(CLO) Tại buổi Họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 7/2017 vừa diễn ra chiều 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời nhiều vấn đề mà báo chí và dư luận đang rất quan tâm. [caption id="attachment_176481" align="aligncenter" width="500"]
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo[/caption] Phóng viên nêu câu hỏi về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm đối với Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, sau đó bà Thoa đã có đơn xin nghỉ việc. Chính phủ xem xét xử lý việc này như thế nào, có cho bà Thoa thôi việc hay không và việc xử lý tài sản như thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại Kỳ họp thứ 16, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Ngày 31/7, Ban cán sự đảng Chính phủ có nhận báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương về việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc. Hiện Thủ tướng đang giao cho Bộ trưởng Nội vụ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét để đề xuất với Ban cán sự đảng Chính phủ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm: Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thuộc quản lý của Ban Bí thư. Nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Về việc có đồng ý cho bà Thoa thôi việc hay không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rõ: Theo luật Công chức và Nghị định 46 năm 2010, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì không được chấp nhận thôi việc. “Về vấn đề tài sản, nếu tài sản không có vi phạm pháp luật thì việc hình thành tài sản đó là chính đáng. Tất nhiên, Nhà nước sẽ không thu hồi tài sản nếu như tài sản đó được chứng minh hợp pháp. Vấn đề thu hồi tài sản hay không, hiện nay chúng ta chưa đặt ra mà các cơ quan kết luận, cơ quan điều tra sẽ xem xét việc này”. Giải đáp về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị thất lạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thông tin, thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo xử lý việc này, một số cá nhân liên quan bị kỷ luật. Vụ việc đã được Bộ Nội vụ báo cáo Bộ Công an và cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ. Ông Thừa cho biết, thời điểm đó, Bộ Nội vụ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên hiện Bộ chỉ còn giữ một bản, còn một bản có đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì đang thất lạc. Về những băn khoăn của báo chí và dư luận xung quanh câu chuyện nhận chìm hơn 1 triệu m3 bùn tại vùng biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà đã dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, người dân vẫn đang nhầm lẫn vật chất nạo vét từ khu quanh cảng Vĩnh Tân 1 là chất thải. Trên thực tế hiện nay về thuật ngữ, Luật biển quốc tế, Công ước London, luôn quan niệm các vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên và khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này. Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc nhận chìm này là hài hoà với luật biển quốc tế. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông tin, trước đây, các hoạt động nhận chìm các vật chất nạo vét ở biển vẫn diễn ra, như quá trình xây dựng cảng Cái Lân, gần đây nhất là xây cảng Lạch Huyện. “Hàng năm việc nạo vét, duy tu bảo dưỡng các luồng lạch vẫn diễn ra, đây là vấn đề cần làm chặt chẽ hơn dưới góc độ môi trường và đánh giá tác động hệ sinh thái biển theo Luật biển”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay vấn đề môi trường biển đã được quan tâm hơn trước đây, chính vì thế dù dự án đã có đánh giá tác động môi trường nhưng Bộ vẫn tiến hành xem xét lại một cách toàn diện, khoa học và bài bản hơn. [caption id="attachment_176482" align="aligncenter" width="500"]
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo. Ảnh: VGP[/caption] Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Viện Tài nguyên môi trường biển đã khảo sát 300 ha, chứ không phải 30 ha và đã có số liệu về hệ sinh thái trong khu vực nhận chìm. Bên cạnh đó, Viện Hải dương học Nha Trang- là cơ quan độc lập- đã khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tất cả các tác động của quá trình nạo vét, nhận chìm. Đến nay công tác khảo sát đã thực hiện xong, đã công bố kết quả trên cổng thông tin điện tử của Bộ và của Tổng cục Môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc Viện Hải dương học báo cáo không có nghĩa là Viện Hàn lâm khoa học báo cáo, và kết quả mà Viện Hải dương học báo cáo mới là hiện trạng môi trường và hệ sinh thái. Sau đó các nhà khoa học Viện Hàn lâm sẽ xem xét lại trên cơ sở khoa học. Bộ trưởng cũng cho biết là, bên cạnh đó Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng tiếp cận theo góc độ khác và Hội đồng khoa học của Bộ có 22 nhà khoa học đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng cũng thông tin thêm: Quan điểm Chính phủ là phải lấy môi trường trước hết, hoạt động phát triển kinh tế và môi trường phải hài hoà. Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân nhằm đáp ứng cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía Nam được dự báo từ năm 2018 trở đi sẽ thiếu hụt. Bên cạnh đó, theo hợp đồng kinh tế, nếu trong trường hợp có chậm trễ, bên có lỗi sẽ bị phạt 620.000 USD mỗi ngày, do đó, nhiệm vụ đặt ra cho EVN, Bộ Công Thương và các bên là cần phải lựa chọn phương án nào tốt nhất. Kết lại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, qua kinh nghiệm thế giới, nhận chìm là phương án có thể chấp nhận, khả thi, bên cạnh phương án dùng tài nguyên phục vụ lấn biển, phòng chống sạt lở. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét vấn đề sạt lở bờ biển ở Bình Thuận và vấn đề lấn biển, xây dựng cảng biển ở khu vực Bình Thuận của các dự án khác để thực hiện việc nhận chìm này.
PV