Báo chí và sứ mệnh hòa bình trong thời chiến

Khi báo chí một lần nữa phải ra tiền tuyến

Thứ năm, 20/06/2024 07:29 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phóng viên chiến trường là công việc nguy hiểm nhất trong nghề báo. Cái tên của nó đã nói lên tất cả. Về cơ bản họ sẽ ra tiền tuyến để đưa tin về xung đột, qua đó có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Nhưng báo chí sẽ không “ra trận” để cổ xúy cho bạo lực hay đánh bại bên nào, mà ngược lại góp phần cùng các bên tìm kiếm hòa bình.

Báo chí và sứ mệnh hòa bình trong thời chiến

Việc thế giới liên tục rơi vào vùng xoáy của xung đột đã khiến báo chí toàn cầu lại phải đối mặt với thử thách cao nhất trong sự nghiệp, đó là tác nghiệp trong chiến sự. Dù không một nhà báo chân chính nào muốn phải bước vào hành trình này, song với một trong những đặc tính của nghề báo là sự dấn thân, báo chí không thể né tránh những cuộc cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới.

Khái niệm phóng viên chiến trường được nhắc đến ngày càng nhiều

Dù nhân loại chưa bao giờ ngừng xung đột vũ trang trong lịch sử, nhưng hiện đang là thời điểm mà một hoặc một số thế hệ của thế giới mới cùng cảm nhận được chiến tranh lại gần đến thế. Hằng ngày, thậm chí hàng giờ, chúng ta đều được nghe tin về các trận chiến khốc liệt ở Ukraine, Gaza và vô số khu vực khác.

Bài liên quan

Gần như tất cả những thứ vũ khí hủy diệt nhất mà nhân loại từng phát minh ra đã được sử dụng để hủy diệt lẫn nhau trong vài năm qua. Ngay cả thứ vũ khí đáng sợ nhất trong lịch sử là hạt nhân cũng đang được các bên đem ra để đe dọa. Có thể nói, kể từ chính cuộc chiến trên đất nước Việt Nam kết thúc cách đây gần tròn nửa thế kỷ, nhân loại mới cảm nhận được mùi bom đạn thực sự là như thế nào. Cũng chưa bao giờ người ta lại cảm nhận được nguy cơ chiến tranh thế giới lại gần đến thế kể từ sau khi nhân loại kết thúc Thế chiến II đã được gần tròn 80 năm. Cũng bởi vậy, sau một thời gian dài, chưa bao giờ khái niệm phóng viên chiến trường lại được nhắc nhiều đến vậy như hiện nay.

khi bao chi mot lan nua phai ra tien tuyen hinh 1

Phóng viên chiến trường là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới.

Nói thế để thấy rằng, chiến tranh về cơ bản đã trở lại với thế giới sau nhiều thập kỷ nhân loại được sống trong một nền hòa bình cơ bản. Thực ra, thế giới cũng đã lường trước được viễn cảnh này sẽ xảy ra. Điều đó phần nào được phản ánh qua bộ phim nổi tiếng được phát hành năm 2015 của Đức có tên “Er ist wieder da”, được dịch là “Xem ai trở về này” và dựa theo tiểu thuyết cùng tên. Nhiều người thường gọi bộ phim này với cái tên “Hitler trở lại” hơn, như chính nội dung của nó.

Thực ra, đó là một bộ phim hài hư cấu nói về việc trùm phát xít Đức Quốc xã trong Thế chiến II từ quá khứ vô tình đến với thế giới hiện đại. Dù Hitler là thật nhưng chẳng ai sợ ông ta, thậm chí tưởng rằng đó là một anh hề đóng thế. Bộ phim lấy bối cảnh thế giới lúc đó đang tận hưởng một “nền hòa bình” mà trong đó các chương trình “hot” trên TV thường là về đề tài nấu ăn, chăm sóc thú cưng hay một “gameshow” nào đó. Bộ phim thực ra đầy tính hài hước và giải trí, nhưng vẫn đủ sâu sắc để nhắc nhở cho nhân loại rằng nền hòa bình thế giới khi đó thực ra rất mong manh. Nếu chúng ta không gìn giữ và củng cố, một ngày nào đó việc “Hitler trở lại” sẽ là sự thật. 

