Kiểm duyệt phim ở Việt Nam: Giải pháp nào cho tương lai phim Việt?

Thứ sáu, 17/09/2021 20:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ý kiến phim truyền hình "Người phán xử" làm gia tăng tội phạm xã hội đen đã gây ra nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây. Nhiều ý kiến từ giới làm phim đã tỏ rõ sự lo ngại cho tương lai của phim Việt.

Sự kiện: phim Việt

Trong buổi góp ý cho Luật Điện ảnh (sửa đổi), Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nhắc tới bộ phim "Người phán xử". Ông cho biết, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Ý kiến này đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều trong giới làm phim và công chúng yêu mến điện ảnh.

kiem duyet phim o viet nam giai phap nao cho tuong lai phim viet hinh 1

"Người phán xử" thu hút công chúng và tạo được hiệu ứng lớn trên mạng xã hội trong suốt thời gian phát sóng.

Tội phạm gia tăng có phải do phim ảnh?

Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, NSND Trung Anh - người thủ vai Lương Bổng trong "Người phán xử" cho biết, ông thực sự cảm thấy bị xúc phạm trước phát ngôn trên. Ông khẳng định so với nội dung gốc, kịch bản đã được ê-kíp điều chỉnh, cắt bỏ rất nhiều tình tiết để phù hợp với văn hóa Việt. Theo ông, bộ phim đã làm tốt nhiệm vụ của nó, không chỉ là món ăn tinh thần giải trí đơn thuần mà còn giúp người xem nhận ra cái xấu, cái ác, từ đó tránh được sai lầm.

Bài liên quan

Là diễn viên trong phim, nghệ sĩ Trung Anh không tránh khỏi sự buồn lòng, thậm chí là thất vọng khi lắng nghe chia sẻ này. Bởi lẽ ông cho rằng: “Tôi không biết phim ảnh của mình sẽ đi về đâu nữa. Nếu có kiểm duyệt như vậy thì chẳng ai muốn làm nữa. Vì "đứa con" của mình đẻ ra lại hết người này đến người kia bình luận, cắt chỗ này, cắt chỗ kia thì còn gì tác phẩm”.

Không phải ngẫu nhiên mà “Người phán xử” từng được chọn chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia và được nhận giải thưởng "Phim truyền hình ấn tượng" của năm. Bộ phim khai thác những mảng sáng tối trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của giới xã hội đen hiện đại, nhưng bên cạnh đó còn mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình với câu thoại ấn tượng: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng”.

Trên thực tế thì chúng ta chưa có một căn cứ nào để chứng minh cho quan điểm này. Kể cả thậm chí, nếu các vụ án và tỷ lệ tội phạm có sự gia tăng đột biến vào thời điểm đang hoặc sau khi bộ phim phát sóng thì cũng khó có thể nói nguyên nhân là do một bộ phim truyền hình.

kiem duyet phim o viet nam giai phap nao cho tuong lai phim viet hinh 2

Tuy nhiên, những ngày gần đây, ý kiến về việc "Người phán xử" góp phần làm gia tăng tội phạm gây ra không ít tranh cãi.

Năm 2009, trong một nghiên cứu xã hội học có tên “Phim ảnh bạo lực tác động như thế nào đến các hành vi bạo lực?” (của công chúng Mỹ), 2 tác giả Gordon Dahl và Stefano Dellavigna đã đưa ra một kết luận đáng chú ý: “Cùng trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm, khi lượng người xem các phim hành động bạo lực tăng thêm 1 triệu người thì tỷ lệ phạm tội lại giảm xuống từ 1,1 – 1,3%”. Kết luận này dựa trên dữ liệu của Đại học Havard, Viện Công nghệ Massachusetts, gồm các cuộc điều tra xã hội học, những công thức tính toán phức tạp, đã được công bố rộng rãi trên toàn thế giới.  Còn ở Việt Nam, theo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu xã hội học nào về tác động của phim ảnh đến hành vi của người xem.

Giới làm phim lo ngại về tương lai của phim Việt 

Luật Điện ảnh đang được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Điều này rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng quá trình sửa đổi - với bất cứ một điều luật nào cũng vậy, cần có những góp ý xác đáng, đi đúng bản chất vấn đề, làm sao để luật có thể điều chỉnh được các hoạt động của lĩnh vực đó chứ không phải kìm hãm, hạn chế sự phát triển và sáng tạo nghệ thuật.

