(congluan.vn) - Đó là phát biểu của bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao trong Vietnam HR Awards 2014 - Giải thưởng đầu tiên về chiến lược nhân sự tại Việt Nam, do Viện nghiên cứu quản trị nguồn nhân lực Singapore (Singapore Human Resources Institute – SHRI) vừa được tổ chức tại Tp.HCM.
Nhiều lãnh đạo DN đều cho rằng cách quản trị nhân sự theo truyền thống
không phải là động thái tích cực trong xu hướng thị trường ngày nay.
Đơn giản hóa mục tiêu
Ngày nay Việt Nam đang hướng đến một mô hình phát triển kinh tế mạnh mẽ và mang tính bền vững cao, để bước vào sân chơi chung của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc ứng dụng KH-CN vào thực tiễn, không chỉ là vấn đề luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm, mà đó cũng chính là mục tiêu đầu tiên mà lãnh đạo mỗi DN đều hướng tới.
Thực tế cho thấy trong cơ chế mở của nền kinh tế thị trường, các DN đang đứng trước thách thức vô cùng lớn là phải tăng cường tối đa hiệu quả cung cấp các sản phẩm dịch vụ của mình. Điều này đòi hỏi mỗi DN phải có sự “chăm sóc” từ chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tới các phương thức marketing và bán hàng tốt, cũng như các quy trình nội bộ hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, DN phải dựa vào nguồn tài sản đạt giá trị cao nhất của mình, đó chính là “nguồn nhân lực”.
“Những người tham gia tích cực vào sự thành công của DN, chính là hệ thống quản trị nhân sự - Họ giúp tìm kiếm, phát triển và duy trì đội ngũ nhân viên và quản lý chất lượng sản phẩm. Vì vậy, lựa chọn được những người có kỹ năng thích hợp vào đúng vị trí, thì DN sẽ đạt được mục tiêu winwin: cả DN và nhân viên đều có lợi”. Ông Arnold Chan – Tổng thư ký danh dự của SHRI chia sẻ, tại Lễ khai mạc Vietnam HR Awards 2014.
Theo bà Phạm Thanh Vân – Chuyên gia tư vấn cao cấp độc lập cho lãnh đạo và doanh nghiệp cho rằng DN cần nên phân bổ mục tiêu rõ ràng và phải xem mục tiêu đó là bước đi cần phải có của DN. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống quản trị đội ngũ nhân sự của Việt Nam còn thiếu tính năng động, hay cầu toàn và mang tính truyền thống với tư duy “cũ” là có họ hàng sẽ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong DN.
Còn Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op cũng cho rằng: Quản trị nhân sự gắn liền với mọi tổ chức và bất kỳ một cơ quan tổ chức nào cũng cần phải có bộ phận nhân sự. Đặc biệt đối với mỗi DN kinh doanh, thì sẽ có mục tiêu và chiến lược kinh doanh mang đặc thù riêng nhưng DN không nên đặt nặng mục tiêu và đem mục tiêu đó lên bàn cân mà sắp đặt hệ thống quản trị nhân sự. DN hãy đơn giản hóa mục tiêu. Cần phải đặt hệ thống quản trị nhân sự đó vào đúng nơi, đúng việc và đúng chỗ - Ông Hòa cho hay.
Đánh giá về hệ thống quản trị của DN Việt Nam, ông Phạm Phú Ngọc Trai – TGĐ Cty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC thì Việt Nam có yếu tố đầu vào tốt đó là vốn, công nghệ, tài nguyên và nguồn nhân lực, nhưng nguồn nhân lực đócó đáp ứng được tiến trình cạnh tranh của doanh nghiệp và của đất nước hay không? “Vì vậy, cần tạo ra những guồng máy nhân sự với tư duy độc lập, đơn giản theo từng bộ phận khác nhau. Để bộ phận quản trị nhân sự ấy, có thể tạo ra những chính sách nhân sự và chuyển đổi sao cho phù hợp vào chính mục tiêu kinh doanh của DN mình”- ông Trai khẳng định.
Nâng cao văn hóa “dụng nhân”
Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực: vốn, cơ sở vật chất, người lao động và cả việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học… các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết và tác động gắn kết với nhau.
Tuy nhiên, các yếu tố như máy móc, vật chất, KT-CN.. chúng ta đều có thể mua được, học hỏi được, sao chép được nhưng con người thì không thể. Điều đó, cho thấy vai trò quản trị nhân sự là hết sức thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của DN. Vì vậy việc hoàn thiện các chính sách đãi ngộ nhân sự, không chỉ của riêng các cấp nhà nước, mà còn là của riêng mỗi đơn vị, DN theo đặc thù hoạt động của mình. Ông Nguyễn Trọng Đàm- Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định trong Vietnam HR Awards 2014.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng, ông Trần Trọng Kiên –Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group cũng cho rằng, muốn bền vững thì ngay từ khi thành lập, mỗi lãnh đạo DN cần phải hoạch định chiến lược nhân sự ngay từ đầu và ngày nay, khi xã hội phát triển, thì văn hóa truyền thống đã không còn thực sự mang tính tích cực. Nếu chúng ta tạo ra môi trường làm việc bình đẳng và thích ứng với khả năng của từng cá nhân thì không chỉ giúp bản thân người lao động có động lực, yên tâm gắn bó lâu dài, mà còn cống hiến nhiều hơn cho DN.
Bộ phận nhân sự cũng chính là nguồn quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ với DN khác, cũng như tạo cho cơ hội đánh giá đúng tính thị trường để đưa ra những mục tiêu phù hợp. “Nhưng các DN Việt Nam hiện nay còn thiếu cán bộ quản lý về cấp trung và cao cấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa có những chính sách phù hợp trong việc đào tạo. Đây chính là những rào cản mà chúng ta cần thay đổi khi nền kinh tế Việt Nam đang dần bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu”. Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.
Nhưng rõ ràng cùng với sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế- xã hội khi Việt Nam đang dần hoàn thiện với nền kinh tế toàn cầu, thì xu hướng quản trị nhân sự ngày càng phức tạp và hiện nay, cả nước có khoảng hơn 500.000 DN đang hoạt động trong mọi lĩnh vực. Nhưng để DN ấy đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế, thì vấn đề quản trị nguồn nhân lực cần nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ đến DN. “Điều đó sẽ như một chất xúc tác, giúp bộ máy DN làm cơ sở để vận hành được trơn tru hơn, tạo một nền tảng vững chắc về năng lực và sự cống hiến của người lao động, giúp DN phát triển bền vững và trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế”. Bà Tiêu Yến Trinh – Tổng giám đốc Talentnet khẳng định.