Theo kết quả kiểm toán, tuyến Quốc lộ 91B không thuộc danh mục ưu tiên đầu tư đến năm 2020 tại các quyết định phê duyệt quy hoạch do Chính phủ ban hành nên chưa cần thiết, cấp bách phải đầu tư trong năm 2015 và chưa cần thiết bổ sung đầu tư dự án theo hình thức BOT. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến Quốc lộ 91B theo đề nghị của HĐND, UBND TP. Cần Thơ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhằm khắc phục những sai sót của dự án đầu tư trước đây từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định đầu tư. Vấn đề này đã được Bộ GTVT nêu cụ thể tại Công văn số 14906/BGTVT-ĐTCT ngày 24/11/2014: Khắc phục, xử lý hậu quả của việc tuyến đường xuống cấp trầm trọng, hư hỏng mặt đường gây mất an toàn giao thông chỉ sau 4 năm sử dụng để giải quyết bức xúc của địa phương; đầu tư Dự án Quốc lộ 91B theo hình thức hợp đồng BOT để xử lý khoản 17,853 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng vượt tổng mức đầu tư khi thực hiện Dự án Quốc lộ 91B năm 2010.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí dự án BOT Quốc lộ 91 và 91B
Nhưng theo KTNN, Bộ GTVT đã không xác định được phương án chuyển đổi khi đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg từ dự án sử dụng vốn WB sang đầu tư theo hình thức BOT; chưa tuân thủ đúng quy định và chưa phê duyệt phương án chuyển đổi theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 3263/BKHĐT-PC ngày 11/5/2012. Do vậy, chi phí đã đầu tư trước khi chuyển đổi đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa được xác định và chưa có hướng xử lý cụ thể.
Còn với Dự án Quốc lộ 91, tuy đã được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong nước, nhưng vẫn được Chính phủ phê duyệt danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, cho thấy chưa có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu cho Chính phủ phê duyệt danh mục dự án.
Trong công tác lựa chọn nhà đầu tư và thương thảo, ký hợp đồng BOT, do công bố danh mục đầu tư theo hình thức BOT trước khi được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nên Bộ GTVT đăng thông tin về tổng mức đầu tư bao gồm cả chi phí đầu tư tuyến tránh Thốt Nốt (cao hơn 932 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư của Dự án không bao gồm tuyến tránh Thốt Nốt). Việc công bố tổng mức đầu tư cao hơn thực tế đã làm hạn chế số lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án. Mặt khác, Ban Quản lý dự án 1 chấp thuận nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất khi vẫn còn trong thời gian bán hồ sơ yêu cầu; nhà đầu tư mua hồ sơ yêu cầu, lập hồ sơ đề xuất và nộp hồ sơ đề xuất chỉ trong thời gian 4 ngày, chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian chuẩn bị và thời gian nộp hồ sơ đề xuất.
Về kiểm tra, giám sát của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án 1 chưa thực hiện đầy đủ theo những nội dung công tác rà soát quyết toán dự án hoàn thành được Bộ GTVT giao nhiệm vụ tại Công văn số 11051/BGTVT-TC ngày 21/9/2016.
Bên cạnh đó, KTNN còn chỉ ra những bất cập trong công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ Dự án và chất lượng công trình, đặc biệt là nêu rõ những sai sót trong việc quản lý chi phí đầu tư Dự án.
Theo KTNN, nguồn vốn đầu tư của Dự án này tính đến 31/3/2017 là 1.720,3 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 282 tỷ đồng và vốn vay tín dụng là 1.438,3 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, chi phí đầu tư thực hiện Dự án đến 31/3/2017 phải giảm 44,8 tỷ đồng so với giá trị được kiểm toán (1.237,5 tỷ đồng) và giá trị hợp đồng còn lại của Dự án phải giảm 52,1 tỷ đồng so với giá trị được kiểm toán (xấp xỉ 473 tỷ đồng).
