Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sẽ có khoảng 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép có nguy cơ bị mất việc làm. Đặc biệt, lao động trong các ngành nghề truyền thống và lao động thủ công là lực lượng lao động có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro nhất khi bị thay thế bởi những hệ thống máy móc tự động hóa.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Viễn cảnh Đông Nam Bộ” lần 1 - 2018
Theo đánh giá của các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế “Viễn cảnh Đông Nam Bộ”, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực trong vùng TP.HCM nói riêng chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Từ thực tế đáng báo động này, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt, cần học tập kinh nghiệm của thế giới và các nước trong khu vực châu Á để có mô hình và giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đông Nam Bộ, hướng tới phát triển bền vững vùng TP.HCM.
“Viễn cảnh Đông Nam bộ” là chủ đề của hội thảo quốc tế với sự tham gia của 200 đại biểu là nhà khoa học, các cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng trong nước và quốc tế trong và ngoài nước nhằm bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Một học giả đến từ Vương quốc Bỉ đưa ra những hiến kế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Hội thảo diễn ra nhiều phiên thảo luận chuyên đề về Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; Chính sách - Quản lý - Kinh tế, Văn hóa xã hội. Và đối thoại về Trường đại học với Cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo dục đại học với doanh nghiệp. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung bàn thảo đa chiều về những vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là vùng TP.HCM trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Các học giả đã phân tích về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ cấu lao động và thị trường lao động, thách thức nguồn nhân lực ở vùng TP.HCM khi đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó cho thấy vai trò của trường đại học, của doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.
Trường ĐH Thủ Dầu Một ký kết hợp tác với trường Đại học Hirosima (Nhật Bản)
Vùng đô thị TP.HCM có tổng diện tích 30.404 km², bán kính ảnh hưởng từ 150 - 200km bao gồm toàn bộ 8 tỉnh, thành: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và TP.HCM là hạt nhân. Vùng đô thị này dự kiến đến năm 2030 sẽ có từ 24 - 25 triệu người sinh sống, trong đó dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%. Và đến năm 2050, vùng đô thị này sẽ có 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.
Thanh Hải