(CLO) Sáng 01/11, Hội nghị thường niên về Tư vấn bảo vệ tác nghiệp báo chí đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của hơn 50 chuyên gia, nhà báo, đại diện cơ quan quản lý báo chí, đại diện các trường đào tạo, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Hội nghị thường niên về Tư vấn bảo vệ tác nghiệp báo chí được Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức với sự hỗ trợ, hợp tác của Bộ Ngoại giao - Thương mại và Phát triển Canada, Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) và văn phòng UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế”.
Hội nghị năm nay được tổ chức nhằm hưởng ứng ngày 2/11 - “Ngày quốc tế chấm dứt tình trạng không trừng phạt các hành vi vi phạm an toàn báo chí”, được Liên hợp quốc tổ chức trên toàn thế giới, nhằm kêu gọi bộ máy thi hành pháp luật và xã hội ở nhiều quốc gia, chấm dứt tình trạng miễn trừ đối với các hành vi xâm phạm tới quyền tác nghiệp hợp pháp của báo chí. Hội nghị cũng là dịp để chuyên gia, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các trường đào tạo, nghiên cứu, các cơ quan báo chí trao đổi kinh nghiệm và các vấn đề án toàn tác nghiệp, nâng cao hiệu quả đóng góp của báo chí cho xã hội.
[caption id="attachment_131003" align="aligncenter" width="500"]
Toàn cảnh hội nghị [/caption]
Theo bà Ping Kitnikone – Đại sứ Canada tại Việt Nam, thống kê trong thập kỷ vừa qua, trung bình cứ mỗi 7 ngày có 1 phóng viên bị giết trên thế giới, hơn 800 tội ác với báo chí đã không bị trừng phạt, số tội ác bị trừng phạt chỉ chiếm 8% trong 10 năm qua. Đây là mối lo ngại chung trên toàn thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Nhật Minh – Giám đốc RED cho biết: Theo dõi hành vi cản trở tác nghiệp từ năm 2010, RED nhận thấy rất nhiều vụ việc bắt nguồn từ xung đột của tác nghiệp báo chí với hoạt động công vụ hoặc tác nghiệp của ngành khác. Nhưng phải đến vụ va chạm giữa phóng viên báo Tuổi trẻ TP.HCM với công an huyện Đông Anh tại cầu Nhật Tân (Hà Nội) thì xung đột tác nghiệp mới trở thành xung đột mang tính pháp lý. Trong đó, phóng viên có quyền được bảo vệ theo Điều 7/NĐ-159 và công an có thể xử phạt phóng viên theo điều 6 cũng tại nghị định này. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên chưa rút kinh nghiệm được việc này. Qua sự việc đó chúng ta thấy cần nâng cao nhận thức các bên liên quan và công chúng về vấn đề này, nhằm giảm các xung đột, cản trở không cần thiết giúp nâng cao hiệu quả tác nghiệp của các bên phục vụ lợi ích chung.
Theo TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), trong vấn đề tác nghiệp báo chí hiện nay vẫn còn có những hạn chế. Ví dụ như việc trước đây bên công an có quy định cấm quay phim, chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ. Sự việc này được báo chí rất quan tâm, sau đó Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và quyết định huỷ quy định này. Hoặc Bộ Tư pháp cũng đã xử lý khá nhiều quy định của các địa phương đưa ra nhằm hạn chế báo chí tác nghiệp. Những vấn đề này mang tính chất cục bộ, do các quy định chưa cụ thể dẫn đến các cơ quan, đơn vị hiểu sai và vận dụng tuỳ tiện.
[caption id="attachment_131001" align="aligncenter" width="500"]
TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu tại hội nghị.[/caption]
Bên cạnh đó, TS. Lê Hồng Sơn cũng cho rằng bản thân báo chí và các phóng viên cũng có những tình huống mình thực hiện việc tác nghiệp không chuẩn. Ví dụ trong việc xác định quyền tác nghiệp đến đâu hoặc có trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu... Nhiều trường hợp do nhu cầu thông tin nên phóng viên đưa tin 1 chiều, thông tin không phù hợp… Để khắc phục được những vấn đề trên nên nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đặt ra quy chuẩn rõ ràng cho 2 bên, tăng cường kỹ năng tác nghiệp cho cả 2 phía vì mục tiêu, nhiệm vụ và lợi ích chung…
[caption id="attachment_131002" align="aligncenter" width="500"]
Nhà báo Đức Hiển – Báo Pháp Luật TP.HCM.[/caption]
Cũng tại hội nghị, nhà báo Đức Hiển – báo Pháp Luật TP.HCM cho rằng: Rất cần hoàn thiện các luật liên quan đến việc tác nghiệp của báo chí tránh gây hiểu lầm, dẫn đến hạn chế việc hoạt động của báo chí. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần lưu ý khi phân công nhiệm vụ cho phóng viên phải tính những trường hợp họ có thể gặp phải. Để tránh trường hợp phóng viên bị đánh sưng đầu toà soạn mới vào cuộc bảo vệ, nên có cảnh báo chứ đừng để xảy ra mới giải quyết hậu quả.
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của các nhà báo, chuyên gia nước ngoài thảo luận về những tình huống xung đột chức năng nhiệm vụ báo chí với hoạt động công vụ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động báo chí. Hội nghị sẽ được bế mạc vào trưa ngày 02/11.
Nguyễn Mạnh