Họa sĩ Trần Thanh Thục: Người “phải lòng” tranh cắt vải

Thứ năm, 08/12/2022 16:55 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Gắn bó với tranh cắt vải đến nay đã gần tròn 40 năm, nữ họa sĩ Trần Thanh Thục đã tạo được cho mình con đường riêng khi đến nay, bà vẫn được coi là họa sĩ duy nhất ở Việt Nam theo đuổi dòng tranh này.

Hà Nội trên sắc vải

Những ngày đầu đông 2022, “Tôi, Hà Nội và sắc vải” - triển lãm cá nhân thứ 2 và cũng là triển lãm được họa sĩ Trần Thanh Thục thai nghén trong gần một thập kỷ - đã diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Để cho ra đời triển lãm này, Trần Thanh Thục đã dành nhiều năm đi khắp Hà Nội và nhiều miền đất trên cả nước để tìm kiếm nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tác.

Trần Thanh Thục cho biết, mặc dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng bà đã yêu mảnh đất này này lúc nào không hay. Những tác phẩm tại “Tôi, Hà Nội và sắc vải” đều là đề tài đã trở đi trở lại rất nhiều trong sáng tác của bà và cũng là một đề tài mà bà luôn đau đáu. “Đã có rất nhiều bài hát hay, những bức tranh đẹp, nhiều sáng tác văn học rất thành công về đề tài Hà Nội. Bởi thế, chọn đề tài Hà Nội cho tranh cắt vải là một thách thức, một áp lực lớn đối với tôi” - họa sĩ Trần Thanh Thục chia sẻ.

hoa si tran thanh thuc nguoi phai long tranh cat vai hinh 1

Họa sĩ Trần Thanh Thục và “góc phố Hà Nội” của mình.

Xem “Tôi, Hà Nội và sắc vải”, công chúng được trở lại với một Hà Nội kiên cường trong bom đạn với hầm trú ẩn, cột điện bị phá hủy, nhịp cầu Long Biên rớt xuống sông Hồng… Thế nhưng, Hà Nội dù hiện lên với ký ức chiến tranh hay những mất mát cũng không có sắc thái của lầm than, bi lụy mà chứa đầy màu sắc tích cực, tươi sáng, ấm áp. Đó là một Hà Nội xưa cũ, những cửa ô, góc phố, mái ngói thâm nghiêm... một Hà Nội thơ mộng trong mùa thay lá, những sớm mùa đông, những chiều hoàng hôn hay những ô cửa nhỏ, những góc phố quen...

Hình ảnh thân thuộc của Hà Nội hiện lên khá đủ đầy trong tranh của nữ họa sĩ như Nhà thờ Lớn, đường Cổ Ngư, Ô Quan Chưởng... Tranh của Trần Thanh Thục được đặt những cái tên mang âm hưởng của những câu thơ, câu hát quen thuộc: “Hà Nội linh thiêng hào hoa”, “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”, “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”… Rất nhiều tác phẩm của bà ra đời từ nỗi nhớ nhung, từ niềm thương mến và hoài cảm về Hà Nội như vậy.

“Qua mỗi tác phẩm trong “Tôi, Hà Nội và sắc vải”, tôi muốn chia sẻ với người yêu Hà Nội vẻ đẹp của sự kiêu hãnh, sang trọng chỉ riêng có của Hà Nội mà không thể lẫn vào đâu được”, họa sĩ Trần Thanh Thục nói.

“40 năm và một vài tháng”

Gắn bó bền bỉ với tranh vải 40 năm, đến nay, vẫn một mình một lối đi riêng, Trần Thanh Thục được cho là họa sĩ duy nhất của Việt Nam theo đuổi dòng tranh này. Mặc dù vậy, bà vẫn không nhận rằng mình là người đầu tiên hay duy nhất làm tranh cắt vải mà chỉ đơn giản là người “đưa vải vào nghệ thuật tạo hình”.

