(NB&CL) - Những năm qua, Hội Nhà báo TP. Hà Nội- “mái nhà chung ấm áp” của những người làm báo Thủ đô - đã không ngừng lớn mạnh, góp phần đưa uy tín và vị thế của Hội Nhà báo Hà Nội ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, với nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, cùng với giới báo chí Thủ đô, Hội Nhà báo Hà Nội đã luôn đồng hành cùng Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cắt băng khánh thành Hội Báo Xuân Hà Nội năm 2013
Hơn 25 năm qua( 1 6/12/1988 - 16/12/2013), Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, có những bước tiến đáng tự hào cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Nhờ có nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực Hội đã đoàn kết, tập hợp và thu hút được đông đảo hội viên. Dưới mái nhà chung của mình, từ buổi đầu thành lập chỉ với gần 200 hội viên, đến nay số lượng hội viên đã tăng lên 970 người thuộc 18 cơ quan báo chí và quản lý báo chí của Thủ đô. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội năm 2008 về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hội Nhà báo Hà Nội và Hội Nhà báo tỉnh Hà Tây được hợp nhất, việc hợp nhất đó đã tạo thêm sức mạnh mới, cả về số lượng hội viên lẫn chất lượng hoạt động công tác Hội của Hội Nhà báo thành phố. Với sự hợp lực của Hội Nhà báo Hà Tây, với tài năng báo chí Xứ Đoài, báo chí Hà Nội, cũng như Hội Nhà báo thành phố Hà Nội dần dần đã có những bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.….
Thế hệ các nhà báo là hội viên các nhiệm kỳ đầu đã có nhiều cố gắng xây dựng và đặt nền móng cho các hoạt động của Hội như: Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành; xây dựng quy chế các giải báo chí: Ngô Tất Tố, Người tốt, việc tốt, quy chế tổ chức các hoạt động thường niên như: Hội báo Xuân, Hội khoẻ, … Hội Nhà báo Hà Nội đã có nhiều cố gắng, đổi mới phương pháp sinh hoạt, chủ động đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội. Mà một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hội Nhà báo Hà Nội là công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác quản lý báo chí. Thường xuyên tổ chức các buổi tham quan thực tế giúp các nhà báo - hội viên có điều kiện giao lưu, mở rộng quan hệ, rèn luyện tay nghề... Hội đã mở được 5 lớp đại học báo chí cũng như hàng chục lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho hàng trăm cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, quản lý báo chí của Hà Nội và các cơ quan báo chí Trung ương, ngành đóng trên địa bàn; Đã có một số công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn có giá trị: Sơ thảo lịch sử báo chí Hà Nội (1905-2000); thân thế và sự nghiệp nhà văn hoá- nhà báo Ngô Tất Tố, nghiệm thu thành công đề tài khoa học “Phát triển kinh tế báo chí Hà Nội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”- gợi mở cho việc hình thành tập đoàn báo chí Thủ đô trong tương lai; Mở rộng quan hệ và giao lưu với Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố và Hội Nhà báo một số nước như: Thi Lan, Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Những năm qua, cùng với Giải báo chí Ngô Tất Tố, Giải thưởng Báo chí viết về gương Người tốt, việc tốt trên địa bàn Hà Nội được Hội Nhà báo TP. Hà Nội tổ chức định kỳ hàng năm đã là một “sân chơi” hữu ích để khích lệ anh chị em hội viên nhà báo thể hiện khả năng, sáng tạo ra những tác phẩm hay, đồng thời tìm kiếm được những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Anh hùng ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh và hiện đại...
Bên cạnh đó, Hội Báo Xuân và Hội khỏe Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã trở thành những hoạt động văn hóa truyền thống mang nhiều tính đặc sắc được lãnh đạo, công chúng báo chí Thủ đô và các hội viên nhà báo hưởng ứng và đánh giá cao… Hội cùng với các cơ quan báo chí của TP còn đặc biệt quan tâm tới các hoạt động xã hội từ thiện với nhiều chương trình, chuyên đề xã hội- từ thiện được tổ chức định kỳ, đạt hiệu quả cao. Với những thành tích đã đạt được, Hội Nhà báo Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước, Thành phố ghi nhận và tặng thưởng nhiều Bằng khen, Huân chương, trong đó có Huân chương Độc lập Hạng Ba.
Hà Nội đang bước vào một thời kỳ phát triển mới với một quy mô và tầm vóc mới. Điều đó đòi hỏi giới báo chí Thủ đô và mỗi thành viên của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội phải nỗ lực vươn lên, xứng đáng với tầm vóc mới của Thủ đô. Với những gì đã đạt được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, các thế hệ làm báo Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang mà các thế hệ nhà báo đi trước đã dày công xây dựng, xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh, đồng hành cùng với sự nghiệp xây dựng Thủ đô Văn hiến- Anh hùng.