Như vậy, có thể chưa nhìn thấy hiệu quả của chất vấn ngay tại thời điểm cuộc chất vấn đó diễn ra ở hội trường. Rất nhiều bộ trưởng, trưởng ngành một thời gian sau khi trả lời chất vấn QH, đã hành động quyết liệt và đã tạo ra chuyển động, chuyển biến rất nhanh. Tại các kỳ họp, đầu nhiệm kỳ, các lĩnh vực như công thương, giao thông, ngân hàng, y tế có rất nhiều vấn đề, nhưng sau khi các ĐBQH chất vấn, các vị bộ trưởng, trưởng ngành đó đã tạo sự chuyển động mạnh mẽ. Đơn cử như những thay đổi trong điều hành của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải về tiến độ hoàn thành và chất lượng, hiệu quả các công trình giao thông, về sự chia sẻ năng lực của các phương tiện vận tải, các giải pháp an toàn giao thông...; của Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề quản lý thị trường, chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại...; của ống đốc Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, ổn định giá vàng, ngoại tệ...; của Bộ trưởng Bộ Y tế xử lý vấn đề quá tải bệnh viện, y đức thầy thuốc, về giá thuốc... Với ý nghĩa trên, sau mỗi cuộc chất vấn đòi hỏi các cơ quan của QH và các ĐBQH phải tiếp tục giám sát hậu chất vấn xem những vấn đề được đặt ra, những giải pháp được đề cập, những lời hứa có chuyển biến thật sự không. Nếu Bộ trưởng, trưởng ngành nhận trách nhiệm mà không chuyển biến, hứa mà không làm thì QH phải tiếp tục xem xét trách nhiệm pháp lý. Như vậy, phải khẳng định rằng chất vấn là hoạt động giám sát được pháp luật quy định và được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cũng như dư luận cả nước. Tác dụng tích cực của chất vấn chính là làm cho người chất vấn cũng như người được chất vấn thấy rõ vai trò, vị trí của mình. Không những các thành viên Chính phủ mà ngay cả các vị ĐBQH - những người có thẩm quyền chất vấn cũng xác định trách nhiệm là người đại biểu nhân dân, được cử tri tin cậy, trao gửi kiến nghị, nguyện vọng thì phải làm sao chất vấn cho đúng, cho trúng vấn đề, để tạo sự chuyển động của từng cấp, từng ngành, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội, của đất nước.❏
Chất vấn không phải chỉ để hỏi cho biết thông tin, cũng không phải để giải đáp thắc mắc. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để nhận diện rõ thực trạng, tìm ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm cá nhân để khắc phục và để thúc đẩy sự phát triển chứ không phải kìm hãm, càng không phải “bới lông tìm vết”. Chất vấn do cá nhân ĐBQH thực hiện nhưng khi tiến hành tại kỳ họp QH trở thành một trong những hoạt động giám sát tối cao của QH. Các ĐBQH khi thực hiện quyền chất vấn thì không còn nhân danh cá nhân nữa mà nhân danh quyền lực tối cao của nhân dân, thay mặt nhân dân yêu cầu người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý của mình, quy trách nhiệm pháp lý đối với người bị chất vấn. Chất vấn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát tối cao của QH, đồng thời có tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo Khoản 7 Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, chất vấn là hoạt động giám sát, trong đó ĐBQH nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Như vậy, thực hiện hoạt động chất vấn là ĐBQH đang thực hiện quyền giám sát của mình bằng cách yêu cầu người bị chất vấn phải giải thích trước cơ quan quyền lực nhà nước về những yếu kém, khuyết điểm, những tồn tại trong hoạt động, công tác của cơ quan mà cá nhân đó phụ trách, trả lời về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm pháp lý, nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Chính trên cơ sở đó sẽ giúp người bị chất vấn hoàn thành chức trách của mình đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Ông Lê Như Tiến Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Quốc hội khóa XIII
Khánh An
ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, PHÓ BÍ THƯ THÀNH ỦY TP.HCM: Tôi mong muốn trong phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp, người trả lời đi thẳng vào vấn đề, nêu được giải pháp và trách nhiệm của bộ mình đến đâu. Nếu có cơ hội tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề đầu tư công, nhất là những dự án đầu tư công lớn nhưng thiếu hiệu quả để làm rõ nguyên nhân, tránh các dự án lặp lại trong tương lai. Tôi cho rằng cần phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cơ quan nào trình dự án phải chịu trách nhiệm đến cùng về hiệu quả đầu tư của dự án đó, tránh tình trạng thua lỗ, thất thoát nhưng không ai bị xử lý”, bà Tâm nói.
