Khủng hoảng sắc tộc nghiêm trọng tái diễn, Balkans bên bờ vực chiến tranh

Chủ nhật, 07/11/2021 20:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bosnia Herzegovina đang đứng trước bờ vực của những gì các nhà phân tích cảnh báo là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến năm 1995, từng khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong vụ thanh trừng sắc tộc khủng khiếp.

Phe ly khai đòi độc lập

Hồi đầu tuần này, đại diện cấp cao của cộng đồng quốc tế tại Bosnia, Christian Schmidt cảnh báo rằng thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian được ký sau chiến tranh năm 1995 có nguy cơ sụp đổ, trừ khi có hành động ngăn phe ly khai đang nổi dậy.

khung hoang sac toc nghiem trong tai dien balkans ben bo vuc chien tranh hinh 1

Một phụ nữ Hồi giáo người Bosnia khóc giữa các ngôi mộ của cha cô, hai ông nội và những người thân khác, tất cả đều là nạn nhân của vụ diệt chủng hồi năm 1995 - Ảnh: Getty

Cụ thể, Milorad Dodik - nhà lãnh đạo trong chính phủ ba bên của Bosnia Herzegovina - đã nhiều lần đe dọa ly khai khỏi phần còn lại của đất nước. Kể từ sau cuộc chiến năm 1995, nước này được tạo thành từ hai khu vực tự trị và một chính phủ trung ương. Tuy nhiên, Dodik đang lên kế hoạch đưa Republika Srpska (Cộng hòa Serb) trở thành một nhà nước độc lập.

Căng thẳng bè phái giữa các cộng đồng tại Bosnia vẫn tồn tại kể từ sau cuộc chiến đẫm máu vào năm 2015, bất kể thỏa thuận Dayton do Mỹ làm trung gian đã được ký kết. Hiệp ước đã kết thúc cuộc chiến kéo dài 3 năm rưỡi bằng cách phân chia nhà nước theo các dòng tộc: thành Cộng hòa Serb và một liên bang được chia sẻ bởi Bosnia và Croat. Các khu vực này được điều hành bởi một chính phủ 3 thủ tướng.

Người ta không thể biết được có bao nhiêu vụ giết người, hãm hiếp và những nỗi kinh hoàng khác mà con người đã phải chịu trong cuộc chiến tại Balkans trước đây, nhưng một vụ việc đọng lại trong ký ức nhiều hơn các vụ khác: vụ thảm sát Srebrenica từ ngày 11 đến 22/07/1995.

Hàng nghìn người lớn và trẻ em Hồi giáo đã bị sát hại bởi lực lượng người Serb ở Bosnia. Các nhà lãnh đạo của họ sau đó bị kết tội diệt chủng. Tuy nhiên, không phải tất cả người Serb đều sẵn sàng chấp nhận án phạt này.

Một trong những người như vậy là Dodik. Ông đặc biệt khó chịu trước việc văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc gần đây đưa ra luật có thể trao án tù cho bất kỳ ai phủ nhận hành vi diệt chủng nói trên.

khung hoang sac toc nghiem trong tai dien balkans ben bo vuc chien tranh hinh 2

Một tay súng bắn tỉa người Bosnia cố gắng bắn các tay súng bắn tỉa người Serbia trên núi từ vị trí của anh ta trên tầng 20 của một tòa nhà ở Sarajevo trong cuộc chiến những năm 1990 - Ảnh: Getty

Chiến tranh có thể xảy ra?

Các nhà quan sát lo ngại rằng ngay cả khi Dodik không tiến tới ly khai, hành động của ông ta cũng có thể gây mất ổn định nghiêm trọng, gây ra bạo lực và khiến dân thường khốn khổ.

Arminka Helic, một chính trị gia gốc Bosnia, hiện là thành viên của Hạ viện Anh, cho biết: “Công dân trên khắp Bosnia Herzegovina - bao gồm cả Republika Srpska - lo sợ bạo lực. Một động thái tiến tới ly khai có thể sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Không thể nào có một cuộc chia tay tại Bosnia Herzegovina trong hòa bình”.

