(NB&CL) “Những người làm báo tỉnh Lào Cai luôn xác định vấn đề dân tộc và miền núi vừa là một kho đề tài phong phú, hấp dẫn, vừa cần phải được đặc biệt quan tâm để đảm bảo chiến lược thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Và cũng chính việc phát huy lợi thế chuyên biệt này đã giúp cho báo chí Lào Cai ngày càng có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc, đoạt được nhiều giải thưởng ở các Liên hoan Phát thanh, Truyền hình, các Giải báo chí chuyên đề, đặc biệt là Giải Báo chí Quốc gia”. Đây là chia sẻ của nhà báo Phan Quang Hưng- Uỷ viên Ban Chấp hành HNBVN, Giám đốc Đài PT- TH, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai- về một vài kinh nghiệm mang tính “bí quyết” khi khai thác mảng đề tài dân tộc và miền núi trong các tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia của hội viên Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai Phan Quang Hưng, hoạt động báo chí tại một địa bàn miền núi, biên giới, có tới 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 65% dân số, bởi vậy, trong các chương trình Phát thanh, Truyền hình, các trang báo giấy, báo điện tử của Lào Cai, mảng đề tài dân tộc và miền núi luôn chiếm một thời lượng, dung lượng lớn, phản ánh đa dạng, sinh động đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng hai mùa Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX và lần thứ X gần đây, cả 4 Giải Báo chí Quốc gia (1B, 2C và 1 Khuyến Khích) mà hội viên Hội Nhà báo Lào Cai đạt được đều là những tác phẩm báo chí xuất sắc có chủ đề dân tộc và miền núi.
[caption id="attachment_157673" align="aligncenter" width="640"]
Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu trao Giải B cho đại diện nhóm tác giả của Đài PT-TH tỉnh Lào Cai tại Lễ trao Giải BCQG lần thứ X- năm 2015.[/caption]
Từ những thành công ấy, nhiều kinh nghiệm đã được người làm báo Lào Cai đúc rút trong việc thực hiện các tác phẩm báo chí về chủ đề đó. Thứ nhất là việc lựa chọn đề tài phải đến một cách tự nhiên, bắt nguồn từ thực tiễn, gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của đồng bào, không khiên cưỡng, không cao siêu. Một ví dụ rất cụ thể là ý tưởng ban đầu của tác phẩm “Nông trại trường học- Một mô hình, nhiều lợi ích” vừa đoạt Giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X- năm 2015 đã hình thành theo cách rất tự nhiên, khi nhóm tác giả đến với trường tiểu học xã Bản Xen- huyện miền núi, biên giới Mường Khương. Tại đây, các phóng viên nhận ra rằng: Tất cả các em học sinh đều rất khoẻ mạnh, thể trạng tốt, hoạt bát, rắn rỏi, và đặc biệt là không một em nào phải đeo kính do có vấn đề về thị lực. So sánh với chính con em mình đang học ở các trường tại Thành phố Lào Cai, các tác giả thấy rõ sự khác biệt, và từ đó bắt đầu tìm hiểu, khẳng định được nhiều giá trị của mô hình Nông trại trường học- một sáng tạo độc đáo của giáo dục vùng cao Lào Cai. “Tuy vậy, để những đề tài tốt đến một cách tự nhiên như vậy, người làm báo phải là những người thường xuyên bám sát cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn tốt và sự nhạy cảm trong lựa chọn, nắm bắt và khai thác đề tài”, nhà báo Phan Quang Hưng khẳng định.
Thứ hai là cách thể hiện đề tài, đối với các tác phẩm báo chí khai thác chủ đề dân tộc và miền núi, dù ở bất kỳ loại hình báo chí nào cũng phải chọn cách thể hiện, diễn đạt giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ nhất, phù hợp với nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao… Bởi trên thực tế, việc lựa chọn cách diễn đạt phù hợp với nhận thức và thói quen tiếp nhận của đồng bào vùng cao là không hề đơn giản. “Cá nhân tôi cho rằng, chính sự am hiểu, gắn bó với vùng cao đã giúp cho báo chí địa phương nói chung, báo chí Lào Cai nói riêng có được chỗ đứng vững chắc trong đời sống thông tin ở các khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay”, Chủ tịch Hội Nhà báo Lào Cai chia sẻ.
Thứ ba là tránh sự nhìn nhận, phản ánh theo lối mòn, thậm chí đó là lối mòn, là định kiến sai lầm tệ hại. Nhà báo Phan Quang Hưng lấy ví dụ như lâu nay, một đặc điểm nổi bật của báo chí khi viết về đề tài dân tộc và miền núi là thường gắn với nghèo đói, lạc hậu, chây lười, ỷ lại, “huyền bí hoá” các yếu tố văn hoá, phong tục, tập quán của đồng bào. Bởi ông cho rằng, thực tiễn không chỉ có vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đang rất nỗ lực và sáng tạo trong học tập, làm ăn, phát triển kinh tế, văn minh trong nếp sống, trong sinh hoạt.
Vì vậy, thay vì khai thác thái quá, thường xuyên xoáy sâu vào các mảng tối, lãnh đạo các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai luôn động viên, khuyến khích các hội viên, người làm báo trong toàn tỉnh ưu tiên tuyên truyền mặt sáng, mặt tích cực, nhân rộng cái hay, cái đẹp, những mô hình sáng tạo, hiệu quả trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá mới ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Cổ vũ, động viên, khích lệ là chức năng rất quan trọng của báo chí cách mạng, và càng quan trọng hơn đối với các tác phẩm viết về đề tài dân tộc miền núi", nhà báo Phan Quang Hưng- Chủ tịch Hội Nhà báo Lào Cai nhấn mạnh.
Ngọc Lành