Trần Thanh Thục đến với tranh cắt vải một cách tình cờ. Nói về “cái duyên” này, nữ họa sĩ chia sẻ, từ nhỏ, cô bé Thanh Thục đã rất thích vẽ. Niềm đam mê ấy được người bạn của cha cô là họa sĩ Phạm Quyền định hướng, khuyến khích. Năm 16 tuổi, Trần Thanh Thục thi đỗ khoa Hội họa, Trường Mỹ thuật Hà Nội. Khi đang là sinh viên năm cuối, trong một lần về quê, đến nhà một người bạn làm thợ may, thấy những mảnh vải vụn, Thanh Thục “vu vơ” lấy kéo cắt dán, ghép thành một bức tranh. Mặc dù bức tranh đầu tiên đó, bây giờ bà đánh giá là khá “ngây ngô” nhưng được sự khuyến khích của người thân, cô sinh viên trẻ tiếp tục tìm tòi, sáng tác với chất liệu này.

hoa si tran thanh thuc nguoi phai long tranh cat vai hinh 2

Họa sĩ Trần Thanh Thục tỉ mẩn trong cuộc chơi với tranh và vải.

Nữ họa sĩ cho biết, những sắc vải có sự lôi cuốn đặc biệt đối với mình theo một cách mà không thể giải thích được. Chẳng được dạy cũng như chưa từng có ai làm để bắt chước, làm theo, Trần Thanh Thục cứ mày mò, cứ từng ngày thu gom “họa phẩm” là những mảnh vải, cứ cắt dán rồi lại bóc ra. Đã có lúc, số tranh hỏng, dở dang ngày một nhiều khiến bà hoang mang bởi không biết mình đang làm việc gì, rồi đam mê sẽ đưa mình đi đến đâu… Miệt mài với vải, sau rồi cũng có những bức khiến bà thấy “tàm tạm”. Thế rồi, bà “rụt rè” đưa những tác phẩm của mình ra công chúng.

Không giống như vẽ tranh bằng sơn dầu hay bột màu trên toan, lụa hay các chất liệu khác, tranh vải không sử dụng một mảng màu, một nét cọ nào. Bởi vậy, để chỉnh sửa một chi tiết mà bạn bè góp ý đối với tôi là vô cùng khó, khi không thể tìm ra một họa phẩm phù hợp. Cho nên, cả một chặng đường đưa chất liệu vải đến được với người yêu cái đẹp, để nói được những điều mình muốn nói là quãng thời gian rất gian nan”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Chỉ cần pha trộn sắc màu từ vải vụn, không cần dùng thêm bất kỳ một phụ liệu nào khác, nghe thì dễ nhưng để làm tranh vải thì không hề đơn giản. Trần Thanh Thục bảo rằng, tranh cắt vải thì lôi cuốn, thẳm sâu, gợi mở và tất cả đều sử dụng màu chín, nên tranh rất trong. Cũng vì vậy, không thể đưa vào một nét bút nào, vì đó là màu sống, nó sẽ phá hỏng hoàn toàn bức tranh. Rồi còn những “bí quyết” khác như xử lý ánh sáng, kỹ thuật chồng xếp vải… đều là những thách thức mà chỉ có thật nhiều thử nghiệm, thật nhiều thất bại mới tìm ra cách giải quyết.

Trong trường, tôi học các thể loại sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, acrylic, đủ cả. Nhưng không hiểu sao như mối duyên tiền định nào đấy, sắc vải cứ đi cùng tôi qua năm tháng, qua những thăng trầm của cuộc sống và đến giờ đã là 40 năm rồi”, Trần Thanh Thục nói.

Cho đến bây giờ, tự nhận là đã có một chút thành công, mỗi khi trả lời câu hỏi “chị mất bao nhiêu thời gian để làm một bức tranh”, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn thường nói, mình mất “khoảng 40 năm và một vài tháng”.

