Khoảng tối từ thiện và cái "tôi" nghệ sỹ

Thứ bảy, 05/06/2021 06:20 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cái “tôi” nghệ sỹ - cá tính sáng tạo không đồng nghĩa với chiếc quyền trượng trên sân khấu. Cuộc đời luôn cần những bài ca đẹp, gieo mầm thiện hơn những tiếng hát lảnh lót, những màn kịch lập lòe phía sau ánh đèn sân khấu.

Sự kiện: từ thiện

Cách ứng xử với việc chậm giải ngân tiền từ thiện của nghệ sỹ Hoài Linh không nhận được sự đồng tình của công chúng.

Cách ứng xử với việc chậm giải ngân tiền từ thiện của nghệ sỹ Hoài Linh không nhận được sự đồng tình của công chúng.

1. Cuối cùng thì nghệ sỹ Hoài Linh đã giải ngân số tiền từ thiện hơn 15 tỷ cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt miền Trung. Tiền đã đến nơi cần đến nhưng tình chẳng còn lại bao nhiêu. Là bởi khi cơn lũ đã đi qua được hơn nửa năm, những gói mỳ tôm cứu trợ mới cập bến ân tình. Thời gian đủ để những chồi xanh nhân ái mọc mầm nghi kỵ. Người nghệ sỹ từng là thần tượng của công chúng bỗng chốc trở thành nơi trút giận của công chúng. Những ai hôm qua từng khóc cười, sống chết khi xem những vai diễn để đời của Hoài Linh thì nay đã phải trải qua một phen ấm ức dở khóc dở cười với “vở diễn” từ thiện của anh.

Người bình thường làm từ thiện là một lần làm việc tốt. Còn nghệ sỹ làm từ thiện là ít nhất… hai lần làm việc tốt. Bởi với sức ảnh hưởng của nghệ sỹ, họ không chỉ đang làm từ thiện mà còn cổ vũ cộng đồng làm từ thiện. Sâu xa hơn là đang truyền cảm hứng cho xã hội để nhân lên những điều tử tế.

Ngoài tài năng trên sân khấu, tham gia hoạt động xã hội cũng là một cách để người nghệ sỹ bắc thêm những nhịp cầu tình yêu với khán giả. Trong thời đại số, không ai trách nghệ sỹ quảng bá hình ảnh khi làm từ thiện nếu hoạt động đó diễn ra công khai, minh bạch, thực sự vì cộng đồng. Sự hâm mộ của công chúng luôn đi liền với sự khắt khe của công chúng.

Từ thiện là cái đẹp phía sau tấm màn nhung nhưng lại khiến nghệ sỹ lung linh hơn trên sân khấu. Hơn ai hết, chính những nghệ sỹ tham gia hoạt động từ thiện ý thức rõ điều này, cho dù có người làm từ thiện trước hết xuất phát từ trái tim.

Sau những ngày đội mưa lũ đi trao quà ở miền Trung, lượng người theo dõi trên trang cá nhân của ca sỹ Thủy Tiên tăng vọt, đi kèm với đó là những show diễn cát-xê cao hơn, những hợp đồng quảng cáo có giá trị cao hơn. Nhưng thật khó để gán cho Thủy Tiên làm màu, đánh bóng tên tuổi thông qua hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung. Đó thực sự là sự gặp gỡ giữa cái đẹp với cái đẹp.

2. Đã từng có những tranh cãi tưởng như không bao giờ đi đến hồi kết. Rằng tại sao mời một giáo sư đến giảng bài thù lao chỉ tiền triệu mà mời một ca sỹ đến hát cát-xê cao hơn đến cả trăm lần. Phải chăng “giá” của giáo sư rẻ hơn giá của ca sỹ?

Tại sao một nhà văn lớn xuất bản một tác phẩm để đời nhưng tiền tác quyền không bằng 1/10 một video clip của nghệ sỹ? Phải chăng hệ giá trị đang bị đảo lộn?

Tự cổ chí kim, mọi sự so sánh bao giờ cũng không tránh được sự khập khiễng. Nhất là so sánh 2 đối tượng không cùng một… hệ quy chiếu.

