Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ TT&TT; đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và đại diện một số hiệp hội… Hội thảo do ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Phát biểu khai mạc tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Với những phát triển vượt bậc của công nghệ, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã đem lại cho đời sống kinh tế - xã hội những thành quả tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách Đảng và Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức. Ngoài ra, hiện tượng để lọt, lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh, gây mất trật tự xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội thảo
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách phát luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.
Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó có thể là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp Nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay, Thứ trưởng nêu rõ.
Tại Hội thảo, ông Đỗ Quý Vũ- Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT đã có báo cáo tóm tắt về Bộ quy tắc gồm nhiều nội dung: xu hướng sử dụng mạng xã hội, hiện trạng sử dụng mạng xã hội, kinh nghiệm quốc tế cũng như các nội dung cơ bản đối với từng đối tượng cung cấp và sử dụng mạng xã hội cụ thể.
Từ sự phân tích hiện trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay, kinh nghiệm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của nhà cung cấp dịch vụ… các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo trong đó đề ra nhiều giải pháp nâng cao tính hiệu quả, khả thi của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, giải pháp thúc đẩy những giá trị tốt đẹp trên mạng xã hội, cũng như hiện trạng và giải pháp khắc phục những phát ngôn mang tính thù ghét… đề hoàn thiện dự thảo nhằm tạo ra sự đồng thuận và bảo đảm nội dung cho Bộ quy tắc.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nêu vấn đề, việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phải dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân. Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.
Thứ trưởng đề nghị Viện Chiến lược TT&TT cần tiếp thu tối đa các ý kiến để xây dựng Bộ Quy tắc theo tinh thần “ngắn - gọn - rõ” để ai cũng có thể hiểu được. Đồng thời, các cơ quan được giao nhiệm vụ cần tiếp tục tổ chức vài cuộc tọa đàm, hội thảo nữa trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Và Bộ TT&TT tới đây cần xem xét ban hành Thông tư để có chế tài cụ thể trên cơ sở quy tắc ứng xử này./.
Nguyệt Hồ