Hiện, mối nguy đó đang dần hiện hình. Đến lúc này thế giới vẫn còn kiểm soát được các cuộc chiến ở Gaza hay Ukraine, song nó hoàn toàn có thể lan rộng và bùng phát. Lúc này, cũng chẳng còn ai hay bất cứ quốc gia nào dám tự khẳng định rằng chiến tranh sẽ loại trừ mình, khi mà ở khu vực nào cũng đầy điểm nóng xung đột, tranh chấp hoặc nếu không cũng là những điểm nóng địa chính trị.

Như vậy, thế giới báo chí nói chung đã và đang một lần nữa phải đứng trước sứ mệnh như đã nói là khó khăn và nguy hiểm nhất trong nghề. Đó là ra tiền tuyến. Dù không một nhà báo chân chính nào muốn phải bước vào hành trình này, song với một trong những đặc tính của nghề báo là sự dấn thân, báo chí không thể né tránh những cuộc cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới, cũng như cả những viễn cảnh có thể tồi tệ hơn trong tương lai.

khi bao chi mot lan nua phai ra tien tuyen hinh 2

Những nhà báo chiến trường từ quá khứ cho tới hiện tại luôn phải mang trong mình sứ mệnh đóng góp vào hòa bình. Ảnh: Daily Express

Đừng là “báo chí chiến tranh”

Nghiên cứu cho thấy báo chí chiến tranh có thể có tác động tiêu cực về mặt cảm xúc đối với khán độc giả. Chúng bao gồm cảm giác tuyệt vọng và bất lực, kết hợp với sự lo lắng gia tăng, rối loạn tâm trạng, buồn bã và cảm giác mất kết nối với môi trường vật chất và xã hội. Cụ thể, trong nghiên cứu của Galtung và Ruge (1965) xu hướng này rất tiêu cực từ các tin tức nước ngoài. Điều này cũng đã được nghiên cứu của Nohrstedt và Ottosen (2008) xác nhận.

Ngoài ra, “Báo chí chiến tranh” có thể ảnh hưởng đến phản ứng đối với chính cuộc xung đột và sức khỏe tâm lý chung của khán độc giả, khiến quan điểm của họ về thế giới là quá hỗn loạn và có thể gây ra lo lắng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, những trạng thái cảm xúc tiêu cực, thậm chí bất lực, khiến độc giả sẽ có xu hướng coi đó là những “vấn đề của người khác”. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong việc giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình.

“Báo chí hòa bình”, không phải “báo chí chiến tranh”

Nhưng, sứ mệnh của báo chí thời chiến nói chung, phóng viên chiến trường nói riêng, là gì? Liệu đó có phải là các nhà báo sẽ liều mình đến tiền tuyến chỉ để đưa tin về những gì đang xảy ra hay không? Vâng, hiển nhiên đó là một phần rất quan trọng, nhưng không phải mục đích cuối cùng và cao cả nhất của sứ mệnh này.

Trong mọi lĩnh vực trong đời sống, báo chí không chỉ đến để đưa tin, mà còn phản ánh, góp phần bảo vệ cái đúng và đưa những mặt tối ra ánh sáng, đặc biệt còn có thể đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề. Đối tượng chiến tranh của báo chí cũng không phải ngoại lệ.

Hãy lưu ý, báo chí chính thống có khái niệm “phóng viên chiến trường”, song không hề có khái niệm “báo chí chiến tranh”, mà chỉ có “báo chí hòa bình”.

Vậy, “báo chí hòa bình” là gì? Về học thuật, đó là một phong cách và lý thuyết đưa tin nhằm mục đích xử lý các câu chuyện về chiến tranh và xung đột một cách phù hợp. Lý thuyết này còn đề xuất các giải pháp để các nhà báo làm việc với các bên, các chuyên gia… nhằm tìm câu trả lời và giải quyết những mâu thuẫn của cuộc chiến.