Mong mỏi “đệ tử chân truyền”

Giờ đây, Trần Thanh Thục đã có hàng trăm tác phẩm tranh vải, trong đó nhiều bức đã đến với các bộ sưu tập ở trong và ngoài nước, nhiều tranh đã được giới thiệu với công chúng. Đầu tiên là triển lãm cá nhân “Nhịp xuân 1” năm 2015. Tiếp đó là các triển lãm chung: “Vải và giấy dó” cùng họa sĩ Lê Tuấn Anh (năm 2016); “Sắc màu Bắc Trung Nam” (cùng nhóm họa sĩ ba miền, năm 2017); “Vải và vải” cùng nghệ sĩ người Pháp Catherinne (năm 2017); “Vải và trúc chỉ” cùng họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy (năm 2018); “Vải và thép” cùng nhà điêu khắc Lê Thị Hiền (năm 2020).

Họa sĩ Trần Thanh Thục cho biết, sau mỗi lần triển lãm bà đều cảm thấy kiệt sức bởi bao nhiêu tâm sức bà đã dồn hết vào tranh. Nhưng sau cái “mệt” đó là niềm hạnh phúc vô bờ khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận.

Tuy nhiên, nữ họa sĩ cũng chia sẻ một nỗi niềm, đó là khi xem tranh vải, nhiều người rất thích, rất muốn theo học nhưng đến nay bà vẫn chưa tìm được một “đệ tử chân truyền”. Bà đã tiếp nhận nhiều học viên, có cả sinh viên trường mỹ thuật, cả giáo viên và cả người lớn tuổi về hưu. Nhưng rồi chẳng ai đủ nhẫn nại để theo cái “nghiệp” vốn vất vả, lao lực và đòi hỏi nhiều sự kiên trì này. Theo nữ họa sĩ, tranh cắt vải đòi hỏi rất nhiều đam mê, nhiệt huyết và nhất là sự kiên trì. Người làm tranh phải bỏ cả thời gian, công sức, tiền bạc và phải có con mắt thẩm mỹ, có ý tưởng riêng để từ đó tạo nên phong cách của chính mình.

Tôi đã đi qua tất cả các chất liệu, để rồi chỉ dừng lại với vải. Những năm khó khăn, tôi phải tằn tiện mới có thể mua được vài mảnh vải. Lúc ấy, vải rất hiếm và là thứ xa xỉ, vậy mà tôi mua về, chỉ cắt lấy một vài chi tiết cần thiết, còn lại thì bỏ. Nhiều hôm, tôi ngồi lì trong phòng 15-17 tiếng với tranh, với vải. 40 năm tôi đắm mình trong vải, ăn vải, ngủ vải, chơi với vải… Nhưng tiếc là, giờ đây, để tìm được một người có đam mê như vậy thật là khó”, họa sĩ Trần Thanh Thục bộc bạch.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Dừng làm mới sắc phong tại phủ Vân Cát - Nam Định

Dừng làm mới sắc phong tại phủ Vân Cát - Nam Định

(CLO) Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.

Đời sống văn hóa
Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ

Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ

(CLO) Đêm rằm Trung thu (17/9), người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được ngắm siêu Trăng tròn khổng lồ, màu cam cháy tuyệt đẹp.

Đời sống văn hóa
Đề nghị xử lý người đăng thông tin sai sự thật về rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt

Đề nghị xử lý người đăng thông tin sai sự thật về rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt

(CLO) Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các tài khoản đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc về việc “rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt 10 nghìn đồng”.

Đời sống văn hóa
Nỗi đau chẳng của riêng ai

Nỗi đau chẳng của riêng ai

(CLO) Đồng cảm và chia sẻ nỗi mất mát bà đau thương tột cùng do cơn bão số 3 gây ra, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã viết bài thơ NỖI ĐAU CHẲNG CỦA RIÊNG AI phản ánh ý chí và nghĩa tình của nhiều giai tầng xã hội, đặc biệt của các lực lượng quân đội, công an chung tay vượt qua nỗi đau, dồn sức cứu người là trên hết, trước hết.

Đời sống văn hóa
Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào

Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào

(CLO) Ngày mai (18/9), tại Rạp Kim Mã (số 71 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật "Tâm sự quê" nhằm gây quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh/thành miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua.

Đời sống văn hóa