Nuôi heo trong phòng lạnh là mô hình tối ưu hiện nay để hạn chế dịch bệnh
Tại hội thảo về bệnh dịch tả heo châu Phi diễn ra vào sáng 7/9/2018, Tập đoàn Olmix ở châu Á cảnh báo: “Chỉ hơn 1 tháng xuất hiện bệnh, Trung Quốc đã có 14 ổ dịch tại 6 tỉnh. Ổ dịch đầu tiên cách ổ dịch lây sau hàng ngàn cây số cho thấy tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh này vào Việt Nam là rất lớn. Người chăn nuôi phải dựng ngay hàng rào bảo vệ để có một trang trại đóng kín, ngăn chặn mọi nguồn lây bệnh từ chuột đến chim chóc, con người…”.
Nỗi lo bệnh dịch xâm nhập vào Việt Nam khiến nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi heo ở Đồng Nai tỏ ra bất an, họ kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các phương án để phòng, chống dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm này.
Ông Nghiêm Văn Trung, người chăn nuôi tại TP. Biên Hòa cho biết, một số thương lái hiện nay vẫn đang nhập heo sống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Và họ chỉ quan tâm đến giá, mã ngoài của con heo mà không mấy để ý đến việc Trung Quốc đang bùng phát bệnh dịch tả heo châu Phi. Nếu không ngăn chặn ngay việc nhập khẩu heo Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thì chắc chắn dịch này sẽ lây lan vào Việt Nam. Ngoài ra, tình trạng giết mổ lậu vẫn tồn tại, việc kinh doanh heo chưa được kiểm soát tốt... thì việc mua bán heo bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Kiểm soát tốt việc kinh doanh cũng là giải pháp để phòng ngừa dịch bệnh lây lan
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đứng đầu cả nước về chăn nuôi heo với tổng đàn là 2,34 triệu con. Vì vậy nếu dịch bệnh xảy ra, thiệt hại sẽ rất nặng nề.
Lo ngại dịch bệnh lây lan nhanh lại chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, người chăn nuôi kiến nghị nên hạn chế nhập thịt từ các nước có dịch bệnh và tăng cường kiểm nghiệm nguồn thịt nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, kiểm soát chất thải chăn nuôi ra môi trường để kiểm soát các nguồn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần lập ngay đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý và ứng phó với dịch bệnh...
Được biết, ngay từ khi thông tin dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã tự ứng phó bằng cách gửi thông báo đến các trang trại chăn nuôi gia công hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát an toàn sinh học giúp khống chế dịch bệnh. Một số doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi trong công tác vệ sinh chuồng trại.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - ông Nguyễn Trí Công cho biết, Hiệp hội sẽ có kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chức năng liên quan về nhóm giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nếu bệnh dịch tả heo Châu phi xảy ra. Thực tế, nguyên nhân lớn dẫn đến tốc độ lây lan nhanh dịch này tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới xuất phát từ việc vận chuyển các sản phẩm từ heo, kể cả thịt đã qua chế biến. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây qua thức ăn từ thịt heo sử dụng trong hệ thống đường hàng không.
TS.Đinh Xuân Phát (Trường ĐH nông lâm TP.HCM) khuyến cáo: “Đây là loại bệnh hoàn toàn mới với Việt Nam nên cả cơ quan chức năng và người chăn nuôi đều lúng túng và chưa có kinh nghiệm ứng phó. Để phòng bệnh, điều quan trọng nhất là người nuôi cần kiên trì ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học trong suốt thời gian dài chứ không phải chuyện ngày một ngày hai”.
Bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên ở châu Phi vào năm 1921. Từ đó đến nay, bệnh trở thành dịch tại nhiều nơi trên thế giới. Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia báo cáo xảy ra dịch. Đây là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do lây lan nhanh, tỷ lệ heo chết có thể lên đến 100%. “Siêu” virus này có khả năng tồn tại rất lâu, kể cả sau chế biến cũng không tiêu diệt được virus nên rất khó để loại trừ mầm bệnh. Đáng lo ngại nhất là hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện bệnh này không lây qua người. |
Thanh Hải (T/h)