Hãy luôn vững tin vì phía sau luôn có một điểm tựa
+ TTXVN có một thế mạnh là hệ thống các cơ quan thường trú ở rất nhiều nơi, trong và ngoài nước, luôn có mặt trên tuyến đầu của “điểm nóng” dù là thiên tai, xung đột, bất ổn xã hội... Vì thế mà những thách thức, những rủi ro là không tránh khỏi. Điều gì sẽ là “điểm tựa” giúp phóng viên TTXVN vững tâm xông pha, nhiệt huyết cho mọi nhiệm vụ, thưa Tổng Giám đốc?
- Ông Nguyễn Đức Lợi: Sự quan tâm, sự coi trọng từ lãnh đạo chính là điều cốt lõi để mỗi người phóng viên thêm tin tưởng cơ quan, thêm nhiệt huyết với nghề. TTXVN là cơ quan có mạng lưới phóng viên rộng nhất trong các cơ quan báo chí của Việt Nam.
Hệ thống cơ quan thường trú của TTXVN trải dài khắp 63 tỉnh thành trong nước và rất nhiều địa bàn quan trọng trên thế giới. Chúng tôi luôn coi hệ thống phóng viên thường trú là lực lượng quan trọng hàng đầu, nguồn thông tin quan trọng hàng đầu phục vụ cho 60 sản phẩm thông tin các loại của TTXVN. Trong thời gian vừa qua chúng tôi tập trung nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng này.
Một trong những nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy TTXVN là “Nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của cơ quan thường trú”. Điều này thể hiện rất rõ sự coi trọng của lãnh đạo Ngành đối với những phóng viên nằm ở tuyến đầu nguồn tin. Ngoài ra, chúng tôi ưu tiên đầu tư về trụ sở, trang thiết bị như máy ảnh, máy quay, máy tính... để phóng viên tác nghiệp “3 trong 1” một cách hiệu quả, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây chúng tôi đã đưa các phóng viên thường trú về sinh hoạt theo ngành dọc trong hệ thống Đảng các tổ chức đoàn thể xã hội của TTXVN để anh em có sự gắn bó hơn nữa với ngành. Đặc biệt, ngoài những đợt thi đua khen thưởng thường niên, chúng tôi luôn chú trọng hình thức khen thưởng đột xuất khi phóng viên có những thành tích, sản phẩm thông tin tốt, đặc biệt những thông tin tại “điểm nóng”.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
+ Tôi được biết, TTXVN là đơn vị có số lượng nhà báo liệt sỹ lớn nhất hiện nay. Họ đều là những tấm gương của sự hy sinh quên mình, sự dấn thân vào “điểm nóng”. Sự “dấn thân” thời bình và thời chiến có khác biệt gì không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đức Lợi: Trong khoảng hơn 400 nhà báo của Việt Nam đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giữ nước thì có đến hơn 260 là nhà báo TTXVN. Đây là một tổn thất nhưng cũng là một niềm tự hào vô cùng lớn với chúng tôi. Dĩ nhiên là nghề báo luôn cần sự dấn thân, thời nào cũng vậy. Nhưng làm báo trong chiến tranh và làm báo thời bình khác nhau.
Trong chiến tranh giữa lằn ranh của sống chết, hòn tên mũi đạn là khó tránh. Còn thời bình, tình huống không đòi hỏi chúng ta như vậy, có nhiều cách để khai thác thông tin, có nhiều lựa chọn để vừa an toàn vừa làm được nghề. Nên tôi luôn nhắc anh em là trong mọi tình huống không cần thiết phải xả thân để có thông tin, phải bảo toàn tính mạng là trên hết.
Trong những tình huống nguy hiểm, nhất là các cơ quan thường trú nước ngoài ở địa bàn có nội chiến tranh, xung đột, chúng tôi luôn nhắc nhở anh em phải đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng trong khi tác nghiệp.
TTXVN tuyệt nhiên không bao giờ đánh đổi tính mạng của phóng viên để lấy bất cứ một thông tin, một bài báo, một bức ảnh, một khuôn hình nào. Không có bất cứ thông tin nào quý giá bằng sinh mạng. Mặc dù vậy, do sự say nghề, sự đam mê của phóng viên mà đã xảy ra một vài sự việc đáng tiếc và thậm chí xót xa.
+ Nói về sự dấn thân, tôi chợt nhớ hình ảnh của ông đến tận hiện trường chỉ đạo công tác tổ chức tìm kiếm phóng viên Đinh Hữu Dư - phóng viên bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại cầu Thia ngày 11/10/2017?
- Ông Nguyễn Đức Lợi: Đó là trách nhiệm của tôi, trong vai trò là người lãnh đạo, là đồng nghiệp. Nhưng Đinh Hữu Dư quả thực là tấm gương của một thanh niên sống có lý tưởng, có hoài bão, có tinh thần dấn thân, vượt khó, rất đáng trân trọng. Khi em tử nạn thì nhiều người tỉnh táo quá nghĩ rằng em chủ quan, em liều lĩnh nhưng tôi khẳng định, trong trường hợp này không phải như vậy.
