Khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai

Thứ ba, 09/05/2023 18:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai…

Cần nhận diện tất cả những thành tựu đạt được và những khó khăn, thách thức

Ngày 9/5, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra trong xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với nội dung báo cáo gồm 2 phần về đánh giá bổ sung tình hình của năm 2022 và kết quả của đầu năm 2023, đề nghị các cơ quan bám sát các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách, các kết luận đánh giá của lãnh đạo chủ chốt hàng tháng, các kết luận của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo hướng ngắn gọn, khái quát hơn, xác thực và khách quan hơn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, có thêm các định lượng để các con số tự nói lên tất cả.

khac phuc tinh trang mot bo phan can bo ne tranh trach nhiem so sai hinh 1

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thể hiện ngắn gọn nội dung đánh giá bổ sung tình hình của năm 2022. Trong đó, bổ sung tập trung làm rõ có thêm 1 chỉ tiêu không đạt, phản ánh chất lượng tăng trưởng và việc ngân sách vượt dự toán. Năm 2022 xây dựng dự toán quá thấp, vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khóa.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc xây dựng dự toán không sát là vấn đề nhiều năm không được khắc phục, có trách nhiệm một phần của Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội; đồng thời bày tỏ lo ngại về quy trình quyết định ngân sách.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nói thêm về điểm sáng của quý 4/2022 là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô trước các cú sốc trong và ngoài nước, giữ được ổn định về tỷ giá và lạm phát. Có được kết quả này là nhờ lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, trong đó, Chính phủ là cơ quan tổ chức thực thi. Trong đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chịu trách nhiệm về vĩ mô và cả Ban Kinh tế Trung ương đóng góp nhiều nỗ lực, cố gắng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô để đánh giá thêm năm 2022, cả những nỗ lực cố gắng đã đạt được và những vấn đề đang đặt ra mà thời gian tới phải tiếp tục xử lý.

khac phuc tinh trang mot bo phan can bo ne tranh trach nhiem so sai hinh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra trong xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương để hoàn thiện báo cáo. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về đầu tư dù nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao. Thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%. Cán cân thương mại thặng dư nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu chủ yếu là đầu tư nước ngoài. Lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân. Các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn.

khac phuc tinh trang mot bo phan can bo ne tranh trach nhiem so sai hinh 3

Các đại biểu dự phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ những con số trên đã nói lên được tất cả mà không cần nhiều lời. Do đó cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai. Cùng với đó, cũng cần đẩy nhanh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch điện VIII.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần nhận diện được hết tất cả những thành tựu, kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức; tập trung nhiều vào việc họp bàn kỹ, quyết theo từng nhóm vấn đề để giải quyết.

Rà soát các thủ tục gây cản trở, ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, người dân

Tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình, thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân tích rõ hơn, kỹ hơn tình hình, hoàn thiện báo cáo. Về khó khăn nội tại, Bộ trưởng nêu rõ, khó khăn lớn nhất là tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc.

khac phuc tinh trang mot bo phan can bo ne tranh trach nhiem so sai hinh 4

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp.

Về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết vấn đề khúc mắc là ở dòng tiền, cần có sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Môi trường đầu tư còn chưa thuận lợi. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay đang có nhiều thủ tục mới phát sinh, nên cần có cuộc tổng rà soát toàn bộ các thủ tục để xem xét những thủ tục nào là thừa, lãng phí, gây cản trở, ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

Nhấn mạnh việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là tương đối khó khăn dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu để có giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn giúp tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề trước mắt, đánh giá khách quan tình hình, linh hoạt ứng phó với biến động kinh tế trong nước và thế giới.

Thiên An

Bình Luận

Tin khác

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai trình Quốc hội

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai trình Quốc hội

(CLO) Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu, rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án trình Quốc hội.

Tin tức
Nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

Nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu triển khai Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tin tức
Chính phủ quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(CLO) Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tin tức
Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại quan trọng nhất của cả nước

Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại quan trọng nhất của cả nước

(CLO) Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á.

Tin tức
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

(CLO) Ngày 18/9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan.

Tin tức