Chuỗi cung ứng: Bao giờ mới có?
Được mùa mất giá hay nghịch mùa mà vẫn rớt giá, câu chuyện của thanh long Bình Thuận hôm nay lại nhắc thị trường nông sản - niềm tự hào Việt Nam - về chuỗi cung ứng.
Nhiều năm nay, đặc biệt gần đây xảy ra thường xuyên tình trạng ứ thừa hàng nông sản theo mùa, người dân trồng mà thị trường không tiêu thụ được hết, đẩy giá xuống rất sâu. Dân gần như mất mát rất nhiều sau mỗi vụ trồng trọt và chúng ta thấy có rất nhiều các cơ quan lên tiếng rồi sau đó cũng có nhiều hành động chung tay giúp đỡ. Tuy nhiên đó là hành động nhất thời. Muốn giải quyết việc này về lâu dài chúng ta phải có cách suy nghĩ và làm đồng bộ trên diện rộng.
Trước đây sau khi trồng trọt, chúng ta sơ chế và đợi khách hàng tới thu mua gom hết và chúng ta hầu như không tham gia bất kỳ một công đoạn nào khác, giá tốt chúng ta vui vẻ và mở mang thêm; giá xấu chúng ta than và hầu như không thay đổi gì cả, năm này qua năm khác. Không phải hành tím, dưa hấu mà đại đa số các mặt hàng nông sản chúng ta chỉ trồng và sơ chế, không có hay rất ít những công đoạn làm tăng thêm giá trị gia tăng sản phẩm. Hồi mới mở cửa, chúng ta còn nghèo tư duy như thế thì chấp nhận được. Mười lăm đến hai mươi năm sau, chúng ta đã phát triển hơn rất nhiều, tư duy về sản xuất và phát triển nông nghiệp như thế thì rất không ổn và đầy rủi ro. Chúng ta không chỉ còn trồng trọt và sơ chế nữa, đưa tất cả chuỗi giá trị mang lại lợi nhuận cao nhất vào tay các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia mà chúng ta phải tham gia vào chuỗi giá trị đó.
Bên cạnh việc trồng trọt, thu hoạch sơ chế và chúng ta phải chế biến, phải xây các nhà máy chế biến sâu hơn, đa dạng các sản phẩm chế biến và tham gia mạnh mẽ vào hoạt động phân phối. Với hơn 90 triệu dân tiêu thụ nội địa, có mặt hàng gì ra mà chẳng có thể tiêu thụ. Nếu chúng ta có thể tự lực sản xuất phân phối nội địa thì việc trồng trọt nông sản sẽ dễ dàng hơn. Các nước phát triển như Hà Lan hay Nhật Bản đều làm như vậy. Làm được như vậy chúng ta vừa ổn định nông nghiệp và an toàn cho nông dân, và có thể đàm phán với các nhà mua hàng giá cao hơn, có nhiều sự lựa chọn thay vì chỉ phụ thuộc vào một mình họ.
Việc này cần một chính sách hỗ trợ tinh thần và vốn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến từ Chính phủ, cấp bộ và các thành phố đến các vùng nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp tạo một làn sóng tham gia sản xuất chế biến và phân phối. Dân trồng ra, có các nhà máy chế biến và hệ thống phân phối đến các thị trấn, thành phố cho người dân. Chỉ có như vậy mới giải quyết được rất nhiều vấn đề về nông nghiệp và sản lượng nông sản trồng ra. Hơn nữa phải làm thế nào để các doanh nghiệp hào hứng tham gia sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp - miếng bánh lớn và phân khúc lợi nhuận tốt trong chuỗi cung ứng như chúng ta hào hứng tham gia vào thị trường chứng khoán hay tài chính, thay vì hiện tại chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài hay các công ty đa quốc gia tham gia là chủ yếu!
Ví dụ nhỏ: Chỉ là một sản phẩm gạo, dân Nhật sản xuất không biết bao nhiêu loại bánh, và tìm cách bán. Họ bán sự đa dạng và sáng tạo trên loại bánh. Giá trị sẽ tăng cao thay vì chỉ đợi chờ bán gạo thô như chúng ta. Thanh long Việt Nam có lẽ cũng giống câu chuyện gạo Nhật. “Nông sản Việt như cô gái đẹp ngồi nhà chờ người khác đến hỏi mua” - đó là nhận xét của một doanh nhân có thâm niên trong nghề. Thanh long xứng đáng danh xưng “cô gái đẹp” nhưng đó là vẻ đẹp tiềm ẩn… quá nhiều rủi ro.
