Tới dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng các đại biểu đại diện cho hơn 1500 hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang hoạt động ở nhiệm kỳ thứ 9, ghi dấu ấn trong lịch sử với những đóng góp của hàng loạt nhạc sĩ tài hoa như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu… Từ phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "Hát cho đồng bào tôi nghe", đến nhiệm kỳ "máu và hoa" - thời gian phát triển rực rỡ nhất của âm nhạc cách mạng, những sáng tác từ trái tim của các nhạc sĩ trong 60 năm đã luôn đồng hành cùng những dấu mốc lịch sử của dân tộc.
Với thành tựu đạt được, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 1, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 21 nhạc sĩ tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và hàng trăm nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước…
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: 60 năm qua là một chặng đường trưởng thành và phát triển không ngừng cả về chất và lượng của Hội. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc của Hội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay đã có 22 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 120 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và 51 NSND, Nhà giáo nhân dân và hơn 200 NSƯT, Nhà giáo ưu tú là học viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Hội nhạc sĩ đang phát triển với trên 1500 hội viên gồm 4 chuyên ngành: sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo với 51 chi hội trong cả nước. Một dấu son trên chặng đường 60 năm Hội nhạc sĩ Việt Nam là được Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 3/9 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam, bắt đầu từ năm 2010.
Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của các thế hệ nhạc sĩ đàn anh đi trước, lớp nhạc sĩ kế cận và các nhạc sĩ trẻ vẫn duy trì định hướng, đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân.
Một trong những vấn đề được Hội quan tâm hiện nay là việc xây dựng đội ngũ kế cận khi lớp nhạc sĩ gạo cội đã dần vắng bóng. Cùng đó là việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm âm nhạc trong môi trường nghệ thuật trong sáng, lành mạnh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, trong đó có rất nhiều nhạc sĩ, chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
"Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng và rất mực tin tưởng rằng, đội ngũ những người làm công tác âm nhạc nước nhà bằng tất cả tài năng, tình yêu nghệ thuật và tâm huyết sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, thôi thúc tâm hồn Việt, làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội Nhạc sĩ Việt Nam không ngừng phát triển, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Hoàng Lan