Nhớ lại khi phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Sau 75 năm từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giữa nắng, gió của mùa thu Hà Nội; sau 45 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, đất nước rơi vào tình cảnh khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Diện mạo kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội ổn định; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nổi bật là: Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước…
Thành tựu lớn nhất và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là không những phá được thế cô lập, bao vây, cấm vận trước đó, mà còn đạt được thành quả vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng được vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương. Những sự kiện ngoại giao nổi bật gần đây được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đó là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu); đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020… Ngoài ra, những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc với tư cách thành viên cũng như tại G20 với tư cách khách mời đã được bạn bè, đối tác hưởng ứng tích cực.
Đặc biệt, thành công và kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình của Việt Nam cho một số nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác của Việt Nam ghi nhận, đánh giá rất cao… Qua đó càng khẳng định vị thế lớn chưa từng có của Việt Nam trên trường quốc tế sau 75 năm.
Đại dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát trở lại sau gần 100 ngày ngủ yên đang đặt đất nước, đặt thời cuộc vào một thử thách mới. Nhưng sự thành công bước đầu của cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 đã và đang chứng minh thêm một lần nữa về vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc dẫn dắt nhân dân chiến đấu chống lại kẻ thù giấu mặt. Đặc biệt đã không để ai lại phía sau.
Hãy nhìn vào những dòng người Việt trở về đất Việt trong đại dịch Covid-19. Hãy nghe những lời nói “Cảm ơn Việt Nam” từ chính những bệnh nhân người nước ngoài sau khi được chữa trị, được chăm sóc ở các khu cách ly tập trung; Hãy lắng nghe thế giới ca ngợi Việt Nam về phương pháp, cũng như kết quả kiểm soát dịch bệnh.
Có lẽ, nếu không kể đến những thiệt hại về kinh tế thì dấu ấn nổi bật nhất trong và sau đại dịch Covid-19 là niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Chính phủ. Những gì mà Đảng, Chính phủ Việt Nam đã và đang làm đã khẳng định tính ưu việt, nhân văn của xã hội chủ nghĩa mà ở đó vai trò dẫn dắt của Đảng được phát huy tối đa; xóa tan đi những luận điệu xuyên tạc vu khống của những thế lực thù địch, những kẻ cực đoan đâu đó vẫn tồn tại. Đại dịch cũng đã đổi thay những quan điểm, xóa tan những nhận thức mù mờ của rất nhiều người.
Niềm tin là một tình cảm tự nhiên, thể hiện những điều xác tín thiêng liêng của con người vào những điều tốt đẹp. Nếu như trong kháng chiến, cả nước cùng chung một sứ mệnh là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, quân - dân hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì thời nay, trước sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc về cơ cấu giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, việc khơi nguồn, kiến tạo niềm tin cho nhân dân cùng gánh vác mục tiêu chung của Đảng và dân tộc không phải chuyện đơn giản.
Lòng dân là quốc bảo. Có lòng dân là có tất cả. Mất lòng dân là mất hết. Điều này hầu như cán bộ, đảng viên nào cũng thuộc nằm lòng, nhưng vấn đề là ở chỗ: Nói bao giờ cũng dễ, hiểu ra vấn đề không khó, cái khó chính là nói đi đôi với làm. Thời cuộc thử thách lòng yêu nước. Đại dịch Covid-19 giống như một phép thử mới về sức mạnh của tính cộng đồng của người Việt. Đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, nhưng tôi tin niềm tin sẽ ở lại, rằng: Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: Mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu - Đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Những lời hào hùng đầy khí phách dân tộc này đã thôi thúc các thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương trong suốt ba thập kỷ, làm nên những chiến thắng phi thường và đem lại nền độc lập thống nhất vững bền cho đất nước từ năm 1975.
Thấm đẫm tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể khẳng định: “Một dân tộc đã chấp nhận muôn vàn hy sinh mất mát để giành lại nền độc lập tự do trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của mình, một dân tộc đã quả cảm cải cách để bước lên hàng đầu trong dòng chảy thời đại trong mấy thập kỷ đổi mới vừa qua, dân tộc đó phải được phồn vinh! Dân tộc đó phải được hùng cường!”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chia sẻ về khát vọng dân tộc hùng cường. Phát biểu khai mạc Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2020, một lần nữa Thủ tướng bày tỏ về khát vọng lớn lao ấy: “Dân tộc chúng ta là con Lạc cháu Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa như truyền thuyết chim Lạc”.
Chúng ta cũng sẽ có ba thập kỷ để làm nên những kỳ tích làm kinh ngạc thế giới và đưa Việt Nam đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045. Và năm 2045 cũng chính là năm chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Một dân tộc từ đói nghèo và khó khăn chỉ có thể trỗi dậy như phượng hoàng bay vút lên từ đống tro tàn nhờ đôi cánh “xúc cảm dân tộc” và “trí tuệ khai sáng”. Trên đôi cánh này, ba động lực chủ đạo sẽ giúp Việt Nam làm nên những kỳ tích phát triển, là khát vọng dân tộc mãnh liệt, năng lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0
Khát vọng dân tộc mãnh liệt, đặc biệt trong thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức, và cộng đồng doanh nhân - những người đứng mũi chịu sào trong kiến tạo nên của cải cho xã hội có vai trò rất quan trọng. Nó là động lực trung tâm tạo nên sức mạnh vô song của xúc cảm dân tộc. Khát vọng dân tộc, nếu được thấm nhuần tinh thần khai sáng và ý chí học hỏi sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ công cuộc phát triển.