ÔNG HÀ NGỌC CHIẾN, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC: Cử tri và nhân dân mong muốn dành thời gian thỏa đáng và có câu trả lời ngay tại phiên chất vấn. Kỳ họp thứ 3 với dự kiến nâng 3 ngày chất vấn sẽ hợp lý hơn vì đây là nội dung mà nhân dân rất quan tâm. Qua tiếp xúc cử tri vừa qua có nhiều ý kiến mong muốn sự điều chỉnh này.
ÔNG NGUYỄN HẠNH PHÚC, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI: Một điểm mới quan trọng của phiên chất vấn lần này là tăng thêm thời gian chất vấn trong khi số lượng bộ trưởng trả lời chất vấn không đổi, số lượng các thành viên Chính phủ tham gia giải trình sẽ nhiều hơn. Quyền giơ biển tranh luận của ĐBQH cũng sẽ được thực hiện để đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại hoặc tranh luận thêm. Điều này sẽ giúp các ĐBQH chất vấn sâu sắc hơn, đi đến cùng vấn đề hơn, còn Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn về những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, cũng như định hướng sắp tới như thế nào. Một điểm nhấn nữa là, với mỗi nhóm vấn đề, lần này, Quốc hội đã yêu cầu 1 Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải trực tiếp giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Các kỳ họp trước, các Phó thủ tướng cũng đã tham gia trả lời chất vấn nhưng lần này Quốc hội
yêu cầu rõ ràng hơn, ai phụ trách lĩnh vực nào phải có trách nhiệm trả lời về lĩnh vực đó. Phân định rõ trách nhiệm như vậy là để có giải pháp đúng tầm hơn.
BÀ NGUYỄN THANH HẢI, TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI: Phiên chất vấn đã có nhiều thay đổi như tranh luận theo cách giơ biển hoặc nhiều bộ trưởng có thể trả lời về một vấn đề liên ngành, cho phép chất lượng phiên chất vấn tăng lên nhiều.
Diễn đàn: Giám sát hậu chất vấn
Tuần này, Quốc hội dành 3 ngày (13, 14 và 15.6) cho nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ, với 4 nhóm vấn đề đều là những vấn đề nóng thời gian qua: Về nông nghiệp, nông thôn; Nhóm vấn đề về đầu tư; Nhóm vấn đề về y tế và nhóm vấn đề về văn hóa. Việc đổi mới hoạt động chất vấn tại Quốc hội (QH) các kỳ họp gần đây được đánh giá cao, không chỉ vì giúp thể hiện được sự toàn diện của các vấn đề mà nó cũng là nơi thể hiện được bản lĩnh, trách nhiệm của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Kỳ họp nào cũng nêu lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm, an toàn giao thông, được mùa mất giá, được giá mất mùa, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy công quyền... nhưng chưa tạo được những thay đổi mạnh mẽ trong thực tế. Sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn chưa rõ ràng. Nghị quyết thì có nhưng cần thiết có chế tài để buộc các lãnh đạo ngành phải thực hiện đầy đủ theo tinh thần nghị quyết.
