(NB&CL) - 39 năm sau ngày giải phóng, TP.HCM đã từng bước thay da đổi thịt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, quy mô, kinh tế, giáo dục, y tế... phát triển nhanh, mạnh, vững vàng. Đặc biệt, trong khoảng 20 năm qua, TP.HCM quyết tâm dồn toàn lực để phát triển kinh tế tri thức, biểu tượng là sự ra đời của Khu công nghệ cao tại cửa ngõ phía Bắc (quận 9). Từ đây, 1h đất ruộng, đất vườn ngoại thành ít giá trị vào cuối những năm 90 thế kỷ trước đã mang lại trên 10 triệu USD tiền đầu tư. Đặc biệt, 10 triệu USD ấy không phải là “vốn chết”, mà không ngừng sinh sôi, nảy nở, tạo ra rất nhiều giá trị cả hữu hình, vô hình...
Dịp kỷ niệm 39 năm hai miền hòa một, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM (KCNC) để nhìn lại những thăng trầm, những bước tiến của nơi được kỳ vọng sẽ là đô thị KHCN có vai trò đòn bẩy đối với KT-XH của TP.HCM và khu vực phía Nam này.
Khu CNC TP.HCM nhìn từ tòa nhà nhà máy Intel Việt Nam.
Thưa TS Lê Hoài Quốc! TS có thể khái quát ngắn về chặng đường đã qua của KCNC?
Nếu không kể giai đoạn chuẩn bị trước đó thì KCNC có khởi đầu từ 24/10/2002 - khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ra nó tại huyện Thủ Đức, nay là quận 9. Qua hơn 11 năm xây dựng và phát triển, có thể khái quát chặng đường ấy qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi động (2002-2006): Tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện các công tác chuẩn bị cơ bản và thu hút các nhà đầu tư đầu tiên như Allied, Sonion, Nidec, Intel...
- Giai đoạn định hình và phát triển (2007-2010): Hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn I; khánh thành phân khu sản xuất CNC; thu hút các các tập đoàn Jabil, Nanogen và các doanh nghiệp KHCN trong nước; đầu tư và phát triển các đơn vị sự nghiệp như TT R&D, Vườn ươm DN...
- Giai đoạn tăng tốc (2011-2015): Triển khai cơ sở hạ tầng giai đoạn II; tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 2,2 tỷ USD; giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng nhanh hàng năm; tăng cường hợp tác KHCN, hợp tác đại học; bắt đầu có sản phẩm CNC nội sinh từ đầu tư trong nước.
Quãng thời gian đó, việc hình thành và phát triển KCNC gặp thuận lợi, khó khăn gì thưa TS?
Thuận lợi hay may mắn là KCNC luôn được quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tối đa của Chính phủ, các Bộ, ngành cùng với sự quyết tâm, chỉ đạo xuyên suốt, sát sao của lãnh đạo thành phố; được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và các cấp chính quyền quận 9, các Sở, ngành, ĐH Quốc gia TP.HCM... Ngoài ra, còn phải kể đến sự đồng tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên KCNC.
Trong quá trình hình thành, phát triển, KCNC phải vừa xúc tiến thu hút đầu tư, vừa giải phóng mặt bằng, vừa xây dựng hạ tầng, vừa định hình môi trường hoạt động CNC... Lúc đó, KCNC vẫn chưa sẵn sàng về các dịch vụ tiện ích phục vụ nhà đầu tư (kho bãi, logicstic, nhà hàng, dịch vụ thương mại, giải trí…); công tác nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo mới đang ở giai đoạn sơ khai...
Nhưng những khó khăn ấy, KCNC đã, đang và sẽ nỗ lực vượt qua.
Hơn 11 năm qua, theo TS thì KCNC đã đạt được những thành tựu gì nổi bật?
Thứ nhất, đã định hình, phát triển được một trung tâm KHCN có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, môi trường đầu tư tốt, các hoạt động R&D, ươm tạo, đào tạo... được đẩy mạnh... Và khởi nguồn ban đầu của nó là một vùng đất đất đa phần là đất nông nghiệp của huyện Thủ Đức trước đây, nay là quận 9.