Nhưng có một điểm chung, khi ai đó được xem là giáo sư, nhà văn hay nghệ sỹ, họ đã trở thành người của công chúng, dù đối tượng công chúng không giống nhau. Mọi giá trị quy đổi thành vật chất đều phụ thuộc vào thị hiếu và thị trường.

Bởi thế nên vẫn có những ông nhà văn nghèo và cô ca sỹ giàu. Đó là hiện tượng bình thường diễn ra ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tranh cãi về sự “bất công” đó chắc chắn sẽ còn hiện hữu lâu dài chừng nào còn giáo sư và nghệ sỹ.

Xem một bộ phim hay, khán giả ít để ý đến cha đẻ của tác phẩm mà chủ yếu quan tâm đến những diễn viên hóa thân vào nhân vật của tác phẩm ấy. Sân khấu bao giờ cũng lung linh hơn cuộc đời thực.

Cần thiết phải dẫn ra một phép so sánh như thế để thấy, nghệ sỹ và nghệ thuật luôn cần thiết trong bất kỳ thời đại nào, thể chế nào, bởi đó là nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống. Sứ mệnh của nghệ sỹ chân chính là làm đẹp cho đời. Đẹp cả trên sân khấu và đẹp cả phía sau tấm màn nhung.

3. Sau sự cố từ thiện của Hoài Linh, một số nghệ sỹ đã bóng gió trên trang cá nhân, hờn dỗi khán giả, công chúng và dư luận kiểu làm ơn mắc oán. Diễn viên Trấn Thành, thậm chí đã như đổ thêm dầu vào lửa khi phát ngôn: “Nhiều người cứ bắt nghệ sĩ chúng tôi phải giải trình số tiền từ thiện, nếu như thế có lẽ chúng tôi sẽ không làm nữa. Đây không phải nhiệm vụ chúng tôi sinh ra phải làm".

Trấn Thành nói đúng, từ thiện chưa bao giờ được xem là nhiệm vụ của nghệ sỹ. Nhưng giải trình số tiền từ thiện thì không chỉ là trách nhiệm của giới nghệ sỹ mà của bất kỳ những ai đã được công chúng “tạm ứng niềm tin”. Bởi số tiền từ thiện đó không phải thuộc sở hữu của họ, để họ muốn cho ai thì cho, cho bao nhiêu thì cho. Đó là kết quả từ sự yêu thương của khán giả gửi gắm cho nghệ sỹ, nhờ nghệ sỹ bắc nhịp cầu yêu thương đến những nơi đang cần đón nhận những yêu thương. Bởi vậy, nghệ sỹ phải có trách nhiệm giải trình những… yêu thương đó một cách công khai, minh bạch để được nhận lại những yêu thương.

Trấn Thành, Hoài Linh, Thủy Tiên hay bất kỳ nghệ sỹ nào đã kêu gọi khán giả ủng hộ từ thiện thì phải chấp nhận sự giám sát của cộng đồng. Đó là sự công bằng cần thiết để ngăn chặn những khoảng tối trong hoạt động từ thiện vốn đã không ít lần làm xói mòn niềm tin của công chúng.

Sau những sự việc ầm ĩ như thế, công chúng chưa thấy một lời xin lỗi thực sự chân thành. Thay vào đó là những giải thích vòng vo, khó chấp nhận. Nghệ sỹ hay bất kỳ ai cũng có thể phạm sai lầm. Nhưng đôi khi ứng xử với sai lầm đúng cách có thể khiến nghệ sỹ lớn hơn trong mắt công chúng.

Showbiz thời đại số với xe sang, nhà đẹp, hột xoàn, hàng hiệu đã sản sinh ra nhiều giá trị ảo. Không ít nghệ sỹ - người của công chúng đã lầm tưởng mình là người dẫn dắt công chúng. Quyền lực ảo trong giới giải trí đã huyễn hoặc họ bằng những danh xưng như “vua hài” hay “ông hoàng âm nhạc”. Cái “tôi” nghệ sỹ - cá tính sáng tạo không đồng nghĩa với chiếc quyền trượng trên sân khấu. Cuộc đời luôn cần những bài ca đẹp, gieo mầm thiện hơn những tiếng hát lảnh lót, những màn kịch lập lòe phía sau ánh đèn sân khấu.

Quang Duy

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn