“Hồi sinh” những công ty thua lỗ
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 2 cho thấy, kinh tế hai tháng đầu năm 2009 đang có dấu hiệu chững lại. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Tại một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản… kim ngạch xuất khẩu đã giảm hơn 20%; giá trị sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ. Theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP. Hà Nội, mức độ suy giảm giá trị sản xuất công nghiệp trong hai tháng đầu năm cho thấy, khả năng sản xuất, kinh doanh năm 2009 sẽ rất khó khăn, thậm chí đẩy nhiều DN mấp mé bờ vực phá sản.
Với chức năng tiếp nhận và xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng theo phương thức chỉ định của Thủ tướng Chính phủ và phương thức thoả thuận theo cơ chế thị trường, DATC đã giúp nhiều DN tái cấu trúc và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực tế hoạt động mua bán nợ của DATC cho thấy, trong năm 2008, Công ty này đã ký được 88 hợp đồng mua nợ và tài sản tồn đọng, với tổng giá trị theo sổ sách lên tới 1.600 tỷ đồng; đưa tổng số nợ mua được từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và các chủ nợ khác đạt 5.883 tỷ đồng sau 5 năm đi vào hoạt động. Cùng với việc mua nợ, DATC đã tích cực xử lý các khoản nợ và thực hiện tái cơ cấu DN để thu hồi nợ, bao gồm cả hình thức chuyển nợ thành vốn góp. Ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC cho biết, nhờ có sự can thiệp kịp thời của Nhà nước (thông qua DATC), hàng loạt DN đứng trên bờ vực phá sản… đã ổn định trở lại, thu về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước từ số nợ và tài sản tồn đọng do DATC tiếp nhận.
Trong thời gian mới thành lập, DATC chỉ tập trung vào việc xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng được Chính phủ chỉ định như: Công ty TNHH Việt Hà, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Hoa, Công ty XNK Ngũ cốc Grainco, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Nhà Cửu Long… Hiện nay, công ty đã tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh, mua bán, xử lý nợ theo hình thức thỏa thuận gắn với quá trình hỗ trợ sắp xếp và chuyển đổi cho DN Nhà nước.
Sinh lời từ những khoản nợ
Tính đến nay, DATC đã và đang triển khai 80 phương án mua, bán, xử lý nợ giúp hệ thống Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần và các chủ nợ khác, xử lý gần 6.000 tỷ đồng nợ xấu. DATC cũng giữ vai trò trợ giúp cho hơn 60 DN giải quyết dứt điểm nợ xấu, trong đó, có nhiều DN đang mấp mé bờ vực phá sản. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, DATC đã giúp các DN thua lỗ thực hiện cổ phần hóa và tham gia quá trình này với tư cách cổ đông chi phối từ phương thức chuyển nợ thành vốn góp. Sau khi chuyển đổi DN thành các công ty cổ phần, DATC phối hợp với nhà đầu tư chiến lược từng bước tái cấu trúc DN, hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi tái cấu trúc.
Theo ông Phạm Thanh Quang, DATC đã giúp chuyển đổi 11 DN Nhà nước thành công ty cổ phần như: CTCP Sadico Cần Thơ, CTCP Mía đường Sơn La, công ty cổ phần Mía đường Kon Tum… Đây là những DN đã mất khả năng thanh toán, có số lũy kế lớn và âm vốn chủ sở hữu từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh việc tái cơ cấu lại tình hình tài chính của DN, DATC đã định hình lại quy trình sản xuất, ổn định lại vùng nguyên liệu và cả tâm lý người lao động…, từ đó thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt phương án chuyển đổi cho các DN này. Đến nay, các DN được DATC tái cấu trúc đều kinh doanh có lãi, trả hết nợ ngân sách, nợ bảo hiểm xã hội và trả gần hết nợ cho DATC. Đặc biệt một số DN đã đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%. Ông Đinh Xuân Vinh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) nhận định, nếu DATC không can thiệp bằng cách mua các khoản nợ của ngân hàng, đồng thời tái cơ cấu lại DN thì không biết sẽ có bao nhiêu DN trong ngành xây dựng phải phá sản, giải thể.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của DATC trong năm 2009, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nhiệm vụ của DATC là thực hiện mua bán nợ của khối DN nhà nước và các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Hoạt động của DATC sẽ góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính, giảm thất thoát tài sản nhà nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2009, DATC sẽ chủ động đa dạng hóa các hình thức mua bán, xử lý nợ. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu việc tạo hành lang pháp lý để DATC mở rộng việc mua bán nợ tại các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đồng thời thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.
Hoàng Mai