Thực ra, đâu đó cũng có cái gọi là “báo chí chiến tranh”, nhưng đó là do thực tế mang lại và được xem như một sự lệch lạc trong môi trường truyền thông thời chiến. Cụ thể, đó là xu hướng một số phóng viên chiến trường hay những nhà báo, biên tập viên tham gia đưa tin về chiến sự, có những bài viết mang tính cổ xúy bạo lực và các nhóm bạo lực. Những bài viết này có thể gây tò mò và thậm chí gây phấn khích cho độc giả, nhằm “câu view” như giới truyền thông hiện tại thường nói. Đó là những bài viết sẽ chỉ góp phần gây ra thù hận, gây thêm phản ứng bạo lực và bỏ qua các giải pháp giải quyết xung đột trong hòa bình.

Đó là cách làm báo mà không ngôi trường báo chí hay tổ chức báo chí nào khuyên dạy hoặc ủng hộ. Nhưng thực tế, đó là một xu hướng, dù cố tình hay vô ý, mà báo chí cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam đều mắc phải.

Báo chí hòa bình, hay phóng viên chiến trường, tất nhiên vẫn sẽ đưa tin về những trận chiến, cả những cảnh chết chóc - thông qua các bài viết, những hình ảnh hay những đoạn video - song chỉ để lột tả tội ác và cần phải hướng những thông tin đó như là hậu quả đáng sợ để các bên tham chiến cần nhìn lại, giúp cộng đồng quốc tế lên án để có những giải pháp kết thúc cuộc chiến trong hòa bình.

Nhưng ngày nay, trong một bộ phận không nhỏ của giới truyền thông, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội, dường như người ta chỉ thấy có “báo chí chiến tranh”, nhằm “câu like”, “câu view”... để đáp ứng thuật toán kích thích sự tranh cãi của các mạng xã hội và vì một lợi ích nào đó.

khi bao chi mot lan nua phai ra tien tuyen hinh 3

Nhà báo Wael Dahdouh của Al Jazeera nắm tay con trai Hamza - người cũng là phóng viên chiến trường và thiệt mạng ở Rafah, Dải Gaza vào ngày 7 tháng 1 năm 2024. Ảnh: AP

Nhà báo có nguy cơ tử vong nhiều hơn cả binh lính

Trước chiến sự Israel - Hamas, có khoảng 1000 nhà báo ở Gaza. Và theo thống kê tính đến hết năm 2023, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) thông báo rằng 75 nhà báo được ghi nhận đã thiệt mạng trong riêng cuộc chiến này, dù con số thực tế có thể còn cao hơn. Dẫu vậy, 75 nhà báo ở Gaza thiệt mạng đã đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong là 7,5% (75/1000), cao hơn nhiều so với tỷ lệ các binh lính thiệt mạng trong chiến sự này, cũng như các cuộc chiến lớn trong quá khứ. Lý do thật đơn giản, các nhà báo ở Gaza phải sắm nhiều vai một lúc, từ phóng viên chiến trường, người dân trong chiến sự và cũng phải đối mặt với bom đạn không khác gì các binh lính.

khi bao chi mot lan nua phai ra tien tuyen hinh 4

Phóng viên tác nghiệp trong chiến sự ở Gaza. Ảnh: Getty Images

Sứ mệnh nguy hiểm nhất và cao cả nhất

Hiển nhiên, như chính các cuộc chiến, hòa bình thường chỉ được lập lại sau nước mắt, máu và sự khổ đau. Với báo chí trong thời chiến cũng vậy, khi đưa tin về chiến sự, rất nhiều phóng viên chiến trường đã phải bỏ mạng cùng với các binh sĩ ngoài mặt trận, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến.

Người ta có thể thấy tất cả hình ảnh đó ở nhà báo Wael Dahdouh của hãng tin Al Jazeera trong những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến ở Gaza. Cảnh quay ông đang trực tiếp đưa tin về cuộc chiến thì nghe tin vợ, hai đứa con nhỏ và một cháu trai thiệt mạng trong một vụ không kích, đã khiến hàng triệu khán độc giả trên toàn cầu phải rơi lệ. Nhất là sau đó chương trình phát sóng tiếp tục theo chân ông đến bệnh viện ghi lại cảnh ông ôm thi thể vợ và hai đứa con nhỏ trong bệnh viện.

