(NB&CL) TP.HCM nửa đầu năm 2016 đã ghi rất nhiều dấu ấn, nhất là trong chỉnh đốn công tác quản lý nhà nước của hệ thống chính quyền. Trong đó, huyện Hóc Môn xứng đáng là “tâm điểm” nhờ tốc độ phát triển rất khí thế, kèm theo đó là những bất cập ngồn ngộn, buộc Thành ủy TP.HCM phải vào cuộc quyết liệt. Đáng tiếc, thời gian gần đây, sau khi lãnh đạo cấp ủy và chính quyền huyện phát sinh bất đồng, “tố” nhau trước công luận, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chỉ rõ các sai phạm, thì “khí thế Hóc Môn” như biến mất, thay vào đó là sự tậm tịt, dửng dưng đầy… khó hiểu.
20 phút “kêu oan”, bức xúc của Bí thư huyện ủy
Bất đồng giữa lãnh đạo cấp ủy và chính quyền huyện Hóc Môn lên tới “đỉnh điểm” là khi trong Hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 8/3/2016, Bí thư huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư đã có gần 20 phút “kêu oan”, nói ra những bức xúc… Theo ông Cư, từ tháng 11/2014, ông phát hiện dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai, có dấu hiệu lợi ích nhóm và yêu cầu UBND huyện báo cáo nhưng UBND huyện luôn khẳng định đã thực hiện đúng. Ông Cư đã báo cáo với thường trực Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM. Sau khi đoàn kiểm tra của Thành ủy xuống làm việc, thường trực UBND huyện họp và đánh giá “đồng chí Bí thư gây mất đoàn kết nội bộ”.
Tại cuộc họp, ông Cư kiến nghị UBKT Thành ủy nên kiểm tra làm rõ đúng sai vấn đề này, nếu có dấu hiệu tội phạm đề nghị cơ quan điều tra làm rõ. “Phải rõ ràng như thế thì tôi mới có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trên địa bàn huyện Hóc Môn”, ông Cư nói.
[caption id="attachment_123729" align="aligncenter" width="640"]
Người dân đi xin GPXD tại huyện Hóc Môn.[/caption]
Không thể để Hóc Môn “vỡ trận”, Bí thư huyện phải bất lực trong thực hiện nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, UBKT Thành ủy tiếp tục vào cuộc kiểm tra các sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng tại địa phương. Đến 22/7/2016, UBKT Thành ủy đã công bố kết luận: Bí thư Nguyễn Cư với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đã chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tập thể Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng; nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Tuấn Tài đã chưa báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình và chưa tham mưu hiệu quả cho Ban Thường vụ Huyện ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng; đã ký 137 quyết định phê duyệt phương án tổng mặt bằng - thiết kế hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều phương án không đúng theo quy định tại Quyết định 19/2009/QĐ-UBND và Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM…
UBKT Thành ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn tự kiểm điểm rút kinh nghiệm; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Cư; kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với ông Lê Tuấn Tài… Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương khắc phục các hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng.
Hệ thống lại chuỗi sự kiện trên, dư luận vừa vui mừng, vừa hoang mang, bởi tại sao sự vận hành của mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (đã được thể chế hóa từ Đại hội Đảng VI 1986) ở Hóc Môn lại “lỏng lẻo” tới vậy (?)
Cần lắm một bộ máy chính quyền quyết đoán
Xin được ví sự vào cuộc quyết liệt của UBKT Thành ủy như một “cơn bão” đi qua Hóc Môn, tạo nên sự “biến động” lớn đối với mọi hoạt động tại huyện. Hiệu ứng tích cực có thể thấy là sự mau mắn, rốt ráo hơn trong việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Nhưng, nếu chỉ nhăm nhăm ngăn chặn, xử phạt xây dựng sai phép mà không hỗ trợ, giúp đỡ người dân mau ổn định cuộc sống thì càng… bất ổn!
Hiện tại, trên địa bàn huyện Hóc Môn, hàng trăm (có khi hàng ngàn) trường hợp người dân bỏ tiền mua đất, chuyển mục đích sử dụng, được cấp sổ đỏ đang chờ được cấp GPXD nhà. Nhưng chính quyền cứ hẹn, để họ phải hỏi: Vì các quyền lợi hợp pháp của họ không được đảm bảo như các quy định được Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM… ban hành?
[caption id="attachment_123730" align="aligncenter" width="384"]
Hồ sơ đất đai xếp thành từng tầng, từng lớp ở phòng QLĐT huyện Hóc Môn.[/caption]
Một cán bộ Phòng QLĐT huyện Hóc Môn đã chia sẻ một thực tế rằng hồ sơ xin GPXD hiện đang “xếp lớp”, họ đã “cố gắng hết sức” và giờ chỉ biết mong người dân thông cảm. Nguyên nhân việc cấp GPXD bị “đóng băng” được khái lược bằng miệng: Vừa qua, UBKT Thành ủy đã chỉ ra một số thiếu sót, sai phạm trong quản lý đất đai chiếu theo Quyết định 19/2009 và Quyết định 33/2014 quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa. Tuy nhiên, huyện Hóc Môn chưa trả lời được chuyện “đóng băng” nói trên có được “văn bản hóa” bằng các quyết định, thông tư của các cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP.HCM…) hay chưa? Hay lãnh đạo huyện Hóc Môn sau “đợt biến động lớn” đang bối rối, đành “tự xử” và dễ thành “ngồi trên pháp luật”?
Trong những khu đất chúng tôi đi qua, một thực trạng “kỳ lạ” là xen lẫn các công trình đã xin được GPXD (xin khi chưa bị “tạm dừng”) đang thi công là những khu đất đã xong phần móng, lô nhô vật liệu xếp đống, kiểu “bánh da lợn”, uể oải và xơ xác.
Từ đây, một mặt dư luận sẽ thấy bên cạnh sự phát huy vai trò “Đảng lãnh đạo” của Thành ủy TP.HCM là sự “mờ nhạt”, như “đánh trống bỏ dùi” của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở TN&MT… trong việc chỉ đạo, hỗ trợ Hóc Môn về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, không gây xáo trộn, cản trở việc ổn định cuộc sống, công việc của người dân. Và quan trọng nhất, vẫn phải hỏi rằng huyện Hóc Môn đã quyết liệt họp bàn, đề xuất giải pháp “gỡ nút” nào chưa? Người dân Hóc Môn lúc này cần lắm một bộ máy chính quyền quyết đoán, không sợ hãi!
Trong cuộc họp do Sở Tư pháp chủ trì giữa tháng 4/2016 bàn về tình hình tách thửa theo Quyết định 33, ông Nguyễn Thanh Toàn, PGĐ Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM đã thẳng thắn: “Quyết định 33 về diện tích tối thiểu khi tách thửa có nhiều lỗ hổng dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát hạ tầng kỹ thuật. Văn bản này có nhiều cách hiểu khác nhau nên kiến nghị phải sửa gấp”. Nếu “hổng” tới mức “có nhiều cách hiểu khác nhau“, thì có thể trách được nguyên Chủ tịch Hóc Môn Lê Tuấn Tài vấp nhiều sai phạm như kết luận của UBKT Thành ủy hay không? Và Quyết định 33 của UBND TP.HCM bấy lâu được coi là “có công” với người dân, nhất là người thu nhập thấp, thì nay có thành “có tội”?
Kiên Giang