Xây dựng một xã hội phồn vinh, thịnh vượng là một hành trình vẻ vang và thôi thúc, nhưng cũng vô cùng gian khó và thách thức. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng và cảm hứng mà cả tầm chiến lược và ý thức sứ mệnh. Để hình thành một chiến lược mạnh mẽ và có hiệu lực cao, chúng ta không chỉ đưa ra tầm nhìn khát vọng và thôi thúc ý chí dân tộc mà còn phải thấu hiểu những thách thức cốt lõi mà đất nước phải vượt qua. Chúng ta vui mừng với những kết quả đã đạt được nhưng chúng ta sẽ “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” bởi chúng ta ý thức rõ ràng rằng, bên cạnh những thành tựu, những điểm sáng thì bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước vẫn còn không ít những gam màu xám và con đường đi lên của đất nước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
“Ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao đang ở ngay trước mắt”, nhưng bẫy thu nhập trung bình vẫn như một cột mốc cao đòi hỏi tất cả chúng ta phải chung sức đồng lòng mới có thể vượt qua. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Nếu chúng ta tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng GDP cao như hiện nay thì trong 2 thập niên tới chúng ta trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm”.
Bên cạnh đó, đồng bào và cử tri cả nước vẫn còn bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường; mất vệ sinh an toàn thực phẩm; tệ nạn lan tràn; văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp; trước “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa, biến chất; hiện tượng “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “đồng chí này là con đồng chí nào”,… vẫn còn diễn ra. Chúng ta cũng đã tích cực cải cách, nhưng vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên rải thảm, dưới rải đinh. Thực tế vẫn tồn tại không ít thủ tục, “giấy phép con” không chỉ hành người dân, doanh nghiệp mà hành cả cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống công quyền, đến mức các đại biểu Quốc hội phải cảm thán trong phiên họp tại nghị trường được tường thuật trực tiếp tới đồng bào và cử tri cả nước.
Và đau xót hơn, lòng tham mù quáng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã dẫn lối đưa đường khiến nhiều cán bộ cao cấp không chiến thắng được cám dỗ, thực hiện chuyến tàu vét vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ, dẫn tới bị kỷ luật, bị sa vào vòng lao lý. “Tôi có ăn năn hối hận một ngàn lần đi nữa cũng đã muộn rồi. Bây giờ đối với cuộc đời tôi đã mất tất cả”; “Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù”; “Bị xử về tội tham nhũng là một nỗi nhục, như nhát dao, nhát chém để lại vết sẹo trong tâm hồn tôi đến hết cuộc đời”… những lời sám hối muộn màng của các cựu cán bộ cao cấp trước tòa nghe thật xót xa… Việc chúng ta kỷ luật cán bộ thật đau xót nhưng không thể không làm bởi nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cần cảnh tỉnh 1 người để cứu vạn người, cứu cơ đồ của đất nước. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng còn nói rằng: Cơ đồ chúng ta xây dựng 75 năm qua nếu có sụp đổ cũng do mình có làm tốt công tác cán bộ hay không chứ không phải do kẻ thù.
Việt Nam đang đứng trước những vận hội vô giá cho công cuộc phát triển. Hành trình đi đến phồn vinh đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có. Tuy nhiên, để đi tới một tầm nhìn khát vọng, vấn đề đầu tiên và có tính nền tảng không phải là nắm bắt cơ hội mà là nhận diện rõ các thách thức cốt tử, có được quyết tâm và phương cách chiến lược để vượt qua. Nặng về cơ hội, coi nhẹ thách thức sẽ dễ sa vào lạc quan thái quá và có thể gặp khó khăn không thể vượt qua trong chặng đường dài đầy chông gai phía trước. Dưới ngọn cờ của Đảng, chưa khi nào như bây giờ, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, thủy chung đã, đang và ngày càng trở thành động lực to lớn và mạnh mẽ, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam! Dân tộc Việt Nam nhịp bước cùng thời đại!
(NB&CL) Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam được chính các doanh nghiệp Việt thừa nhận là “cơ hội trăm năm”. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội này, lại là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần phải rất bền gan vững chí để vượt qua.
(NB&CL) Với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và kiến tạo hành lang pháp lý đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.
(NB&CL) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được các Đại biểu quan tâm bàn thảo trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đem đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi không ít quy định nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đã được đề xuất. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung quy định về: quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn một số quy định chưa thể giải quyết được thực tế vi phạm phát sinh hiện nay của hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
(NB&CL) Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học. Các chuyên gia cho rằng, sắp xếp, tinh giản bộ máy có vai trò quan trọng trong việc giảm sự tốn kém về tiền lương và tạo ra một hệ thống trả lương hiệu quả. Tranh luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn, nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
(NB&CL) Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù già hóa dân số là hệ quả tất yếu của việc mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên, nếu không có ngay những chính sách thích ứng hiệu quả mang tầm quốc gia, thì những hệ luỵ của việc già hoá dân số là không thể lường hết được. Trên Diễn đàn Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XV vừa qua, đã có ý kiến về việc từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế, xem đây là vấn đề mang tính chất chiến lược.
(NB&CL) Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cơn lốc Temu đang phơi bày rõ thế khó trập trùng của hàng Việt, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nội địa.