Chỉ vài tuần sau, người con trai lớn 27 tuổi của Wael Dahdouh, cũng là một phóng viên chiến trường, tiếp tục thiệt mạng vì bom đạn ở Gaza. Những bài viết, những hình ảnh và cảnh quay cho thấy ông tiếp tục phải chôn cất đứa con trai và cũng là đồng nghiệp của mình, và rồi chỉ một ngày sau ông lại tiếp tục quay trở lại công việc đưa tin về chiến sự. 

Cuộc chiến ở Gaza nói chung chính là ví dụ thảm khốc cho thấy nghề phóng viên đáng sợ thế nào trong chiến sự. Hồi đầu năm nay, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) tổng kết rằng có tới 85 nhà báo và nhân viên truyền thông thiệt mạng ở Gaza và trong những trận chiến liên quan vào năm 2023. Trong một thống kê khác tính đến cuối tháng 2/2024, Văn phòng tuyền thông ở Gaza đã thông báo rằng đã có tới 132 nhà báo thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas nổ ra từ ngày 7/10/2023.

Chưa hết, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng chỉ ra rằng 10 tuần đầu tiên của cuộc chiến Israel - Hamas được ghi nhận là thời kỳ nguy hiểm nhất đối với các nhà báo, khi có nhiều nhà báo bị giết nhất trong một năm tại cùng một khu vực. Cùng với hàng chục nhà báo khác, gồm cả nước ngoài, cũng đã thiệt mạng sau hơn 2 năm chiến sự ở Ukraine, thì về cơ bản thế giới báo chí nói chung đã một lần nữa phải dấn thân vào chiến trường.

Đó sẽ là một cuộc chiến thực sự của báo chí, nhưng không phải cuộc chiến mà một bên này muốn đánh bại bên kia. Mà cuộc chiến của báo chí chỉ nên có một mục tiêu duy nhất là góp phần mang lại hòa bình. Xin nhấn mạnh lại rằng “báo chí hòa bình”, không phải “báo chí chiến tranh”, là công việc khó khăn nhất và nguy hiểm nhất, song cũng có thể nói cao cả nhất trong nghề báo!

Trần Hòa

Bình Luận

Tin khác

Instagram hạn chế các tính năng của tài khoản dành cho trẻ em

Instagram hạn chế các tính năng của tài khoản dành cho trẻ em

(CLO) Instagram sẽ tự động chuyển tài khoản của những người dùng dưới 18 tuổi sang chế độ riêng tư để tạo ra môi trường an toàn hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên trên nền tảng này.

Báo chí - Công nghệ
Điện Kremlin phản đối việc Meta chặn các phương tiện truyền thông Nga

Điện Kremlin phản đối việc Meta chặn các phương tiện truyền thông Nga

(CLO) Quyết định của Meta về việc chặn tài khoản của một số phương tiện truyền thông Nga là không thể chấp nhận được, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Báo chí - Công nghệ
Những gì Financial Times học được từ việc thử nghiệm với AI

Những gì Financial Times học được từ việc thử nghiệm với AI

(CLO) Khi tờ Financial Times (FT) thành lập nhóm AccelerateAI vào đầu năm nay, họ đang cố gắng tìm hiểu, khám phá những cơ hội cũng như mối đe dọa mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cho tờ báo.

Báo chí - Công nghệ
Sam Altman rời Ủy ban An toàn của OpenAI, nhường quyền cho nhóm độc lập

Sam Altman rời Ủy ban An toàn của OpenAI, nhường quyền cho nhóm độc lập

(CLO) CEO của OpenAI, Sam Altman, đã thông báo rời khỏi Ủy ban An toàn và Bảo mật - một ủy ban nội bộ mà OpenAI thành lập vào tháng 5 nhằm giám sát các quyết định về an toàn quan trọng liên quan đến dự án và hoạt động của công ty.

Báo chí - Công nghệ
TikTok đối mặt với phiên tòa có thể quyết định số phận ở Mỹ

TikTok đối mặt với phiên tòa có thể quyết định số phận ở Mỹ

(CLO) TikTok và công ty mẹ ByteDance sẽ phải ra tòa vào ngày 16/9 trong một cuộc chiến pháp lý nhằm ngăn chặn đạo luật có thể cấm ứng dụng này ở Mỹ sớm nhất là vào ngày 19/1 năm sau.

Báo chí - Công nghệ