(CLO) Đó là chia sẻ ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nói về sự hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) hai nước Việt Nam - Cộng hòa Séc trong tiến trình hội nhập kinh tế.
Tại hội thảo "Công nghệ và sản phẩm chất lượng cao của Cộng hòa Séc", ông Lubomir Zaoralek - Bộ trưởng Bộ ngoại giao bày tỏ mong muốn "thông qua hợp tác với Việt Nam, các sản phẩm và DN Séc có thể tiến sâu vào thị trường ASEAN".
[caption id="attachment_55391" align="aligncenter" width="600"]
Các sản phẩm cơ khí của Séc .... - Ảnh: Công ty TNHH Công nghiệp Séc[/caption]
Nhận định về quan điểm này, ông Khương cho rằng, Việt Nam có vị trí vô cùng thuận lợi hay nói cách khác là "đắc địa" tại các khu vực kinh tế trên thế giới. "DN nước ngoài muốn tiến quân vào bất kỳ thị trường nào như ASEAN, Châu Á, hay Đông Bắc Á... thì đều phải đi qua Việt Nam". Điều này cho thấy, Việt Nam có vị trí chiến lược trong phát triển của nhiều nền kinh tế khu vực.
Thể hiện quan điểm về phía Việt Nam, ông Khương cũng cho rằng, thông qua việc hợp tác với Séc, "Việt Nam có thể mở ra cánh cửa rộng lớn hơn để khẳng định vị thế của mình trong Liên minh Châu Âu (EU)" bởi Cộng hòa Séc được đánh giá là một thành viên chủ chốt và phát triển trong cộng đồng kinh tế này.
Bên cạnh đó, Cộng hòa Séc cũng là một trong những nước có trình độ về khoa học công nghệ tương đối phát triển, được đánh giá cao trong EU nên khi hợp tác với Cộng hòa Séc, Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được hai mục tiêu: tiếp cận những kỹ thuật sản xuất tiên tiến của Séc để nhanh chóng đạt tiêu chuẩn hàng hóa tại EU, hai là dễ dàng tiếp cận với thị trường khó tính này được nhiều và nhanh chóng hơn.
Đại diện một DN Việt Nam tại diễn đàn cũng trả lời rằng, chất lượng các công nghệ của doanh nghiệp Séc khá tốt. "Tại hội chợ quốc tế hàng Công nghiệp Việt Nam 2015 đang diễn ra, tôi thấy DN Séc có nhiều sản phẩm công nghiệp đặc biệt như về cơ khí, xây dựng, đóng tàu...Hiện tôi đang quan tâm đến công nghệ cơ khí và đóng tàu của Séc vì tôi đang muốn mở rộng kinh doanh vận chuyển hàng hóa".
Tại diễn đàn, nhiều DN Séc cũng đã nhanh chóng có sự trao đổi với DN Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn về tình hình kinh doanh cũng như mục tiêu của DN Việt. Việc phát triển sự hợp tác một lần nữa thể hiện mong muốn nhanh chóng hội nhập thông qua hợp tác của Việt Nam.
Trao đổi về chiến lược phát triển, ông Khương cũng cho rằng, trước mắt, các DN Việt Nam hãy cứ tăng cường hợp tác với DN Séc, sau đó cố gắng đưa hàng hóa của mình vào thị trường nội địa nước này. Phía Nhà nước cũng đang có những phương án hỗ trợ và nghiên cứu thị trường Séc để giúp đỡ DN nội địa.
[caption id="attachment_55392" align="aligncenter" width="632"]
... sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho DN cơ khí tư nhân nước ta đổi mới công nghệ sản xuất - Ảnh minh họa[/caption]
Phía đại diện Cộng hòa Séc và Việt Nam đều đã thể hiện một sự hợp tác có mục đích và lợi ích khá rõ ràng. Mục đích trước mắt là gia tăng sự hợp tác để "ngành công nghiệp của Séc có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhiều hơn" - phát biểu của ông Stanislav Kazecky - Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Vận tải Cộng hòa Séc và cũng là để "Việt Nam nhanh chóng hấp thụ được tinh hoa công nghệ của Séc", chia sẻ của ông Khương.
Sâu trong sự hợp tác này, đại diện hai bên cũng đều mong muốn tiến thêm một bước xa hơn trong một nền kinh tế rộng lớn và tiềm năng hơn chính là thị trường ASEAN và thị trường EU. Sự hợp tác này như ông Khương đánh giá chính là sự hợp tác có tính "bắc cầu" và đôi bên cùng có lợi sâu sắc.
Quỳnh Liên