Dư là một phóng viên hết lòng với công việc, say mê cống hiến. Dư tác nghiệp trên chiếc cầu Thia có bề ngoài rất kiên cố và không ai có thể nghĩ chiếc cầu xi măng to bề thế như vậy lại bị lũ cuốn trôi. Có lẽ em chỉ cố gắng để có những thước phim thực sự sống động, chân thực về sự kiện, sự dấn thân vì nghề ấy chỉ vì thiếu may mắn, chứ không phải là sự chủ quan, liều lĩnh. Mặc dù không được công nhận là liệt sĩ, nhưng đối với chúng tôi Đinh Hữu Dư đã hy sinh như một người lính thực thụ trên mặt trận báo chí.
Sau vụ việc của em Đinh Hữu Dư chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ TTXVN tăng cường hơn nữa các lớp bồi dưỡng về kiến thức luật pháp, kỹ năng tác nghiệp, kỹ năng sống, đặc biệt chúng tôi đã chỉ đạo soạn cuốn cẩm nang “một số kĩ năng cơ bản tác nghiệp trong tình huống nguy hiểm” dành cho các phóng viên của TTXVN. Mặc dù là muộn nhưng cần thiết.
Chúng tôi làm tất cả những việc đó với mong muốn để phóng viên của mình, nhất là các phóng viên thường trú ở mọi vùng miền Tổ quốc, nước ngoài đều hiểu rằng khi tác nghiệp trên tuyến đầu thông tin thì hãy luôn vững tin vì phía sau luôn có một điểm tựa vững chắc.
Điều tiên quyết với PV TTX là sự trong sạch
+ Có một thực tế là, các phóng viên thường trú khi đi tác nghiệp rất dễ bị cản trở, thậm chí đe dọa, hành hung. “Nước xa không cứu được lửa gần”, làm cách nào để bảo vệ họ khi tác nghiệp, thưa Tổng Giám đốc?
- Ông Nguyễn Đức Lợi: Chúng tôi thấy rằng, anh em phóng viên làm việc rất dễ bị cản trở, bị gây khó khăn trong tác nghiệp từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, thậm chí có hành động đe dọa, bạo lực của những đối tượng xã hội.
Khi xảy ra sự việc, lãnh đạo TTXVN đã có những biện pháp can thiệp ngay lập tức với chính quyền địa phương, giải thích về vai trò, trách nhiệm của người làm báo thông tấn để họ hiểu và hợp tác. Quan điểm của tôi là luôn đặt mình vào vị trí của phóng viên, bảo vệ quyền lợi của anh em. Không bao giờ vì thông tin mà để phóng viên của mình bị thiệt thòi trong bất cứ tình huống nào.
Còn với những hành động bạo lực, xâm phạm thân thể, cản trở tác nghiệp đối với phóng viên thường trú của một số đối tượng xã hội thì chúng tôi liên lạc với công an, các cơ quan chức năng tại địa phương để bảo vệ phóng viên trong quá trình tác nghiệp.
+ Nhưng trong làng báo, đã có không ít những hiện tượng phóng viên chưa nắm chắc pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không phải lúc nào cũng có thể nói “tôi là nhà báo, tôi có quyền...”. Làm sao để phóng viên không bị “bẻ cong ngòi bút” trước những “viên đạn bọc đường”, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đức Lợi: Đúng là như vậy. Nhà báo trước hết phải là công dân, đừng nghĩ cái gì cũng có thể làm được. Bản thân phóng viên phải nắm chắc pháp luật, Luật báo chí và cả 10 điều quy định đạo đức người làm báo.
Trong các cuộc họp giao ban hằng tuần, trong các hội nghị các cơ quan thường trú, chúng tôi luôn nhắc nhở, cảnh báo anh em phải tránh xa những hiện tượng vi phạm, tuyệt đối không được tham gia “đánh hội đồng”, “tống tiền”, gây sức ép với chính quyền, doanh nghiệp tại địa phương vì những mục đích không trong sáng, không để phóng viên thông tấn trở thành những công cụ không chính đáng của bất cứ ai.
Điều tiên quyết của phóng viên thông tấn là phải trong sạch, trung thực. Nếu có vụ việc vi phạm nào xảy ra thì chúng tôi sẽ kỷ luật rất nặng. Rất may là với sự ráo riết này của Ban lãnh đạo, cũng như ý thức tự giác, tự rèn luyện của đội ngũ nhà báo mà trong mấy năm qua ở TTXVN chúng tôi chưa xảy ra vụ việc vi phạm nghề nghiệp nghiêm trọng nào.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân (Thực hiện)