Thứ hai, đã xúc tiến và mời gọi được các nhà đầu tư, sản xuất CNC toàn cầu như Intel, Jabil của Hoa kỳ, Nidec của Nhật bản, Datalogics của Italia, Sonion của Đan Mạch,… với tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD, tức là 01 ha đất thu hút được trên 10 triệu USD.
Qua đó, KCNC đã góp phần giải quyết việc làm trên 18.000 lao động và đào tạo nhân lực cho các DN, trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, được thế giới biết đến, là thành viên của các Hiệp hội KHCN quốc tế có uy tín như ISPA, ASPA.
Thứ ba, kết quả hoạt động của 38 DN trong KCNC đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài của thành phố (từ 0,12% của năm 2006 tăng dần qua các năm, đến 2011 là 15,37% và đến năm 2013 chiếm trên 28% với 2,75 tỷ USD). Trong khi đó, tỉ lệ diện tích KCNC (giai đoạn I là 298 ha) chỉ chiếm khoảng 7,95% so với tổng diện tích các KCX – KCN của thành phố, nhưng năng suất của 01 lao động tại đây năm 2013 đạt 141.428 USD (2,531 tỷ USD/17.896 lao động), cao hơn 7,4 lần so với các KCX-KCN khác (5,1 tỷ USD/268.000 lao động).
KCNC đã phát huy được hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo cơ hội cho các DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, vật tư, thành phẩm và bán thành phẩm trong sản xuất sản phẩm CNC toàn cầu.
PGT.TS Lê Hoài Quốc
Vậy những thành tựu ấy có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển KT-XH và giáo dục của TP.HCM và cả nước, thưa TS?
Những năm 2006-2007, giá trị xuất khẩu của DN có yếu tố FDI trong KCNC so toàn thành phố chỉ chiếm khoảng 0,12%. Nhưng đến nay, tỉ lệ ấy đã đạt hơn 28%, thể hiện sự đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng tăng dần tỉ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm dần khu vực nông nghiệp, tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Thời gian qua, BQL KCNC đang nối kết với KCX-KCN thành phố, các DN để chia sẻ kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, quản lý và định hướng phát triển CNC, chuyển đổi sản xuất sản phẩm theo hướng gia tăng hàm lượng CNC. Giải quyết được yêu cầu này sẽ phát huy tối đa đóng góp của các DN tại KCNC trong việc nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm CNC. Đồng thời, việc phát triển mối liên kết ngược giữa các công ty đa quốc gia với DN nội địa, phát triển hoạt động R&D và đào tạo sẽ giúp nâng cao trình độ cho nhân lực Việt Nam.
Với rất nhiều trọng trách, KCNC trong tương lai gần và 10 năm tới sẽ phải làm gì để xứng đáng với kỳ vọng của thành phố, thưa TS?
KCNC phấn đấu trở thành trung tâm CNC mạnh của thành phố và cả nước, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những cơ hội sáng tạo KHCN, để TP.HCM trở thành một trung tâm toàn diện, ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực. Với tầm nhìn như vậy, KCNC đặt ra mục tiêu trong thời gian tới:
- Hoàn thiện KCNC theo quy hoạch được duyệt để trở thành một khu kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, nơi thu hút vốn đầu tư và sản xuất sản phẩm CNC trong và ngoài nước, góp phần xây dựng các ngành công nghiệp CNC gia tăng tỷ lệ nội địa và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa - dịch vụ.
- Đưa KCNC trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNC, lấy DN làm đối tượng trung tâm. Bên cạnh đó, KCNC sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tập hợp đội ngũ tri thức, quy tụ và liên kết các lực lượng KHCN trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác R&D, ươm tạo, sản xuất và thương mại hóa hiệu quả sản phẩm CNC...
Xin cảm ơn TS Lê Hoài Quốc!
Kiên Giang (thực hiện)