(CLO) Chiều 10/1, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTV Quốc hội thảo luận về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
[caption id="attachment_144317" align="aligncenter" width="640"]
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn[/caption]
Cho ý kiến về quy định nổ súng (Điều 21), một số ý kiến đề nghị Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chỉ quy định mang tính nguyên tắc nổ súng, còn việc nổ súng trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy định trong các luật chuyên ngành. Một số ý kiến khác cho rằng, Luật cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, không giao các Luật khác quy định về nổ súng để bảo đảm thực hiện thống nhất, một số trường hợp đặc biệt có thể quy định trong Luật chuyên ngành nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về nổ súng tại Luật này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng nhằm bảo đảm thống nhất quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Việc nổ súng của các lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng cần quy định đầy đủ về nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng làm căn cứ để các lực lượng thi hành công vụ thực hiện; đồng thời là cơ sở để các luật chuyên ngành cụ thể hóa quy định về nổ súng cho phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giữ nội dung này theo hướng quy định về nguyên tắc nổ súng và các trường hợp được nổ súng như dự thảo Luật.
Về nguyên tắc nổ súng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại Điểm b Khoản 2 điều 21: “Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”. Bà Lê Thị Nga cho rằng, nếu rơi vào trường hợp nguy hiểm, không nổ súng sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự xã hội, dù là phụ nữ hay người cao tuổi, nếu là đối tượng nguy hiểm vẫn buộc phải nổ súng.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần giải thích rõ hơn về việc nổ súng vì trong nhiều trường hợp, không cần nổ súng vẫn tiêu diệt được đối tượng. Trong vũ khí có loại không nổ như: bắn chất độc, điện. Khi xã hội ngày càng phát triển hiện đại, các loại vũ khí sẽ càng nhỏ gọn, tinh vi hơn, khi sử dụng không gây nổ. Như vậy, quy định chỉ là nổ súng như trong dự thảo chưa toàn diện. Cần giải thích từ ngữ về việc nổ súng để bao quát hết tất cả các trường hợp, tạo điều kiện cho lực lượng đặc biệt khi được trang bị những loại vũ khí tối tân nhất trong tình thế cấp thiết, bất kể nổ hay không nổ vẫn tiêu diệt được đối tượng.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, các thành viên UBTV Quốc hội tán thành với việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và cho rằng quy định như vậy cơ bản có kế thừa pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn. Về giải thích từ ngữ tại điều 3, các ý kiến tán thành việc chỉnh lý như trong dự thảo Luật, tuy nhiên, đề nghị tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục rà soát để khái quát chặt chẽ, đầy đủ hơn trong việc giải thích các khái niệm, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo chặt chẽ hơn trước khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.
Thời gian còn lại của buổi làm việc, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Luật Cảnh vệ.
Về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, dự thảo Luật quy định việc nổ súng của lực lượng Cảnh vệ trước hết phải thực hiện theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đồng thời bổ sung quy định các trường hợp nổ súng riêng đối với lực lượng này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng việc nổ súng xâm phạm tính mạng của đối tượng có hành vi đang tấn công trực tiếp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã thay cụm từ “Để tiêu diệt đối tượng” tại điểm c khoản 2 dự thảo Luật bằng cụm từ “Vô hiệu hóa đối tượng”.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ trước khi nổ súng và đề nghị bổ sung quy định về việc nổ súng của cảnh vệ nước ngoài tại Việt Nam, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã được dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ điều chỉnh.
Đối với lực lượng Cảnh vệ nước ngoài vào Việt Nam, việc mang vũ khí và sử dụng vũ khí phải tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận trên cơ sở có đi có lại giữa các quốc gia và thực hiện theo quy định của Luật này. Do đó, đề nghị không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.
PV