(CLO) Hôm nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016. Cùng dự có các Phó Thủ tướng và lãnh đạo chủ chốt của các Bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
[caption id="attachment_104776" align="aligncenter" width="600"]
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016. Ảnh: VGP[/caption]
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nêu rõ, với quan điểm Chính phủ kiến tạo thì công tác xây dựng thể chế rất quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày tại phiên họp, số văn bản nợ đọng và văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 1/7 tới còn thiếu, phải ban hành là 30 văn bản. Trong đó, 26 văn bản đã trình Thủ tướng Chính phủ. Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay, đã trình Chính phủ 49 trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.
Ngoài các văn bản nói trên, từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.
Vẫn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ ngày 1/7/2016, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bởi theo quy định của Luật này, các văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực khi luật, pháp lệnh hết hiệu lực. Nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo “khoảng trống pháp lý” tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành và thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, văn bản pháp luật phải tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới.
Nhấn mạnh việc lắng nghe một cách thấu đáo các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, việc lấy ý kiến một lần nữa đối với các văn bản chuẩn bị ban hành là rất quan trọng để tạo ra thể chế tốt nhất.
Thủ tướng yêu cầu cách thức làm việc của phiên họp là nêu các vấn đề mà các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau, từ đó, thảo luận, tìm ra phương pháp tiếp cận tốt nhất. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì phải lấy ý kiến đến cùng, tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư phải phân tích, để sớm trình. Nếu vẫn có ý kiến khác nhau thì trình Thủ tướng và các Phó Thủ tướng phụ trách quyết định.
Thế Vũ