(NBCL) Ngày 27/5 tại TP. Hưng Yên đã diễn ra hội thảo báo chí với chủ đề “Để có phóng sự hay” của Cụm Thi đua HNB khu vực đồng bằng duyên Hải Bắc Bộ. Hội thảo đã thực sự là một cuộc sinh hoạt nghiệp vụ thiết thực, bổ ích đối với các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo, đồng thời, là cơ hội để cho các phóng viên trẻ hiểu hơn về nghề và mạnh dạn, tự tin để có nhiều phóng sự hay.
[caption id="attachment_100906" align="aligncenter" width="1000"]
Toàn cảnh Hội thảo[/caption]
Phóng sự hay làm nên thương hiệu của cơ quan báo chí
Trong lời đề dẫn hội thảo, nhà báo Nguyễn Công Đán- Uỷ viên Ban Chấp hành HNBVN, Giám đốc Đài PT-TH, Chủ tịch HNB tỉnh Hưng Yên đã khẳng định những đặc trưng rất riêng và vai trò quan trọng của thể loại phóng sự đối với mỗi cơ quan báo chí: “Phóng sự là một trong những thể loại quan trọng làm nên thương hiệu của mỗi tờ báo và cũng làm nên tên tuổi cho các nhà báo. Nhưng viết phóng sự khó vì sao; làm thế nào để có phóng sự hay, có tác động xã hội tốt… đây là điều mà các cơ quan báo chí, các nhà báo hiện nay luôn băn khoăn, trăn trở”... Từ những câu hỏi đặt ra, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận sôi nổi, thẳng thắn và tâm huyết, chia sẻ những kinh nghiệm quý khi thực hiện phóng sự.
Nhà báo Thu Giang- cây phóng sự của Đài PT- TH Quảng Ninh cho rằng: trước khi thực hiện phóng sự, phóng viên phải đặt ra được câu hỏi, sau mỗi phóng sự, đọng lại trong độc giả, khán thính giả là cái gì? Quan trọng nhất là thông điệp- phóng sự đó có “chạm” tới được trái tim người đọc, người xem hay không?
Vì thế, như chia sẻ của các nhà báo Nguyễn Đăng Khoa- Phó Giám đốc Đài PT- TH Nam; nhà báo Quang Thái- phóng viên có nhiều phóng sự nổi tiếng của Báo Hải Phòng; nhà báo Nguyễn Vân Chương- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên… thì bản thân mỗi nhà báo muốn có phóng sự hay trước hết phải có niềm đam mê, dám dấn thân, có dũng khí, bỏ ra nhiều thời gian công sức để điều tra, thâm nhập thực tế, biết lắng nghe, quan sát, có lối đi riêng và cách làm sáng tạo.
Phóng sự hay phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Và mối quan hệ giữa phóng viên với cơ sở và ban ngành chức năng, chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Thật không sai khi nói rằng mỗi nhà báo là một người chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Trong bối cảnh thông tin phát triển đa dạng như hiện nay, để đảm bảo tự tồn tại của phóng sự, yếu tố đầu tiên cần được tôn trọng là sự thật.
Sự sát cánh của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của nhà báo Vũ Anh Thao- Uỷ viên Ban Chấp hành HNBVN, TBT Báo, Chủ tịch HNB tỉnh Thái Bình, các phóng sự, ngoài tính mới lạ và phát hiện, chủ yếu “ăn nhau về tít bài”. Với báo in, các tít phải độc, lạ và gợi sự tò mò với độc giả. Còn với thể loại phát thanh và truyền hình, nên đi thẳng vào vấn đề, nói lên sự thật và không nên né tránh.
Đặc biệt, các ý kiến tham luận tại hội thảo còn cho rằng, sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng. Do đó, nhà báo Nguyễn Thị Thìn- Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên thẳng thắn nêu quan điểm: Với vai trò là người đứng đầu cơ quan báo chí, người lãnh đạo cần phải kịp thời khuyến khích, động viên, tạo điều kiện về vật chất cũng như đả thông tư tưởng cho phóng viên khi thực hiện những phóng sự gai góc. Việc định hướng, tư vấn cho phóng viên là vô cùng cần thiết, nhưng tránh can thiệp quá sâu. Cùng với đó, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng: Cần hết sức tránh tình trạng không có sự “gặp nhau” giữa người lãnh đạo, biên tập viên và phóng viên thực hiện phóng sự đó, nếu như mỗi người bắt sửa một ý, cắt đi đoạn này, đoạn kia… nếu không khéo sẽ “băm nát” phóng sự và nó không còn là của tác giả nữa, điều này dễ làm giảm bầu nhiệt huyết của phóng viên ở thể tài này…
Kết thúc hội thảo, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đã trao cờ luân lưu tổ chức hội thảo báo chí khu vực năm 2017 cho Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình. Cũng trong khuôn khổ của chương trình, Ban Tổ chức đã tổ chức thành công Giải bóng bàn Hội Nhà báo Hưng Yên mở rộng, nhằm tăng cường mối giao lưu, đoàn kết giữa các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…
Ngọc Lành