(NB&CL) - “Những năm qua, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng chưa thể đủ; vì để đạt được Khát vọng Quảng Ninh: “Đến năm 2030 xây dựng thành công tỉnh Quảng Ninh giàu, đẹp, hiện đại, văn minh bằng chính bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình” còn cả một chặng đường dài phấn đấu bền bỉ phía trước”. Đồng chí Nguyễn Đức Long- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh- đã chia sẻ với báo Nhà báo & Công luận như vậy về những nỗ lực bứt phá của Đảng bộ và nhân dân vùng mỏ để trở thành đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thị sát khu kinh tế Vân Đồn
+ Quảng Ninh được ví như Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ tài nguyên, rừng vàng, biển bạc, nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển. Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày thành lập, Quảng Ninh đã phát huy một cách hiệu quả những giá trị riêng biệt ấy, đồng chí có thể cho biết thêm?
- Trước hết phải khẳng định thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Ninh và lịch sử hào hùng của các thế hệ cha ông đã để lại trên mảnh đất này những giá trị rất khác biệt: vị trí địa chiến lược quan trọng; có nhiều cảnh quan nổi trội có một không hai; nguồn tài nguyên than đá khổng lồ; nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên của Việt Nam và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Những giá trị riêng biệt đó đã được các thế hệ cha ông phát huy trong công cuộc đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lan tỏa các giá trị, lợi ích cho đất nước. Đến nay, Quảng Ninh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước; trong đó có trung tâm sản xuất công nghiệp (khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng…); trung tâm du lịch và trung tâm thương mại dịch vụ cửa khẩu quốc tế. Các thế hệ đi trước đã để lại cho Quảng Ninh một nền tảng phát triển rất cơ bản, để trong tương lai Bộ Chính trị đã định hướng trong Thông báo số 108-TB/TW ngày 1/10/2012: “Đến năm 2020 xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước”. Để kế thừa và phát huy truyền thống của đất Mỏ anh hùng, tỉnh Quảng Ninh hiện đang tập trung tổ chức thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".
+ Nhiều năm qua, Quảng Ninh đã nỗ lực về mọi mặt để phát triển bứt phá. Nhưng để trở thành “đầu tàu kinh tế”, Quảng Ninh còn nhiều việc phải làm, thưa ông?
- Những năm qua, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng chưa thể đủ; vì để đạt được Khát vọng Quảng Ninh: “Đến năm 2030 xây dựng thành công tỉnh Quảng Ninh giàu, đẹp, hiện đại, văn minh bằng chính bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình” còn cả một chặng đường dài phấn đấu bền bỉ phía trước. Những gì chúng tôi đã làm được chưa thể đủ điều kiện hoàn toàn để hiện thực hóa khát vọng nhưng ít nhất đã góp phần đặt nền móng và xác lập phương hướng để hoàn thành nó. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào một số việc trọng tâm:
Một là, tạo sự đột phá về thể chế. Chúng tôi đã xây dựng và sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo của Trung ương về hai đề án “Phát triển KT-XH nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” và Đề án “Xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn”. Bên cạnh đó, nghiên cứu và từng bước áp dụng mô hình quản lý “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “sử dụng công, đầu tư tư” cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, công viên, bảo tàng, thư viện, cung văn hóa, công trình công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước... Áp dụng những mô hình này sẽ góp phần làm giảm đầu tư công, huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách, tinh giản được bộ máy đồng thời quản lý chuyên nghiệp hơn.
Hai là, tạo sự đột phá về hạ tầng. Đây là điểm nghẽn của tăng trưởng, do vậy trước hết phải tập trung xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch quan trọng; đồng thời huy động mọi nguồn lực, tích cực phát triển thành phần kinh tế sở hữu hỗn hợp để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu (đường cao tốc, sân bay, hạ tầng khu công nghiệp...).