Khi QH thấy rằng, câu chuyện liên quan đến trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện (từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và thực hiện) đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương (được chất vấn tại kỳ họp thứ 2, tháng 11/2016) là vấn đề đặc biệt quan trọng, thì tại kỳ họp này, các đại biểu (ĐB) QH nên quay trở lại yêu cầu Bộ trưởng Công thương báo cáo kết quả những hứa hẹn giải quyết của ông. Hay như lời hứa về các giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường của Bộ trưởng TN-MT cũng cần được tường minh trước QH. QH cũng có thể dành thời gian hoặc “bật đèn xanh” cho các ĐBQH giám sát xem các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới tổ chức thi cử theo lộ trình, không tạo áp lực cho nhân dân... của Bộ trưởng GD-ĐT nói tại kỳ họp thứ 2 có đang đi đúng cam kết hay không? Một khi các ĐBQH có điều kiện để giám sát và đưa ra trước QH những bằng chứng chứng minh rằng, cam kết của Bộ trưởng Nội vụ về việc công khai, minh bạch việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức chỉ là lời hứa suông, thì khi đó hoạt động chất vấn càng mang lại hiệu quả thực chất. Giám sát hậu chất vấn phải được xem là thước đo chỉ số tín nhiệm của các ĐBQH, của cử tri với các thành viên Chính phủ mới hy vọng những cam kết chính trị tại QH trở thành hiện thực để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
AN NGUYÊN
(báo Thanh Niên)
Bình luận: Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn phải thể hiện việc kiểm soát quyền lực
"Đối với Quốc hội, kiểm soát quyền lực chính là thực thi giám sát. Với tinh thần ấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng phải thể hiện việc kiểm soát quyền lực", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhấn mạnh
Hiện nay, chất vấn và trả lời chất vấn phần lớn vẫn chưa đi đến cùng. Vừa qua chất vấn ở Quốc hội chưa có điều kiện đi sâu để tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp. Phần lớn cái đạt được là người trả lời chất vấn nhận thiếu sót và có lời xin lỗi, cái đó thì vẫn chưa đủ. Cái chính là phải đưa ra các giải pháp. Muốn vậy đòi hỏi ở nhiều khía cạnh:
Một là, các Bộ trưởng phải trình bày các giải pháp. Tuy nhiên các giải pháp của họ đôi khi còn những hạn chế bởi mang tính chủ quan, có phần cục bộ. Hai là, cách nhìn của đại biểu quốc hội, của cử tri mang tính khách quan, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Cho nên, trong tranh luận, chủ toạ cần tạo điều kiện và đòi hỏi các vị đại biểu góp phần bổ sung thêm các giải pháp của Chính phủ để hoàn thiện sản phẩm của hoạt động chất vấn. Cái nữa là 6 tháng, hoặc một năm sau, chúng ta phải đánh giá lại, kiểm điểm lại những giải pháp đó trong Nghị quyết của Quốc hội đã thực hiện đến đâu. Chúng ta phải chấp nhận và kiên trì làm cái đó. Tuy nhiên tôi chưa hài lòng về cách trả lời chất vấn hiện nay: Kỳ họp giữa năm thì Phó Thủ tướng trả lời, kỳ họp cuối năm thì Thủ tướng trả lời. Ở Quốc hội các nước, bất kỳ lúc nào, Thủ tướng đều là người trả lời chất vấn. Năm nay có bước tiến bộ hơn là nếu Phó Thủ tướng trả lời chưa thỏa đáng thì Thủ tướng phát biểu, phân tích bổ sung thêm. Nhưng tôi muốn Thủ tướng là người trực tiếp trả lời mọi vấn đề còn lại. Nếu làm như vậy thì những vấn đề bức xúc mà đại biểu nêu lên, không thuộc phạm vi trả lời của 4 Bộ trưởng cũng sẽ được trả lời và thậm chí bố trí thêm thời gian cho trả lời chất vấn cũng là rất cần thiết. Quan trọng nữa, Quốc hội cần đi đến cùng trong việc quy trách nhiệm. Ở hội nghị Trung ương 4 vừa qua đã đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực. Theo tôi, chủ trương kiểm soát quyền lực là rất cần thiết, đồng thời đòi hỏi Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp, cần có những việc làm cụ thể. Đối với Quốc hội, kiểm soát quyền lực chính là thực thi giám sát. Với tinh thần ấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng phải thể hiện việc kiểm soát quyền lực.❏