Liên quan đến việc tính toán, xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong Đề án thu phí, KTNN nêu rõ, do chưa có quy định cụ thể về phương pháp điều tra khảo sát nên Dự án đã tính toán lưu lượng xe dựa trên cơ sở khảo sát (đếm xe 7 ngày tại trạm thu phí T1) và dựa vào dự báo lưu lượng xe qua tuyến Quốc lộ 91 đoạn từ TP. Cần Thơ đến giáp TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) theo cách phân tích ma trận vận tải OD của ngành, lượng xe tăng trưởng hằng năm theo dự báo nhu cầu vận tải của ngành, vùng phù hợp với tiêu chuẩn khảo sát TCN 263-2000. Tuy nhiên, việc khảo sát, đếm xe chưa đưa ra được con số chính xác, chưa có biện pháp ước lượng các xe mua vé tháng, quý, năm để tính lượng doanh thu giảm trừ.
Về mức thu phí, Dự án còn chưa xem xét đến việc các phương tiện giao thông đã phải nộp phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện theo Công văn số 17254/BTC-ĐT ngày 13/12/2013 của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ để từ đó xây dựng mức giá thu phí phù hợp.
Về vị trí đặt trạm thu phí, Dự án ban đầu chỉ có trạm thu phí T1 tại Km14+770 nhưng khi bổ sung Quốc lộ 91B vào Dự án thì Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND TP. Cần Thơ thống nhất đặt 2 trạm thu ở vị trí T1 tại Km16+905,83 và T2 tại Km50+050 Quốc lộ 91 thuộc 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt. Việc phải di dời vị trí đặt trạm T1 là để loại bỏ việc các phương tiện đi vào đường tránh, gây thất thu và ảnh hưởng đến tính khả thi của Dự án. Tuy nhiên, việc này làm lãng phí chi phí đào đắp nền móng hơn 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vị trí đặt trạm T2 làm cho các xe chạy trên tuyến Quốc lộ 80 từ Kiên Giang qua Long Xuyên và ngược lại chỉ sử dụng một đoạn đường ngắn của Dự án cũng phải chịu phí, gây dư luận xã hội không tốt trong thời gian vận hành.
Về một số chỉ tiêu liên quan đến thời gian hoàn vốn của Dự án, theo thỏa thuận đầu tư giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn của Dự án là 23 năm, 5 tháng, 8 ngày. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, phải điều chỉnh lại thời gian hoàn vốn của Dự án là 19 năm và 5 ngày (giảm 4 năm, 5 tháng, 3 ngày so với phương án tài chính ban đầu).
Qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng công ty Cổ phần Phát triển khu công nghiệp; Ban Quản lý tiểu dự án giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91, UBND TP. Cần Thơ, Ban Quản lý dự án Thăng Long nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai sót, có những xử lý về tài chính liên quan, cũng như rút kinh nghiệm từ những vấn đề bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Dự án.
Đối với Bộ GTVT, KTNN kiến nghị cần nhanh chóng phê duyệt giá trị quyết toán Dự án giai đoạn 1 và quyết toán hợp đồng BOT theo đúng thời gian quy định; xây dựng định mức chi phí bảo trì, sửa chữa đường bộ (định kỳ) làm cơ sở xác định thời gian thu hồi vốn đối với dự án BOT, điều chỉnh chỉ số CPI cho sát với thực tế đối với các dự án BOT; ban hành quy định cụ thể về phương pháp điều tra, khảo sát lưu lượng phương tiện giao thông làm cơ sở xây dựng phương án tài chính trong các hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Đặc biệt, Bộ GTVT cần làm việc với UBND, kết hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ để nắm tình hình diễn biến và rà soát, khảo sát, tiếp tục nghiên cứu phương án tổ chức thu phí phù hợp với đối tượng sử dụng cụ thể trên cơ sở xử lý triệt để, tránh xảy ra khiếu kiện, ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến tình hình chính trị của khu vực Tây Nam Bộ...
PV