Ba là, tăng cường dân chủ để phát huy cao độ quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân. Thúc đẩy dân chủ trong kinh tế bằng việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để giải phóng mọi nguồn lực trong nhân dân, xác lập cơ chế bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển một cách bình đẳng. Tăng cường dân chủ trong chính trị; đó là việc mở rộng quyền của người dân trong việc thể hiện ý kiến, tham gia vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, hoạch định chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn bản pháp quy, bầu trực tiếp người quản lý lãnh đạo mình... Đi liền với quá trình này sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của chính quyền các cấp.
Bốn là, coi cải cách hành chính là trọng tâm của cải cách thể chế. Trước mắt là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, biên chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và vận hành có hiệu quả các trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh và các TP. Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí. Bên cạnh đó, chú ý đẩy mạnh xã hội hóa, thúc đẩy dịch vụ tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, thể thao...
Năm là, xác định con người là yếu tố quyết định sự phát triển. Chúng tôi từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy xây dựng Trường Đại học đa ngành Hạ Long và các trường, trung tâm đào tạo nghề; làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và luân chuyển cán bộ; tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý cấp sở.
Sáu là, nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao và làm chủ khoa học công nghệ. Hàng năm bố trí 4-5% chi thường xuyên (mức cao nhất trong cả nước, theo mức quy định của Quốc hội là không dưới 2%). Đồng thời gắn khoa học công nghệ với giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường;
Bảy là, tập trung thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát triển một cách bền vững, góp phần làm giàu khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và hải đảo.
+ Định hướng phát triển của Quảng Ninh trong thời gian tới là tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, hướng tới sự bền vững. Đâu là những thách thức của quá trình chuyển đổi này, thưa ông?
- Trong quá trình phát triển theo định hướng trên, Quảng Ninh đang phải đối mặt với 4 thách thức chủ yếu: Một là, thách thức đồng thời phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững vừa phải góp phần bảo vệ quốc phòng – an ninh, đảm bảo độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; Hai là, thách thức giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh trong khi phải đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; Ba là, thách thức giữa phát triển đô thị nhanh (tỷ lệ đô thị hóa cao 61%) với giải quyết vấn đề môi trường sống; Bốn là, thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao (Quảng Ninh có 9 huyện ven biển, trong đó có 8 xã dưới mực nước biển). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang gặp phải 2 mâu thuẫn xung đột: Giữa việc giải phóng tiềm năng thế mạnh còn phong phú, đa dạng với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; đây cũng chính là quan hệ sản xuất chưa phát triển cân đối, phù hợp với lực lượng sản xuất. Và giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn.
Đây đều là những vấn đề lớn, khó khăn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần có lộ trình thực hiện một cách hài hòa, hợp lý và linh hoạt. Để góp phần giải quyết những mâu thuẫn, thách thức trên, Quảng Ninh đang tiến hành một loạt các giải pháp, trong đó có 7 giải pháp quan trọng mà tôi đã đề cập.
“Xin được bày tỏ tấm lòng trân trọng và sự tri ân đối với các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã sát cánh, chia sẻ cùng tỉnh Quảng Ninh trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. có thể khẳng định, những thành quả trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội mà tỉnh Quảng Ninh đạt được có đóng góp rất quan trọng của báo chí. Báo chí đã luôn đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh vượt qua những khó khăn thách thức; đi cùng với những sự kiện lớn của tỉnh để phản ánh, tuyên truyền một cách kịp thời và khách quan nhất. trên con đường hiện thực hóa “Khát vọng Quảng Ninh” còn rất nhiều khó khăn, thách thức; bên cạnh những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, sẻ chia, đồng hành của cộng đồng báo chí trong việc tuyên truyền quan điểm đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phản ánh, ghi nhận những cách làm hay, sáng tạo, các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; góp phần đẩy lùi tiêu cực, tạo sự thống nhất cao trong quần chúng nhân dân cùng nhất trí một lòng vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh”.
Hồng Sâm - Ngọc Lành (Thực hiện)