Jasmin Mujanovic, tác giả của cuốn sách “Hunger and Fury: The Crisis of Democracy in Balkans”, cho biết đây sẽ là một “thảm họa đối với Liên minh Châu Âu, vì nó sẽ là một cuộc khủng hoảng an ninh và đầy biến động ở phía đông nam châu Âu”.

Như thường lệ, phương Tây thường để mắt tới các đối thủ như Nga và Trung Quốc hơn. Một quan chức cấp cao của EU nói rằng, tình hình tại Balkans sẽ phức tạp trở lại trong bối cảnh hiện tại.

NATO và cộng đồng châu Âu nói chung được cho rằng đã thất bại trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt và các hành động khác để dập tắt các ngọn lửa đang sẵn sàng bùng lên trở lại ở Bosnia Herzegovina.

khung hoang sac toc nghiem trong tai dien balkans ben bo vuc chien tranh hinh 3

Chính phủ ba bên của Bosnia Herzegovina: thành viên người Croat - Zeljko Komsic (trái), thành viên người Serb Milorad Dodik (giữa) và thành viên Hồi giáo Bosnia - Sefik Dzaferovic (R) - trong lễ nhậm chức vào tháng 11/2018 - Ảnh: CNN

Cần hành động trước khi quá muộn

Ismail Cidic là chủ tịch của Bosnian Advocacy Center - tổ chức phi chính phủ ủng hộ tự do, chủ quyền và dân chủ tại Bosnia Herzegovina. Ông nói: “Cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ rõ ràng là phải bảo vệ hòa bình ở Bosnia. Bất kỳ sự leo thang bạo lực nào ở Bosnia đều có thể gây hại cho tất cả”.

Nhưng liệu phương Tây có làm được gì? Một quan chức NATO nói với CNN: “Chúng tôi kêu gọi Nga đóng một vai trò xây dựng ở Balkans. Chúng tôi thường xuyên thấy Nga làm ngược lại. NATO làm việc để thúc đẩy ổn định, an ninh và hợp tác trong khu vực. Bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào các tiến trình dân chủ trong nước là không thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, NATO chỉ có thể hành động theo lệnh của các quốc gia thành viên. Và đến giờ, người ta chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy một sự can thiệp thực sự, ngoài những lời lẽ răn đe. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng không thể hành động nếu không có Nga. Hồi đầu tuần này, họ cũng chỉ bỏ phiếu để duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bosnia Herzegovina.

Tuy nhiên, có một số lý do để hy vọng. Mujanovic nói, các nước thành viên EU có thể ban hành các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Dodik và phe nhóm của ông ta - điều mà chuyên gia này tin rằng sẽ có một số tác động nhất định.

Nỗ lực ngoại giao vốn không có tác dụng trong những năm 1990, bởi vậy Cidic tin rằng nó cũng không mang lại kết quả gì bây giờ. Ông nói: “Chính cách tiếp cận ngoại giao thất bại đã dẫn đến hơn 100.000 người thiệt mạng và hơn 1,1 triệu người tị nạn trong cuộc chiến trước đây”.

Bởi vậy, một biện pháp trừng phạt và việc coi các động thái ly khai là một “thách thức an ninh” của châu Âu có thể giải quyết được vấn đề và không để tình hình đi vào vết xe đổ trong quá khứ.

Thật khó để nói tình hình tại Bosnia Herzegovina sẽ được cải thiện trước mắt. Tuy nhiên, với đủ ý chí chính trị và sức mạnh quyền lực, các giới chức tại châu Âu có thể ngăn nó trở thành bạo lực và thậm chí cả một cuộc chiến.

Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia phương Tây có quá mất tập trung các vấn đề nóng bỏng khác đang diễn ra trên thế giới hay không? Nhưng nếu không sớm hành động tại Balkans, mọi thứ có thể trở nên quá muộn! 

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế