Việc Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ (Dept. of Land Transport) Thái Lan cấp Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA-Vehicle Type Approval) giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập xe và chính phủ Indonesia sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Việt Nam theo Nghị định 116 được coi là một tín hiệu vui cho nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Nhiều người tiêu dùng tin vào một cuộc đua về giá xe sẽ tiếp tục vào năm 2018 là hoàn toàn có thể dễ hiểu khi thuế nhập khẩu xe ô tô từ ASEAN đã giảm về từ 30% xuống 0% so với năm 2017. Và hiện tại, các hãng cũng đã và đang đáp ứng được các quỵ định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Chính phủ ban hành để có thể nhập xe về.
Đáng chú ý hơn là việc, các mẫu xe nhập khẩu từ hai thị trường này hầu như đều thuộc diện hưởng thuế 0% theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, giá của nhiều mẫu xe sẽ giảm đáng kể so với trước đó. Ngoài ra, nhiều mẫu xe giá rẻ như: Suzuki Celerio, Toyota Wigo... cũng đang rất “rộng cửa” về Việt Nam trong thời gian tới khi mọi giấy tờ được hoàn tất.
Giá xe nhập khẩu có thể giảm tới 23% khi thuế giảm từ 30% về 0%.
Tuy nhiên, anh Lê Quang Vinh, Giám đốc bán hàng một hãng xe lớn tại Việt Nam cho biết. Đó chỉ là lý thuyết theo công thức tính toán con số, thực tế giá xe khó lòng giảm sâu như vậy. Nếu Nghị định 116 và Thông tư 03 không được sửa thì giá xe ôtô nhập khẩu miễn thuế từ ASEAN về vẫn cao. Bởi lẽ, sau khi cập cảng, riêng việc thử nghiệm từng lô xe đã mất tới 2 tháng và tốn thêm khoản chi phí 10.000 USD.
Hơn nữa, nguyên tắc đánh thuế ôtô của Việt Nam là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ. Thứ tự đánh thuế sẽ là thuế nhập khẩu, sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế GTGT.
Do đó, dù thuế nhập khẩu về 0% nhưng hãng sau đó còn phải cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận hãng. Tất cả các khoản đó khiến ôtô bán ở Việt Nam luôn có giá cao ngất ngưởng so với các thị trường khác.
Giấc mơ về một chiếc “ô tô giá rẻ”, có lẽ, vẫn xa vời vợi.
Hoàng Phi