Với nông sản, chúng ta mới chỉ làm tốt khâu nguyên liệu, nhưng nguyên liệu cũng chứa đựng nhiều bất cập như chất lượng, năng suất.
Quy mô ngành thanh long Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nhiều lần, nếu không có đột phá về chất lượng và năng suất thì bất ổn là khó tránh khỏi. Nước ta không thiếu đại gia “sinh ra từ làng”, nhưng vấn đề là mối dây liên kết để tạo thành “hệ sinh thái nông sản” còn mờ nhạt.
Kết nối logistics là giải pháp tốt nhất!
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho rằng, để chấm dứt “giải cứu nông sản”, nên xem lại hệ thống phân phối nông sản ở các địa phương và toàn ngành. “Khả năng kết nối theo những mạng lưới logistics là khả quan nhất”. Ông Ban nhấn mạnh.
Phân tích điều này, ông Vân chỉ rõ, vấn đề dư thừa nông sản là do thiếu đi mắt xích phân phối. Ví dụ cần tây có thể dư thừa ở tỉnh này, nhưng nơi khác lại có giá cao vì khan hiếm; dưa hấu đang bị đổ bỏ tại miền Trung, nhưng lại bán giá cao ở vùng núi vùng đông bắc… Nghĩa là mối quan hệ phân phối hàng hóa có vấn đề. Nếu có thể kết nối tốt các doanh nghiệp kinh doanh, điều chuyển hàng hóa hợp lý từ nơi thừa sang nơi thiếu, chắc chắn nông sản không dư mứa!
Một doanh nhân từng là lãnh đạo tập đoàn siêu thị BigC chia sẻ, bài học ở đơn vị kinh doanh lớn này, là di chuyển hàng hóa hợp lý ở từng thời điểm đi từng khu vực thị trường. Khi châu Âu hết mùa thời trang, họ sẽ đưa hàng về vùng Đông Nam Á. Khi nông sản ở Trung Quốc giảm giá, họ sẽ mua để mang sang thị trường châu Úc kinh doanh… Cách làm như vậy của doanh nghiệp, sẽ giúp chấm dứt tình trạng nông sản dồn ứ ở nơi này mà thiếu thốn ở nơi khác.
Ông Vân nhìn nhận, cần xem rõ trách nhiệm của các tổ chức hỗ trợ nông dân. Các sở ngành quản lý là đưa ra chính sách điều phối, Hội Nông dân là tổ chức chính trị xã hội, có thể làm đầu mối kết nối, và Liên minh các HTX là nơi tổ chức liên kết nông dân với doanh nghiệp, hỗ trợ kiến thức canh tác, hợp đồng tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Như thế, doanh nghiệp kinh doanh có thể qua chính sách nhà quản lý, đến gặp nông dân làm các hợp đồng với sự làm chứng của Hội Nông dân, còn quá trình vận động nông dân nuôi trồng, cung cấp hỗ trợ kiến thức khoa học cho họ, rồi tổ chức thu mua, tiêu thụ, là phần việc của Liên minh HTX.
Làm được như vậy, nông dân chỉ tập trung sản xuất, đầu vào đầu ra đều rõ ràng, và họ phải tuân thủ các nguyên tắc hợp đồng đã ký. Họ vi phạm ở chỗ nào, sẽ bị tổ chức hỗ trợ ở đó nhắc nhở.
Thị trường sẽ tự điều phối, doanh nghiệp sẽ tạo các kênh phân phối hàng hóa thông suốt. Vấn đề “giải cứu” nông sản, sẽ tự nhiên không còn nữa!
“Bởi lẽ chúng ta không tạo kênh kết nối, không phân chia rõ trách nhiệm, vai trò hỗ trợ nông dân ở đâu, và nhất là không vận động, chỉ rõ cho người nông dân nhận thức rõ các nguyên tắc và trách nhiệm của họ khi tham gia vào 1 guồng máy thị trường, nên chúng ta cứ mãi quanh quẩn ở tình cảnh hàng hóa nông sản được sản xuất tùy hứng, chạy theo thị trường và luôn kêu cứu. Làm kinh tế mà phải dựa vào tình thương xã hội như thế thì không thể tốt được”. Ông Vân đánh giá như vậy.
Khánh An