc và tranh nhân vật. Cũng có tác phẩm mà người ta thấy cả hai mảng này đều song hành cùng lúc.

Tranh phong cảnh, đời sống sinh hoạt miền núi phía Bắc được Bùi Văn Tuất dụng nhiều công. Một bếp lửa cháy âm ỉ, một khung liếp che hờ hững, những cái nồi niêu, ấm chậu đen đúa và cũ kỹ theo thời gian... một đàn gà liếp chiếp trên sân đất, một con chó già nằm phơi nắng lim dim nhìn lũ chó con nghịch ngợm, một vài con dao quắm gài trên vách... Tất cả những mảng tối, xám đều được Tuất đặc tả chi tiết. Chúng đối lập với mảng tường trình tường vàng nứt nẻ rực sáng trong nắng lạnh tạo ra một cảm xúc êm đềm nhưng cũng rất mãnh liệt, nhất là với những ai đã từng đi qua miền cao nguyên đá.

Báo Công luận
 Họa sĩ Bùi Văn Tuất

Trên nền khung cảnh ấy là những đứa trẻ. Những đứa trẻ vùng Tây Bắc với mái tóc xơ xác, lăn lê bò toài ra chơi với nhau trên cái sân toàn gà lợn. Tuất nói anh yêu những đứa trẻ vì chúng là những thiên thần tự do, không vụ lợi, không cảnh giác như người lớn. Chúng hồn nhiên như cây cỏ, ánh mắt trong trẻo, còn những cặp má thì phinh phính hồng rực, nứt nẻ vì thời tiết quanh năm giá lạnh.

Nội dung trong tranh phong cảnh, sinh hoạt của Tuất thường dễ bắt gặp trong đời sống, dễ cảm, dễ tiếp nhận. Tôi nói với họa sĩ Bùi Văn Tuất, nếu những bé gái trong tranh Tuất vẽ mà không mặc bộ váy Mông thì rất nhiều người sẽ thấy thân thuộc bởi nó chẳng khác nào khung cảnh của nông thôn Bắc Bộ cách đây độ 30 năm. Tuất cười tươi nói, những gì anh vẽ thật ra là chính anh dưới chân núi Ba Vì trong những ngày thơ ấu.

Điều này có thể hiểu được – Những gì trong tranh anh rất đẹp dung dị và chân thực bởi trong anh có một nửa dòng máu người Mông được thừa hưởng từ bố đẻ. Tranh của Bùi Văn Tuất đáng yêu, tích cực. Vẽ được trẻ con nhiều vì anh thích sự hồn nhiên, vì anh cứ sống tự nhiên, tích cực, không bị những điều tiêu cực gây khó chịu.

May mắn trong đời

Đến giờ, quan điểm tự do, yêu đời và chậm rãi trong sáng tác đã mang đến cho họa sĩ Bùi Văn Tuất nhiều thành công. Nhưng không phải là anh chưa từng gặp khó khăn trên con đường nghệ thuật.

Kể về thời mới vào nghề, Tuất nói: Hồi ấy rất vất vả. Nghề thì có nhiều cái nghiệt ngã. Cùng học cao đẳng với tôi những ngày ấy, hầu hết mọi người đã trở thành giáo viên hoặc công chức. Theo nghệ thuật không bao giờ dễ dàng, những người khác có thể vẫn theo nghệ thuật nhưng có thêm nhiều nguồn sống khác để sinh nhai. Thế nên người ta khó mà toàn tâm, toàn ý theo nghệ thuật. Gia đình Tuất thì không có điều kiện, nên ở tình thế “bị dồn vào chân tường” buộc Tuất dốc hết tâm sức theo nghề. Không còn cách nào khác.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất bảo, đến nay có một điều tự hào về bản thân là kể cả trong những lúc khó khăn nhất cũng không bị ai chi phối về việc vẽ như thế nào hay vẽ theo ý của ai. Không vì đồng tiền người ta đưa mình mà vẽ gì thì vẽ.

“Tôi may mắn gặp một người quen, cho nợ tới ba năm tiền nhà. Họ vỗ vai mình, “mày không có tiền thì tao lấy tranh của mày thôi”. Như vậy là người ta rất tin tưởng vào năng lực của mình. Đấy là những cơ may không dễ gì có được với bất cứ ai”.

“Lúc khó khăn vẫn có người giúp mình. Ví như nhiều galerry có giai đoạn không bán được tranh nhưng họ vẫn trả trước, tạm ứng cho mình, để mình có tiền sinh hoạt, nuôi vợ con”.

