(Congluan.vn) - Theo dự thảo Đề án học phí mà Bộ GD&ĐT đưa ra, lộ trình tăng học phí ở hai hệ Đại học và Cao đẳng, mỗi năm tăng từ 8 - 10% so với năm trước. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu chất lượng đào tạo có nâng cao để tương xứng với mức học phí?...
Học phí ở hai hệ Đại học và Cao đẳng, mỗi năm tăng từ 8 - 10% so với năm trước sẽ gây khó cho đường học của sinh viên
Học phí tăng theo từng năm!
Cụ thể, theo quy định, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ Đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà năm học 2014 - 2015 sẽ tăng hơn năm học trước.
Mức tăng trên thực hiện theo Nghị định Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Cụ thể, theo quy định, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ Đại học tại trường Công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà năm học 2014 - 2015 có tăng hơn năm học trước.
Theo đó, bậc học Đại học năm 2014-2015, mức học phí tăng như sau (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng/sinh viên):
Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm, thủy sản từ 485 tăng lên 550; Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch từ 565 tăng lên 650; Y dược từ 685 lên 800.
Đối với bậc Cao đẳng, Trung cấp (đơn vị tính: nghìn đồng/tháng/sinh viên)
Báo chí và thông tin; pháp luật: Trung cấp tăng từ 240 lên 250; Cao đẳng từ 260 lên 280. Nhân văn: khoa học xã hội và hành vi; kinh doanh và quản lý; dịch vụ xã hội: Trung cấp tăng từ 260 lên 280, Cao đẳng tăng từ 290 lên 300. Tương tự, các ngành khác như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 300 lên 310, và từ 350 lên 360; An ninh, quốc phòng từ 450 lên 480, từ 490 lên 520; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; môi trường và bảo vệ môi trường tăng từ 490 lên 520, từ 540 lên 570; Khoa học tự nhiên tăng từ 500 lên 530, từ 540 lên 580; Dịch vụ vận tải tăng từ 570 lên 600, từ 630 lên 670...
Với hệ thống ngoài công lập, các trường chủ động xây dựng mức học phí cho các nhóm ngành theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo trình Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH cho phép.
Như vậy, với hệ Đại học, nếu chỉ tính mức học phí qua mỗi năm học, mức tăng đó sẽ vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu tính qua 4 năm học, mức học phí sẽ tăng gấp đôi. Một con số quá lớn!
Lấy ví dụ, như mức học phí của nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, từ 290 nghìn năm 2010, đã tăng lên 550 nghìn năm 2014. Còn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch thì tăng hơn…2 lần, (từ 310 nghìn đồng lên 650 nghìn đồng mỗi tháng tháng), đáng chú ý hơn là nhóm ngành y dược, tăng tới gần 2,4 lần từ 340 nghìn lên 800 nghìn đồng mỗi tháng.
Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, tạo nên các luồng dư luận khác nhau. Với mức học phí ngày càng tăng và tăng đều qua các năm học như vậy, liệu mức tăng này có ảnh hưởng nhiều đến những sinh viên đang theo học những nhóm ngành nghề này hay không? Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với mức học phí bình thường cũng đã rất khó khăn để có thể đóng đúng hạn định của nhà trường. Học phí với mức tăng qua các năm như vậy, liệu các sinh viên này có đủ điều kiện để theo hết khóa học của mình?
Chất lượng đào tạo có tương xứng với mức tăng học phí?
Tăng học phí, liệu có đảm bảo công bằng xã hội cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn? Ảnh: Sinh viên vào thư viện tìm sách học và nghiên cứu sẽ giảm một khoản chi phí mua tài liệu học (Ảnh: N.P)
Hiện nay, các trường ĐH, CĐ, TCCN đều lấy số lượng sinh viên làm tiêu chuẩn để đánh giá độ “mạnh” của mình. Nhưng chỉ có số lượng đầu vào và đầu ra, còn chất lượng thì bị đánh giá... rất tệ.
Có thể nói, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực chuẩn để có thể đáp ứng được cho nhu cầu của xã hội hiện nay đang rất khan hiếm. Việc tăng học phí có giúp cho các trường nâng cao được chất lượng giảng dạy, chất lượng nguồn nhân lực chuẩn sau khi ra trường? Trong khi một thực tế, trong những năm qua, năm nào các trường ĐH, CĐ, TCCN cũng tăng học phí. Nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ sở để sinh viên tham gia nghiên cứu, thí nghiệm làm quen với thực tiễn lại chưa được đầu tư tốt.
Với 2 câu hỏi mà dư luận xem là vấn đề lớn: Sinh viên nghèo bị ảnh hưởng như thế nào? Quan trọng nhất là học phí tăng, liệu chất lượng đào tạo có nâng cao để tương xứng? Nếu 2 câu hỏi này được giải quyết thỏa đáng, theo hướng tích cực vì nó liên quan đến công bằng xã hội và chất lượng đào tạo thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng nếu không, thì việc tăng mức học phí như vậy có đúng đắn và cần thiết?
GD (Tổng hợp)