Nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa vàng cho ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế, song cảm nhận chung là đang có sự "ách tắc ở đâu đó trong khâu chính sách”. Hơn 30 năm qua Việt Nam tự hào là nền nông nghiệp nhỏ và đẹp. Và chính cái nhỏ, đẹp đó đã khiến cho việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào rất khó.
Cho vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp
Nền nông nghiệp 4 thiếu
Nữ doanh nhân Thái Hương - chủ thương hiệu sữa TH True milk cũng là lãnh đạo của ngân hàng Bắc Á mạnh dạn đưa ra lời nhận xét: "Hệ thống ngân hàng từ năm 2010 đến nay đã có sự đột phá lớn về cho vay nông nghiệp, nhất là trong giai đoạn 2013-2014, hầu như tỉnh nào cũng có mặt lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước trong hỗ trợ tam nông. Tuy nhiên, theo tôi thấy, các ngân hàng nhìn nhận chưa đồng đều về tín dụng nông nghiệp. Dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định các ngân hàng tham gia cho vay nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn nhiều ngân hàng quay lưng lại.
Không phải ngẫu nhiên mà bà Thái Hương đã đưa ra lời nhận xét như vậy. Và những bất cập về đất đai, thuế, tín dụng cũng chính là những nguyên nhân trực tiếp hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Vì vậy bà Hương đề nghị cần có gói cho vay cho nông nghiệp công nghệ cao, không cho vay theo từng giai đoạn, không cho vay hợp vốn. Vì mỗi ngân hàng có một mục tiêu khác nhau, nếu ngân hàng A cho vay nhưng ngân hàng B chưa cho vay thì dự án vẫn nằm im ở đó.
Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng. Để phát huy được hiệu quả tối đa công nghệ cao ứng dụng cho nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể, trong đó, phát huy vai trò liên kết công - tư trong nông nghiệp là một giải pháp hữu ích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cao Đức Phát cho rằng: Tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp là một cuộc cách mạng. "Không phải tái cơ cấu là thay đổi giải pháp về mặt kỹ thuật mà cần có sự hỗ trợ trong chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại, đất đai và lao động. Ông nói: Chỉ mình Bộ NN&PTNT không thể làm được mà phải có sự hỗ trợ của bộ ngành liên quan”.
Nhiều lời hứa được đưa ra
Theo báo cáo chính thức, tỷ lệ vốn đầu tư hàng năm cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5 - 6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nên phần vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và lại càng giãn rộng nếu so sánh với phần vốn đầu tư dành cho khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Vấn đề này thể hiện trong cả vốn đầu tư Nhà nước, vốn đầu trực tiếp nước ngoài cũng như vốn đầu tư ngoài nhà nước, vốn tín dụng ngân hàng và trong chừng mực nào đó cả trong ưu đãi đầu tư.
Khu vực nông nghiệp nông thôn đang "khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng của hàng chục triệu hộ gia đình nông dân. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, dư nợ tín dụng của vùng này năm 2012 tăng gấp 12 lần so với năm 2001 nhưng chỉ chiếm 9% tổng dư nợ cả nước, thấp hơn con số 13% trong các năm 2002 - 2004, tính bình quân đầu người chỉ bằng 50% trung bình của cả nước.
Đứng ở phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định: Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát và dự kiến lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để thí điểm chương trình tín dụng này với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như là lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu... Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), Ngân hàng Nhà nước tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Theo Báo Đại Đoàn Kết