(CLO) Tại lễ công bố báo cáo "Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2050", bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Năng lượng Bền vững của WWF-Việt Nam phát biểu: "Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia tiên phong phát triển ngành năng lượng sạch và tái tạo. Năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35% trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050. Năng lượng tái tạo là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam, giúp con người chung sống hài hoà với thiên nhiên".
Kịch bản đi ngược với thế giới
Theo đánh giá của các chuyên gia, kịch bản phát triển điện của nước ta mới chỉ chú trọng vào tăng công suất phát điện từ thuỷ điện và nhiệt điện. Những yếu tố để đảm bảo cho sự phát trển bền vững cũng như vai trò và xu thế của năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng chưa được xem xét một cách thoả đáng. Trong quy hoạch đặt ưu tiên phát triển nhiệt điện than chiếm tới 55% trong cơ cấu của nguồn điện quốc gia vào năm 2030.
[caption id="attachment_98113" align="aligncenter" width="640"]
"Kịch bản phát triển năng lượng cần cân nhắc lại vì nó sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với môi trường sống, với sự phát triển bền vững của xã hội, hiệu quả phát triển kinh tế lâu dài cũng như cho an ninh môi trường, an ninh năng lượng quốc gia" - Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc GreenID.[/caption]
Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam cho rằng: Đây là một vấn đề mà các nhà khoa học cũng như cộng đồng rất quan tâm bởi vì nếu thực tế này diễn ra thì chúng ta phải nhập khẩu than tới 2/3 nguồn nhiên liệu cho phát điện. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận sự gia tăng ô nhiễm môi trường. Hơn hết, chúng ta đang lựa chọn công nghệ mà thế giới không còn dùng cho ngành năng lượng trong tương lai hay nói cách khác, chúng ta đang đi ngược với sự phát triển của năng lượng thế giới.
Đây là sự lựa chọn cần cân nhắc lại vì nó sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với môi trường sống, với sự phát triển bền vững của xã hội, hiệu quả phát triển kinh tế lâu dài cũng như cho an ninh môi trường, an ninh năng lượng quốc gia.
"Đặc biệt mối quan ngại này càng ngày càng lớn khi Việt Nam thường xuyên đối mặt với những hiện tượng thiên tai bất thường và chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khi hậu. Những gì đang diễn ra hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là những minh chứng rất rõ cho thực tế này", bà Khanh nhấn mạnh.
Giám đốc GreenID cho biết: Theo số liệu giám sát chất lượng không khí của Hà Nội cho thấy 83% số giờ quan tắc trong quý 1/2016 đều cảnh báo điều kiện không khí không đảm bảo cho sức khoẻ con người. Đó là những chỉ số cho thấy chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển bền vững năng lượng ở Việt Nam.
Có thể đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050
Hiện nay, hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam rất thấp. Theo thống kê về năng lượng quốc tế của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, mức độ tiêu thụ năng lượng để sản xuất ra một đô la GDP của Việt Nam cao gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới và gấp nhiều lần so cới các nước có nền kinh tế tương đương (Campuchia, Inđônêxia) và các nước công nghiệp lớn (Anh, Hoa Kỳ).
Trong khi, trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Một ví dụ là việc sử dụng 30.000 bộ bình nóng lạnh năng lượng mặt trời có thể tiết kiệm 60 triệu KWh mỗi năm. Theo nghiên cứu gần đây của GreenID, nếu sử dụng năng lượng hiệu quả, Việt Nam có thể cắt giảm đến 12,34% nhu cầu tiêu thụ điện năng vào năm 2030. Con số này còn có thể lớn hơn nhiều nếu Việt Nam áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp tiết kiệm năng lượng.
[caption id="attachment_98110" align="aligncenter" width="618"]
Hermann - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Tái tạo Thế giới nhận định: "Việc chúng ta bị phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch cũng giống như tự đốt nhà mình vậy, và bình cứu hoả duy nhất ta có trong tay chính là năng lượng tái tạo". (Ảnh lắp ráp các tấm pin thu năng lượng mặt trời. Nguồn Internet)[/caption]
Bà Khanh cho biết: Từ những hoạt động của chúng tôi ở cấp chính sách cũng như cấp địa phương, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội chọn một bước phát triển mới hơn cho ngành điện và ngành năng lượng. Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và chuyển sang bước ngoặt phát triển năng lượng mới - năng lượng tái tạo.
"Chúng ta cần nỗ lực rất nhiều trong câu chuyện phát triển năng lượng tái tạo. Từ nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam vẫn còn có khả năng giảm tiếp được nhiệt điện than khoảng 10.000MW nữa nếu chúng ta xem xét sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Và cũng có thể sẽ chưa cần phải phát triển điện hạt nhân trong năm 2030.
Điều này có cơ sở vì thế giới đang có sụ chuyển biến ngoạn mục về công nghệ cho năng lượng tái tạo và giá thành của năng lượng tái tạo như mặt trời và gió đang giảm rất nhanh có thể tiệm cận và cạnh tranh được với năng lượng hoá thạch", bà Khanh nói.
Cũng theo một báo cáo mới ra của WWF và VSEA, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khi thải cac-bon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu.
Để sống và tồn tại, con người cần rất nhiều năng lượng. Việc tìm ra và sử dụng các nguồn năng lượng bền vững, hiệu quả là điểm mấu chốt cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Điều này cần sự cân nhắc kỹ lưỡng từ Chính phủ vì nếu chúng ta dồn phần lớn công sức và nguồn lực vào việc tiếp tục khai thác nhiên liệu hoá thạch như hiện nay, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội để đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Giang Phan