Có thể nói, với những đối tượng học theo phim ảnh tội phạm, bản thân họ trước đó cũng đã có những suy nghĩ, tiềm thức liên quan đến những vấn đề đó chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phim ảnh. "Tôi nghĩ không phải do bộ phim quyết định mà bản thân những người đó đã có những tư tưởng lệch lạc rồi. Tôi cho rằng số lượng người có suy nghĩ không đúng, bắt chước làm theo hay cổ xúy bản thân họ đã có tư tưởng, trước sau gì họ cũng có thể phạm tội. Chỉ có điều khi xem phim, họ sẽ thích thú, hào hứng hơn mà thôi", đạo diễn Mai Hồng Phong nhận định.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia cũng bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn: "Tôi nghĩ, việc tìm mọi cách siết chặt và tăng thêm các điều khoản cấm phim là một sự bất công với phim Việt vốn đã thiệt thòi hơn rất nhiều so với các phim nước ngoài đang được cung cấp thoải mái, không che, không cắt, không giới hạn đề tài. Nếu không làm được gì để ủng hộ và đầu tư vào điện ảnh như một phần của ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo mà Nhà nước có chủ trương phát triển mạnh mẽ thì xin công bằng với phim Việt như đang làm với phim nước ngoài trên mọi nền tảng"

kiem duyet phim o viet nam giai phap nao cho tuong lai phim viet hinh 3

Đa số các đạo diễn cho rằng, việc tuỳ tiện kết án, đổ lỗi cho "Người phán xử" khiến cho tội phạm xảy ra nhiều hơn là phiến diện, thiếu căn cứ.

Kiểm duyệt phim: Cần có cái nhìn đa chiều, thông thoáng hơn nữa!

Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, nhiều khán giả phản đối, cho rằng việc chỉ đích danh phim “Người phán xử” làm gia tăng tội phạm xã hội đen có phần chủ quan và hơi khiên cưỡng. Bên cạnh đó, đề xuất của Thiếu tướng cũng nhận được sự ủng hộ của một bộ phận khán giả cho rằng cần có chế tài nghiêm khắc đối với các phim có yếu tố bạo lực. Bởi yếu tố hành động, bạo lực là một phần của bộ phim và cần phải được cân đối liều lượng thích hợp bởi tác động của phim ảnh đối với đời sống là rất lớn.

Rõ ràng, từ 2 luồng ý kiến của khán giả có thể thấy rõ tính 2 mặt trong phim ảnh luôn hiện hữu và không thể phủ nhận. Việc sản xuất những bộ phim phản ánh thực tế xã hội là cần thiết để công chúng có thể thấy rõ được những góc khuất, những vấn đề nổi cộm.

Theo đạo diễn Ngọc Tuấn, việc kiểm duyệt phim hiện nay nên chia ra thành 2 mảng. Nếu là phim điện ảnh chiếu rạp thì Cục Điện ảnh phụ trách, khi có phim mới chuẩn bị phát hành, các nhà đầu tư sẽ gửi phim đến Hội đồng duyệt phim của Cục để các nhà chuyên môn thẩm định xem phim có đủ điều kiện để chiếu hay không. Nếu là phim truyền hình thì các Giám đốc Đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của phim.

Thiết nghĩ, với những người có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội, thì hơn ai hết, họ cần phải có cái nhìn đa chiều, khách quan hơn nữa trước khi đánh giá, nhận định một vấn đề nào đó. Và đặc biệt, đội ngũ những người có chức năng kiểm định phim ảnh càng cần phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực này cũng như có những nhận định, quan điểm đúng đắn, tránh để tình trạng "kiểm duyệt phim" vô hình trung lại phải trở thành "người phán xử" một cách bất đắc dĩ. Như đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ: "Không thể tùy tiện kết án những người làm nghệ thuật là cổ xúy cho điều xấu nếu như không thể chứng minh họ đạt được lợi ích cụ thể khi làm điều đó”.

Bích Việt

Tin khác

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

(CLO) Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Đời sống văn hóa
Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

(CLO) Ngoài yếu tố giải trí, bộ truyện "Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh" có thể xem là sổ tay hướng dẫn cho các bé gái và thiếu nữ cách ứng xử văn minh và cởi mở trước các vấn đề trong cuộc sống.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề 'Thế giới tôi đọc'

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề "Thế giới tôi đọc"

(CLO) Ngày 20/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 với chủ đề "Thế giới tôi đọc" do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức.

Đời sống văn hóa
57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

(CLO) Ngày 20/4, UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận cây di sản Việt Nam đối với quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở tiểu khu bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu).

Đời sống văn hóa