(CLO) Trong những năm qua, hoạt động khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở y tế tư nhân đã có sự phát triển đáng kể. KCB BHYT tại các cơ sở y tế tư nhân giúp cho người bệnh giảm được chi phí đi lại, đồng thời giúp các bệnh viện, phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế tư nhân có nguồn quỹ ổn định để phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn không ít những tồn tại, bất cập. Đó là đánh giá của các chuyên gia tại Hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật về BHYT và ký quy chế phối hợp giữa BHXH & Hiệp Hội các Bệnh viện tư nhân. Vậy đâu là lý do của những tồn tại này? Từ chính sách… Theo ông Vũ Xuân Bằng – Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, năm 2017 với 444 cơ sở KCB tư nhân KCB từ phòng khám trở lên, phòng khám là 292, bệnh viện là 152 cơ sở, trong đó tương đương hạng 2 là 71 bệnh viện và tương đương hạng 3 là 81 bệnh viện KCB BHYT và hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các cở sở KCB tư nhân thực hiện KCB BHYT. Khu vực y tế tư nhân đã góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến TW. Mặc dù vậy việc ban hành các chính sách tạo điều kiện cho khu vực y tế tư nhân phát triển vẫn chưa được thoả đáng. Ông Bằng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế chưa ban hành được thông tư quy định tiêu chí và xếp hạng bệnh viện cho các bệnh viện KCB ngoài công lập, dẫn đến tình trạng vướng mắc trong việc áp giá thanh toán chi phí KCB BHYT, xác định tuyến KCB BHYT… [caption id="attachment_170368" align="aligncenter" width="500"]
Trong những năm qua, hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân đã có sự phát triển đáng kể. Song, những bất cập trọng hoạt động này cũng không phải ít. (Ảnh minh hoạ)[/caption] Một số văn bản quy định về thanh toán chi phí KCB BHYT của Bộ Y tế chậm được sửa đổi, bổ sung như: Quy chế bệnh viện… dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện KCB tại các cơ sở KCB nói chung và các cơ sở KCB tư nhân nói riêng chậm được giải quyết.
“Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị chuẩn… dẫn đến các vướng mắc trong quá trình giám định về mức nhân lực, thời gian, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế nhưng không triển khai đến các cơ sở KCB, dẫn đến các cơ sở KCB không biết định mức này để thực hiện, vì vậy có sự chưa thống nhất trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT”, ông Bằng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, mức giá một số dịch vụ kỹ thuật được phê duyệt theo Thông tư số 37 chưa phù hợp với chi phí thực tế, có một số DVKT thấp hơn chi phí thực tế, còn lại hầu hết các DVKT cao hơn nhiều so với chi phí thực tế của các cơ sở bỏ ra, dẫn đến tình trạng cơ sở KCB tập trung chỉ định người bệnh thực hiện nhiều DVKT này nhằm thu lợi cao.
…đến việc tổ chức thực hiện Một số khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Y tế chậm được giải quyết mặc dù đã có nhiều văn bản kiến nghị; BHXH một số tỉnh , thành phố chưa quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở KCB tư nhân được ký hợp đồng KCB BHYT…; Các cơ sở KCB tư nhân chưa phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong việc cung cấp thông tin để giải quyết kịp thời những vướng mắc còn tồn tại… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện KCB theo BHYT tại khu vực tư nhân chưa được diễn ra theo ý muốn. “Những lý do trên dẫn đến hàng loạt những bất cập như: PKDK tư nhân không đủ điều kiện là cơ sở KCB BHYT ban đầu nhưng vẫn ký hợp đồng là cơ sở KCB BHYT ban đầu. Cơ sở KCB tư nhân không đủ số bác sĩ làm việc cơ hữu tại cơ sở KCB, thiếu nhân lực về xét nghiệm hoặc X quang hoặc dược làm việc trong giờ hành chính, do đó không đảm bảo việc KCB và cấp thuốc cho người bệnh”, ông Vũ Xuân Bằng dẫn chứng. Đặc biệt, nhiều cơ sở KCB có biểu hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tình trạng chỉ định thuốc đắt tiền, chỉ định nhiều DVKT đối với người có thẻ BHYT nơi khác đến KCB, thu hút, thu gom người bệnh đang diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, việc thực hiện các DVKT vượt mức thời gian quy định của Bộ Y tế đang là thực trạng đáng lo ngại ở khu vực KCB tư nhân. Ông Bằng dẫn chứng: BV Thái Thượng Hoàng – Nghệ An chỉ định hàn Composite cổ rang 24 răng/lần, tính bình quân thực hiện chỉ 5phút/1 răng, trong khi định mức của Bộ Y tế phải là 30 phút rang để đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở KCB tư nhân có tỷ lệ chỉ định Nội soi TMH gần 100% cho các dối tượng đến khám tại bàn khám TMH, hoặc tỷ lệ chỉ định chụp CT-Scanner chiếm gần 50% số bệnh nhân vào điều trị tai Khoa YHCT.
“Đáng chú ý nhiều bệnh viện tư nhân trước kia đề nghị được xếp tương đương hạng II để được thanh toán tiền khám bệnh, tiền ngày giường ở mức giá cao, khi thực hiện chính sách KCB BHYT thông tuyến huyện thì lại đề nghị xuống tương đương hạng III (tuyến huyện) để được KCB thông tuyến mà không có sự thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất, cung cấp DVKT”, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT cho hay. Trước những thực trạng nếu trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, trong thời gian tới, BHXH sẽ tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện công tác giám định, tạm ứng kinh phí, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định hiện hành, không phân biệt cơ sở KCB tư nhân được tham gia ký hợp đồng KCB BHYT một cách công bằng. Có thể thấy rằng, việc KCB BHYT của các cơ sở y tế tư nhân góp phần tạo động lực để người dân tham gia BHYT, hướng tới nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Việc này gắn liền với an sinh xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, do đó đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân và khắc phục các bất cập đang hiện hữu.
Bảo Quyên