Tuất trầm ngâm nói với tôi: “Khoảng năm 2010, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng lớn đến những người vẽ tranh. Tranh không bán được, không có ai mua. Có những giai đoạn khó khăn đến mức, con còn nhỏ, vợ đi học nghề, chồng vừa bế con, vừa vẽ tranh. Có lúc thì phải đi vẽ thuê, vẽ tranh tường, vẽ cho các hàng quán để lấy “tiền tươi” còn có cái mua họa phẩm. Đấy là thời kỳ khó khăn nhất.

Thế nhưng, kể cả là vào thời kỳ thuận lợi, thời kỳ tranh bán được tốt thì Tuất cũng vẫn rất điềm đạm trước đồng tiền. Anh nói, “chắc là do tính mình. Bước đầu mình muốn tìm tòi, muốn vẽ làm sao để tranh tốt hơn chứ không chỉ là chuyện vẽ cho nhiều”.

Báo Công luận
Một tác phẩm của họa sĩ Bùi Văn Tuất. 

Bình thản và tự do trong sáng tạo

Sự lao động nghệ thuật của Tuất cũng có nhiều điều thú vị. Ví như để sinh hoạt ở Hà Nội, mỗi tháng cả nhà gồm vợ chồng con cái Tuất chi phí khoảng 20 triệu thì mỗi năm chỉ cần vẽ khoảng 20 bức là đủ. Năm tiếp theo nếu nhu cầu vẫn ở mức khoảng 20 triệu thì vẫn vẽ nhưng tăng cường chất lượng, giá trị bằng cách... vẽ ít đi. Số lượng tranh theo năm sau giảm xuống còn khoảng 16, 17 bức tranh. Nghĩa là chất lượng tranh tốt lên theo mỗi năm. “Mình ép mình vào lao động như vậy”, Tuất nói.

Giai đoạn cùng thời điểm những năm 2008 – 2010, có những người bạn kiếm cả tỷ bạc một năm từ vẽ tranh. Trong khi đó thì Tuất có vẻ túc tắc, hằng ngày cà phê cà pháo rồi về nhà vẽ một chút.

“Sau này có những lúc khó khăn thỉnh thoảng cũng tiếc, nghĩ rằng sao khi ấy mình không vẽ nhiều lên để có thu nhập. Nhưng thật ra, sau một hành trình dài, nhìn lại mới thấy cái gì cũng có giá trị của nó. Thời điểm ấy, có người vẽ thu nhập gấp mình cả chục lần. Đến khi tranh không bán được, thu nhập tụt thẳng về 0 đồng, không một xu dính túi. Bị rơi tự do, họ bị sốc kinh khủng và mất hằng năm trời mới vượt qua cú sốc ấy. Trong khi đối với cá nhân mình thì mình có sốc, nhưng mình dễ thích nghi hơn và vượt qua nhanh hơn”, Tuất bình thản nói.

Khoảng hai năm nay người Việt chơi tranh nhiều nên cuộc sống với họa sĩ cũng dễ thở hơn. Cũng bắt đầu xuất hiện những người đầu tư nghệ thuật. Không chỉ là chơi tranh, mà họ đầu tư cho họa sĩ, đầu tư từ lúc còn rất trẻ và đồng hành với họa sĩ trong một hành trình nghệ thuật rất dài.

Nhận thức của công chúng có sự thay đổi lớn. Từ chỗ treo tranh chép, tranh đá quý... người ta bắt đầu biết thích treo tranh thật, của người thật. Không chỉ có những người kinh tế tốt mới chơi tranh mà kể cả những người chơi ít tiền cũng chơi tranh, họ luôn dành một khoản ngân sách hoặc tiết kiệm dần dần để mua được bức tranh như ý.

Những điều ấy, có lẽ cũng là một cơ may cho Bùi Văn Tuất – một họa sĩ luôn chăm chỉ và miệt mài lao động.

Hoàng Lan

 

Tin khác

Triển lãm 'Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh'

Triển lãm 'Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh'

(CLO) Triển lãm "Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh" giúp công chúng hiểu hơn về một địa danh lịch sử oai hùng của dân tộc với chiến thắng chấn động địa cầu.

Đời sống văn hóa
Bắc Ninh: Khai mạc trưng bày 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc và thời đại'

Bắc Ninh: Khai mạc trưng bày "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc và thời đại"

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 3/5, tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc trưng bày chuyên đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc và thời đại".

Đời sống văn hóa
Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày (Bắc Hà)

Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày (Bắc Hà)

(CLO) Đối với người Tày ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), ngoài vui khỏe, giải trí, trò chơi kéo co còn mang tính nghi lễ gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu sinh sôi phát triển.

Đời sống văn hóa
Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

(CLO) Sáng nay 3/5, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) tổ chức triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng nay 3/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa