Khu ổ chuột lớn nhất châu Á trở thành bài học chống dịch Covid-19

Chủ nhật, 14/06/2020 19:03 PM - 0 Trả lời

(CLO) Dharavi, một quận của thành phố Mumbai, khu ổ chuột lớn nhất châu Á với hơn 1 triệu người sinh sống. Dharavi từ một điểm nóng lây nhiễm trở thành câu chuyện thành công trong việc chống đại dịch Covid-19, thậm chí được xem là mô hình để những khu ổ chuột trên khắp thế giới tham khảo.

khu o chuot anh 6

 

Khu ổ chuột và ổ dịch

Khi virus Corona xâm nhập vào Ấn Độ, len lỏi khắp các thành phố rồi đến Mumbai, những người dân nghèo khổ ở Dharavi chưa thể mường tượng được sự nguy hiểm của loại virus đã khiến hơn 400.000 người chết trên toàn thế giới.

Điều họ nhận thấy rõ nhất là những khó khăn ngày một tăng lên, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào ngày 25/3.  

Công việc không có, những người dân nghèo trở nên cơ cực, đối mặt với nạn đói và hàng loạt các vấn đề an sinh khác. Tình trạng vệ sinh kém do mật độ dân số đông dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus Corona rất cao.

“Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có 9 người trong căn phòng này, tất cả chúng tôi có thể gặp nguy hiểm”, Namchand Mandal, một lao động nhập cư từ bang Jharkhand cho biết.

Ở đây, hàng trăm người phải chen chúc nhau trong một phòng tắm. Xà phòng là thứ xa xỉ, nói gì đến chuyện rửa tay hàng ngày, đeo khẩu trang hay các thiết bị phòng hộ.

Trong các khu ổ chuột, người dân vẫn vô tư chen lấn mua bán ở các khu chợ tạm. Không có bất cứ một dấu hiệu cho những âu lo về một đại dịch có thể tràn tới và cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

khu o chuot anh 2

“Tôi thực sự lo lắng. Sự bùng phát dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian”, nhà virus học Shahid Jameel nhận định về các khu ổ chuột của Mumbai, nơi ở của khoảng 13 triệu người, chiếm khoảng 65% dân số của thành phố đông dân nhất Ấn Độ.

Những ngày đầu tháng Tư, Mumbai đã báo cáo một số ca nhiễm virus Corona. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, số ca nhiễm ở đây tăng mạnh từ 10 lên hơn 200 trường hợp.

Hàng loạt cảnh báo được đưa ra và các cư dân ở Dharavi bắt đầu lo lắng. Những câu chuyện về tấm thảm kịch của đại dịch Covid-19 lan rộng. Nhiều người lao động nghèo tại đây đã nghĩ ra rất nhiều cách để tự bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách buộc khăn tay lên mặt nếu không có khẩu trang khi ra ngoài.

Nhiều nơi dựng các rào chắn sơ sài, xe đạp, thậm chí bằng gậy để cảnh báo khu vực cách ly bằng những tấm bìa nguệch ngoạc.

Rào chắn sơ sài được dựng lên để cảnh báo khu vực cách ly - Ảnh: Reuters

Rào chắn sơ sài được dựng lên để cảnh báo khu vực cách ly - Ảnh: Reuters

khu o chuot anh 3

 

Khu ổ chuột Dharavi chống dịch thế nào?

Trong bối cảnh ấy, công tác tuyên truyền ở Dharavi đã hoạt động hết công suất để đưa ra các khuyến cáo về virus Corona. Các nhà chức trách tỏ ra quyết liệt trong việc thực hiện các lệnh cấm và hạn chế.

Người ta từng thấy một số các clip đăng trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, hình ảnh các cảnh sát Ấn Độ dùng gậy tre để trấn áp, bắt buộc người dân phải thực hiện quy định giãn cách xã hội.

Cảnh sát Ấn Độ phải dùng gậy tre để trừng phạt những người vi phạm lệnh giãn cách xã hội - Ảnh: Reuters

Cảnh sát Ấn Độ phải dùng gậy tre để trừng phạt những người vi phạm lệnh giãn cách xã hội - Ảnh: Reuters

Điều này có thể gây buồn cười hoặc một suy nghĩ khá tiêu cách về cách xử lý của lực lượng cảnh sát Ấn Độ, nhưng nó lại khá thiết thực và hiệu quả với “những người dân thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của đại dịch”, một quan chức Mumbai chia sẻ.

Bên cạnh những hình ảnh có vẻ “ồn ào” của lực lượng thực thi pháp luật, các nhà chức trách đã “ầm thầm” gõ của tới 47.500 hộ gia đình kể từ tháng 4 để đo nhiệt độ và nồng độ oxy, sàng lọc gần 700.000 người trong khu ổ chuột; thiết lập các phòng khám sốt.

Những người có triệu chứng được chuyển đến các trường học để cách ly và câu lạc bộ thể thao nhanh chóng được hoán cải thành các trung tâm kiểm dịch, bệnh viện dã chiến.

So với những ngày đầu, các ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống còn 1/3 so với đầu tháng Năm. Hơn một nửa số bệnh nhân đang hồi phục và số người chết giảm mạnh trong tháng này ở các khu chung cư, nơi có tới 80 cư dân dùng chung nhà vệ sinh.

Các nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm cho các cư dân tại khu ổ chuột Dharavi - Ảnh: Getty

Các nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm cho các cư dân tại khu ổ chuột Dharavi - Ảnh: Getty

Các con số này hoàn toàn trái ngược với phần còn lại của Ấn Độ, nơi hàng ngày các trường hợp nhiễm mới đã tăng gấp bốn lần kể từ đầu tháng Năm. Nằm gần khu tài chính Mumbai, Dharavi cho thấy cách tiếp cận để “đuổi virus” rất hiệu quả.

Dharavi thậm chí có thể được xem là một khuôn mẫu cho các quốc gia mới nổi trên thế giới, từ khu ổ chuột của Brazil đến các thị trấn tồi tàn ở Nam Phi.

“Nếu không thể đảm bảo việc giãn cách xã hội, lựa chọn duy nhất là đuổi virus chứ không phải chờ đợi các ca nhiễm xảy ra. Chúng tôi phải làm việc chủ động, chứ không phải phản ứng”, Kiran Dighavkar, trợ lý ủy viên tại thành phố Mumbai, người phụ trách lãnh đạo cuộc chiến chống Covid-19 ở Dharavi cho biết.

Các quan chức ban đầu rất lo lắng khi chuẩn đoán tích cực gia tăng. Nhưng điều đó có nghĩa là mọi người đã chủ động thay vì chờ đợi xem có bị bệnh. Dighavkar và nhóm của ông đã nói rõ rằng, việc sàng lọc và xét nghiệm sẽ tiếp tục ngay cả khi số lượng tăng lên - mục tiêu của họ là hạn chế số ca tử vong.

“Chúng tôi đã có thể cách ly người dân ở giai đoạn đầu”, Dighavkar nói. “Không giống như ở phần còn lại của Mumbai, nơi hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn rất muộn”.

Chiến lược này đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện phục hồi. Khoảng 51% cư dân Dharavi có kết quả xét nghiệm dương tính cuối cùng đã hồi phục, tốt hơn so với tỷ lệ 41% của Mumbai.

Số ca nhiễm mới giảm xuống trung bình 20 trường hợp mỗi ngày từ 60 trường hợp vào đầu tháng Năm. Ấn Độ, trong khi đó, đã thêm hơn 11.000 trường hợp vào ngày 13/6.

Việc phong tỏa chặt và xét nghiệm đại trà là một phần trong chiến lược của Dharavi. Nếu ai đó cảm thấy không khỏe và muốn được xét nghiệm, chỉ cần cách ly về mặt thể chế và các bác sĩ tại chỗ sẽ chăm sóc và chỉ dẫn.

Nhân viên y tế đền từng nhà để kiểm tra tình hình sức khỏe của mỗi hộ gia đình - Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế đền từng nhà để kiểm tra tình hình sức khỏe của mỗi hộ gia đình - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Dighavkar biết rằng điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có được sự tin tưởng của cộng đồng, thông qua tuyên truyền tích cực.

Chỉ cần mỗi gia đình, nơi có thể có đến 7 người sống trong một túp lều rộng hơn 30 mét vuông, có ý thức truyền thông điệp thì điều ấy sẽ nhanh chóng lan trong cả quận Dharavi với khoảng 1 triệu người.

Một khi có thông tin, mọi người sẽ tự nguyện cách ly ngay khi các triệu chứng xuất hiện, theo Dighavkar. Phương pháp của Dighavkar được đánh giá đủ để ngăn ngừa sự lây nhiễm khi chính quyền kiểm tra tất cả mọi người có các triệu chứng như sốt hay ho.

“Cách ly sớm và điều trị kịp thời có thể làm giảm số người bị bệnh ở bên ngoài cộng đồng, và như thế sẽ ngăn chặn được sự lây lan”, tiến sĩ Sundararaman, điều phối viên sức khỏe cộng đồng toàn cầu có trụ sở tại New Delhi cho biết.

Hy vọng hồi sinh

Tuy nhiên, cuộc chiến chống virus của Dharavi chưa thể kết thúc, các nhà dịch tễ học tại Mumbai nhận xét. Khi giãn cách xã hội không còn đảm bảo, các hạn chế đi lại được dỡ bỏ ở Mumbai và thành phố hoạt động nhộn nhịp trở lại, nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai là không nhỏ.

“Cuộc chiến không thể kết thúc khi mà virus đã lây lan ra toàn bộ thành phố, tiểu bang và cả quốc gia”, Dighavkar nói. “Nhưng người dân bây giờ đã biết khá rõ cách làm thế nào để an toàn, và tôi nghĩ đến khi lệnh phong tỏa kết thúc, hầu hết chúng tôi có thể đã được miễn dịch bầy đàn. Vì vậy chúng tôi hy vọng”.

Gần 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Modi ban bố lệnh phong tỏa, rồi sau đó là gia hạn lệnh phong tỏa, Dharavi nghèo khó trở nên tiêu điều bởi tác động ghê gớm từ đại dịch khi việc làm, nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm.

Cuộc sống đang trở lại trạng thái bình thường mới ở khu ổ chuột Dharavi - Ảnh: Reuters

Cuộc sống đang trở lại trạng thái bình thường mới ở khu ổ chuột Dharavi - Ảnh: Reuters

Cộng đồng ổ chuột lớn nhất châu Á xiêu vẹo nương tựa vào nhau, và nhờ nỗ lực trợ giúp của chính phủ cũng như các tổ chức từ thiện. Khó khăn sẽ còn rất dài, nhưng có một bầu không khí lạc quan và tự tin trong mỗi ánh mắt của những cư dân khu ổ chuột Dharavi.

Cách họ “nắm tay nhau” trong thời điểm quyết định đã và đang đẩy lùi virus Corona, thắp lên một niềm hy vọng lớn cho cả Ấn Độ.

Khu ổ chuột nghèo đói và “thiếu hiểu biết” Dharavi dường như vừa hồi sinh. Các cửa hàng, khu chợ đã mở trở lại. Bên trong chiếc khăn trùm mặt là một nụ cười rạng rỡ. Sau một thời gian chịu đựng sự tù túng của lệnh phong tỏa, những con người cơ cực của khu ổ chuột lại có thể trở lại, bươn chải với cuộc sống…

Hoài Đức

Tin khác

Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu

Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu

(CLO) Thế giới đã chi tới hơn 2 nghìn tỷ USD cho vũ khí trong năm 2023, với Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang này, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết vào ngày 22/4.

Thế giới 24h
Gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường?

Gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường?

(CLO) Gói viện trợ của Mỹ dự kiến thông qua trong tuần này sẽ là một cứu cánh đối với những pháo thủ Ukraine đang bất lực trong việc cầm chân lực lượng Nga gần thị trấn phía đông Kupiansk, thậm chí có khả năng thay đổi thế trận, mặc dù điều đó có thể mất một thời gian.

Thế giới 24h
Người mắc hội chứng không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn

Người mắc hội chứng không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn

(CLO) Một người đàn ông Bỉ mắc hội chứng chuyển hóa hiếm gặp, khiến cơ thể tự sản sinh nồng độ cồn cao, đã được tòa án miễn án phạt lái xe say rượu vào thứ Hai (22/4).

Thế giới 24h
Ukraine nói Nga điều tới 25.000 quân tấn công 'cao điểm' Chasiv Yar

Ukraine nói Nga điều tới 25.000 quân tấn công 'cao điểm' Chasiv Yar

(CLO) Lực lượng Nga gồm 20.000-25.000 quân đang cố gắng tấn công thị trấn chiến lược Chasiv Yar phía đông Ukraine và các làng xung quanh, theo quân đội Ukraine cho biết vào thứ Hai và nói rằng họ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Mỹ bình luận gì về 'tiêu chuẩn kép' khi đề cập đến Israel?

Ngoại trưởng Mỹ bình luận gì về 'tiêu chuẩn kép' khi đề cập đến Israel?

(CLO) Ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phủ nhận những ý kiến ​​​​cho rằng Washington có "tiêu chuẩn kép" đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền của quân đội Israel ở Gaza, đồng thời nói rằng đang kiểm tra các cáo buộc như vậy.

Thế giới 24h