(NB&CL) - Sáng 24/9, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Học viện (9/1949-9/2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2).
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2).
Ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện, GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Cách đây 65 năm, vào đầu năm 1949, Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương (Khóa I), đã quyết định thành lập hệ thống trường Đảng các cấp. Sự ra đời của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mở ra những trang sử mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước ta. Trong suốt 65 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều tên gọi khác nhau, Học viện đã không ngừng phát triển, trưởng thành, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, cán bộ lý luận chính trị cho hệ thống chính trị.
Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước dành cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò của Học viện và những thành tích mà các đồng chí đã đạt được, đồng thời cũng đòi hỏi trong thời gian tới, Học viện phải có nhiều nỗ lực, sáng tạo mới, thực hiện trọng trách là một Trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đóng vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng lý luận, giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Học viện cần coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn đặt ra, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh phản bác những quan điểm thù địch và luận điệu sai trái; phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.